Tạo đột phá cho ngành bán lẻ

Năm 2007, năm đầu tiên Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ mới dừng ở con số 726,1 nghìn tỷ đồng thì đến năm 2011 con số này đã đạt trên 2.000 nghìn tỷ đồng.

 Như vậy, tổng mức bán lẻ tăng đã bình quân 15%/năm và chiếm 13-15% GDP.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, nếu loại trừ yếu tố giá và lạm phát thì mức tăng trưởng của ngành bán lẻ chỉ đạt 4-6%/năm, đây thực sự là con số không nhiều đối với một quốc gia có sức mua trẻ và tốc độ tăng trưởng bình quân 7%/năm.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng làm việc với các doanh nghiệp bán lẻ ngày 13/3.
Ảnh: Chinhphu.vn

Khó và vướng

Một trong những rào cản đối với sự phát triển của ngành bán lẻ Việt Nam là quy hoạch về phát triển ngành phân phối chưa rõ ràng.

Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái, ông Phạm Đình Đoàn ví von các doanh nghiệp bán lẻ đang hoạt động trong trạng thái như đeo kính râm tham gia giao thông, không biết đi đường nào? Vì vậy, doanh nghiệp trong nước thường khó cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài trong ngành bán lẻ. Theo số liệu của Bộ Công Thương riêng Big C Thăng Long tại Hà Nội có doanh thu khoảng 20 triệu USD/năm trong khi đó hệ thống siêu thị của các doanh nghiệp trong nước có quy mô tương đương chỉ đạt khoảng 5-7 triệu USD/năm.

Một bất cập nữa, theo Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam Phan Thế Ruệ, là sự phân cấp quá nhiều cho các địa phương trong việc cấp phép. Một số tỉnh, thành phố cũng đã có quy hoạch diện tích đất dành cho thương mại, tuy nhiên, việc quy hoạch dường như theo ý chí chủ quan chứ chưa chú trọng đến nhu cầu, ý kiến của các chuyên gia bán lẻ.

Trong buổi làm việc với các doanh nghiệp bán lẻ ngày 13/3, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho rằng các quy định về ngành bán lẻ chưa đủ và còn lạc hậu, chậm được bổ sung để phù hợp với thực tiễn.

Xây dựng doanh nghiệp đầu tàu

Đa số các ý kiến doanh nghiệp bán lẻ phản ánh lên Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đều nhấn mạnh đến việc cần tập trung chính sách cho phát triển ngành phân phối nhất là bán lẻ trong nước.

Theo Phó Giám đốc Công ty Intimex Hoàng Hồng Hạnh, Ngân hàng Nhà nước nên chỉ định ngân hàng thương mại dành một quỹ vốn nhất định khoảng 1.000-2.000 tỷ đồng hỗ trợ các doanh nghiệp bán lẻ với lãi suất ưu đãi trong thời gian 3-5 năm.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) Nguyễn Hữu Thắng cho rằng nên quản lý hoạt động phân phối bán lẻ theo quy hoạch và điều hành hoạt động theo quy hoạch để tránh chồng chéo.

Theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, nhằm tạo điều kiện cho thị trường phân phối phát triển, quan điểm điều hành của Bộ Công Thương tới đây sẽ cụ thể hoá Nghị quyết TW 4 khoá XI (Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16/1/2012) về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, theo đó về hạ tầng thương mại sẽ gắn phát triển hệ thống phân phối và bán lẻ trước hết tập trung ở những mặt hàng quan trọng, thiết yếu với công tác đảm bảo cung cầu.

Bộ cũng sẽ có những đề xuất Chính phủ các biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp phân phối bán lẻ trong nước mà không vi phạm các cam kết WTO, trong đó đề xuất về đào tạo, hỗ trợ pháp lý, hỗ trợ thông tin, tư vấn pháp lý trong việc liên kết các nhà sản xuất - nhà phân phối.

Hỗ trợ về chính sách thuế, tài chính, tín dụng, về mặt bằng và cơ sở hạ tầng, theo đó có cơ chế ưu đãi trong vay vốn đầu tư cơ sở hạ tầng thương mại cũng như hoàn thiện chính sách pháp luật về mở cửa thị trường dịch vụ phân phối, trước mắt nghiên cứu cụ thể hoá về ENT (kiểm tra nhu cầu kinh tế) để tránh tình trạng thiếu minh bạch, thiếu nhất quán trong quản lý giữa trung ương và địa phương cũng như giữa các địa phương với nhau về các quyết định có liên quan đến cấp phép hoạt động phân phối của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Bên cạnh đó, bản thân các doanh nghiệp phân phối cần phải nâng cao năng lực và có chiến lược riêng của mình bên cạnh chiến lược chung, đồng thời cần xác định xây dựng những doanh nghiệp đầu tầu trong mỗi lĩnh vực.

Nguồn www.chinhphu.vn