Bệnh Alzheimer

Alzheimer là một dạng bệnh thoái hóa của các tế bào thần kinh thuộc não bộ. Bệnh gây hiện tượng suy giảm trí nhớ, khả năng phán đoán, nhận thức và các rối loạn về tác phong. Hiện nay, căn nguyên của bệnh chưa được biết rõ. Có nhiều khả năng bệnh không xuất phát từ một nguyên nhân đơn độc mà do nhiều yếu tố kết hợp: tuổi, tiền sử gia đình, chế độ dinh dưỡng, môi trường, sự bất thường của hệ miễn dịch...

Theo các chuyên gia, Alzheimer ở người tuổi 65 chiếm khoảng trên 5%, tăng lên đến trên 20% ở người trên 80 tuổi. Bệnh dao động theo giới (nữ mắc nhiều hơn nam) và sắc tộc.

Triệu chứng

Alzheimer là một quá trình sa sút trí tuệ với tiến triển tăng dần của mất trí nhớ, chức năng hiểu biết và rối loạn sự nhanh nhẹn. Đầu tiên có sự chậm chạp nhẹ trong chức năng hiểu biết, sự chú ý chậm, khả năng hoạt động xã hội bị giảm sút và trí nhớ bị thiếu hụt. Những triệu chứng sớm bao gồm rối loạn chức năng ngôn ngữ (mất gọi tên đồ vật, lắp lời, khó khăn trong việc hiểu, viết, khả năng nói…), mất nhận thức đồ vật, mất sử dụng động tác.

 Sự kích động và trạng thái “không nghỉ ngơi” cũng thường gặp. Biểu hiện vận động không xuất hiện sớm, có thể thay đổi phản xạ và có dáng đi chậm, lê bước. Giật cơ và động kinh toàn thể xuất hiện ở giai đoạn muộn. Suy giảm hiểu biết nhanh thấy kết hợp với dấu hiệu thấp. Bệnh cảnh lâm sàng giai đoạn cuối rất gây ấn tượng. Hoạt động trí tuệ ngừng, bệnh nhân trở nên ngoan ngoãn và có thể dẫn đến tình trạng thực vật. Yếu và co rút tứ chi có thể xuất hiện, mất chức năng kiểm soát bàng quang, trực tràng…

Hình ảnh mô phỏng não bệnh nhân Alzheimer

Xét nghiệm

Không có thay đổi trong các xét nghiệm thông thường. Dịch não tủy bình thường, có thể tăng nhẹ protein, điện não ít giá trị. Khám xét thần kinh tâm thần có ích lợi cho đánh giá tình trạng bệnh và chẩn đoán phân biệt. Trên CT (chụp cắt lớp) và MRI (chụp cộng hưởng từ) thường thấy giãn các não thất bên và rộng các rãnh vỏ não, cụ thể ở vùng trán và thái dương, đặc biệt ở giai đoạn sau của bệnh. Teo vỏ não nhẹ dường như được thấy ở một số bệnh nhân lớn tuổi có chức năng não bình thường (khám xét lâm sàng và các test tâm thần…).

Chăm sóc và điều trị

Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh Alzheimer, chủ yếu là làm giảm tối đa tốc độ phát triển của bệnh. Trên thị trường hiện có các loại thuốc như hoạt động trên nguyên tắc kích thích não sinh ra nhiều chất Acetylcholin (chất có vai trò dẫn truyền thông tin của não) giúp cải thiện chức năng hoạt động của não, đặc biệt là khả năng ghi nhớ và suy luận, có khả năng cải thiện tình trạng suy giảm trí nhớ và khả năng tư duy của người bệnh. Tuy nhiên, các loại thuốc trên chỉ tác động tốt trong giai đoạn sớm của bệnh. Bệnh Alzheimer tiến triển nhanh hay chậm phụ thuộc vào việc bệnh được phát hiện và điều trị sớm hay muộn.

Một trong những yếu tố quan trọng trong công tác điều trị cho người bệnh Alzheimer, đó là vai trò giám sát và chăm sóc của gia đình. Ở giai đoạn sớm, người bệnh có thể tự khắc phục tình trạng suy giảm trí nhớ của mình bằng cách lập bảng ghi nhớ, các dấu hiệu màu sắc, sự nhắc nhở của người xung quanh. Khi bệnh đã chuyển sang giai đoạn nặng, sự giám sát của người thân càng phải được tăng cường để cuộc sống của người bệnh thật sự an toàn. Khi bệnh nhân lú lẫn nặng, đi lang thang không tìm được đường về, cần cho bệnh nhân đeo vòng có ghi chú rõ địa chỉ nơi ở và nơi cần liên lạc.

Phòng bệnh

Thể dục và giữ cho “não” hoạt động thường xuyên

Bắt các tế bào thần kinh làm việc là cách phòng bệnh Alzheimer hiệu nghiệm nhất. Điều này có nghĩa là phải rèn luyện trí nhớ và sự linh hoạt của trí óc, rèn luyện cơ bắp hoặc hơi thở để chống lại sự lão hoá các tế bào thần kinh. Các nghiên cứu dịch tễ đưa ra kết luận rằng các hoạt động như đánh cờ hay những người tham gia vào các hoạt động trí tuệ khác như đọc sách, chơi trò chơi hội đồng, hoàn thành câu đố ô chữ, chơi nhạc cụ, hoặc tương tác xã hội thường xuyên cho thấy giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer. Điều này tương thích với các lý thuyết dự trữ nhận thức, trong đó nêu rằng một số kinh nghiệm đời sống cho kết quả hoạt động thần kinh hiệu quả hơn việc cung cấp dự trữ một nhận thức cá nhân trong sự trì hoãn việc khởi đầu của những biểu hiện mất trí nhớ.

Các hoạt động thể lực như thể dục hay đi bộ cũng cho thấy giúp giảm nguy cơ bị bệnh Alzheimer khi nghiên cứu trên số lượng lớn người cao tuổi và trong thời gian dài. Một nghiên cứu tại Mỹ được tiến hành với nhóm người trong độ tuổi từ 55-88, thường xuyên tập thể dục, trung bình 30 phút/ngày và 5 ngày/tuần. Sau 10 năm theo dõi, các nhà khoa học đã phát hiện lượng amyloid trong não và lượng protein được gọi là “tau” (dấu hiệu rối loạn chức năng và sự chết của tế bào thần kinh) của nhóm người này thấp hơn so với người bình thường khác.

Nên ăn uống với những loại thực phẩm nào?

Theo các nhà khoa học, đã có các nghiên cứu về một số loại thực phẩm có tác dụng hỗ trợ làm chậm lại quá trình lão hóa và SSTT. Như:

Dầu mỡ: Một nghiên cứu ở Hà Lan cho thấy có mối liên hệ giữa sa sút trí tuệ và chế độ ăn nhiều mỡ toàn phần, chất béo bão hòa và cholesterol. Tuy nhiên mỡ dạng omega-3 có tác dụng chống lão hóa cho tế bào não. Người ta khuyến cáo năng lượng từ chất béo chỉ nên ở mức dưới 30% tổng nhu cầu hàng ngày.

Rau quả sậm màu: Có tác dụng bảo vệ não chống lại sự lão hóa.

Đậu nành: Có chứa một thành phần giống estrogen; Trên động vật thí nghiệm cho thấy có tác dụng bảo vệ chống lại bệnh Alzheimer. Đậu nành đặc biệt tốt cho phụ nữ sau mãn kinh.

Rượu: Nếu dùng lượng vừa phải (một đến hai ly mỗi ngày) thì có tác dụng tốt bảo vệ não do kích thích phóng thích acetylchotine (chất dẫn truyền thần kinh bị khiếm khuyết trong bệnh Alzheimer). Tuy nhiên nếu dùng quá nhiều sẽ gây hại, đặc biệt phụ nữ uống rượu sẽ tăng nguy cơ bị ung thư vú và không được dùng khi có thai.

Folate và vitamin B12: sẽ làm giảm hemocysteine (chất làm tăng nguy cơ Alzheimer và bệnh tim mạch).

Nguồn suckhoedoisong.vn