Hạ tầng thủy lợi - động lực phát triển nông nghiệp, nông thôn

Tỉnh ta có khí hậu khô nóng, lượng mưa hàng năm thấp nhất cả nước, trong khi đó lượng bốc hơi lại rất lớn. Do vậy hệ thống thủy lợi đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với phát triển sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn, cũng như đời sống sinh hoạt của người dân trong tỉnh.

(NTO) Theo đồng chí Châu Thăng Long, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, không kể hồ Đơn Dương (Lâm Đồng) có dung tích chứa 165,6 triệu m3, toàn tỉnh hiện có 11 hồ chứa nước phục vụ cho sinh hoạt và tưới tiêu cho nông nghiệp với dung tích chứa theo thiết kế trên 130 triệu m3 , trong đó có các hồ lớn như: Sông Trâu 31,53 triệu m3, Tân Giang 13,39 triệu m3 và Sông Sắt 69,33 triệu m3. Diện tích tưới thiết kế và khả năng thực tế của các hồ chứa đã lên đến 35.150 ha. Ngoài ra còn có 76 công trình đập dâng lớn, nhỏ theo thiết kế phục vụ tưới cho tổng diện tích 18.363 ha, trong đó có 13 đập dâng có diện tích mỗi đập tưới trên 50 ha; 58 đập dâng có diện tích mỗi đập tưới dưới 50 ha và 5 đập dâng được kê vào khu tưới hồ Tân Giang. Riêng trên địa bàn nông thôn, hệ thống kênh tưới, tiêu nội đồng do xã quản lý có tổng chiều dài 1.114 km, trong đó đã được kiên cố hóa 280 km, đạt 25,14% trên tổng chiều dài kênh mương hiện có.

Hồ Sông Sắt có sức tích chứa 69,33 triệu m3 phục vụ tưới cho hơn 3.800 ha đất nông nghiệp
tại huyện Bác Ái. Ảnh: V.Miên

Nhìn chung, hệ thống thủy lợi cơ bản đáp ứng được yêu cầu sản xuất và dân sinh trong tỉnh. Đã có 14 xã nhờ các công trình thủy lợi mà phát triển sản xuất nông nghiệp và chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi hiệu quả. Ở một số khu vực cao cục bộ, không thể tưới tự chảy được, tỉnh đã xây dựng 44 trạm bơm tưới với diện tích thiết kế là 1.480 ha. Nhờ hệ thống thủy lợi, đến nay diện tích đất nông nghiệp được tưới đã từ 36.389 ha vào năm 2005 tăng lên gần 62.400 ha. Vai trò thủy lợi có thể thấy rõ tại Thuận Bắc, vốn là huyện trọng điểm thường chịu tác hại của hạn hán. Từ khi có hệ thống thủy lợi hồ Sông Trâu, Thuận Bắc đã có khoảng 2.500 ha đất canh tác nông nghiệp được phục vụ tưới. Bên cạnh đó, Thuận Bắc còn có 21 đập dâng rải rác ở các xã Phước Chiến, Phước Kháng, Công Hải, Lợi Hải và Bắc Sơn dẫn nước tưới cho diện tích 750 ha đồng lúa 3 vụ. Những năm gần đây, nhờ hưởng lợi từ các hồ chứa nước Sông Trâu, Ma Trai và các công trình thuỷ lợi nhỏ khác, nông dân các xã Công Hải, Lợi Hải và Bắc Sơn đã mở rộng diện tích trồng cây lúa nước lên 929 ha.

Nhờ nguồn nước hồ Tân Giang, nông dân xã Phước Ninh (Thuận Nam) sản xuất mỗi năm 3 vụ lúa.

Đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi được coi là biện pháp hàng đầu trong phát triển sản xuất nông nghiệp nên được tỉnh ta rất quan tâm. Chỉ tính trong năm qua, trên địa bàn tỉnh đã có thêm 4 hồ chứa nước (Bàu Zôn, Trà Co, Cho Mo, Phước Nhơn) hoàn thành nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng và tiếp tục được triển khai thi công hệ thống kênh cấp 2, 3 thuộc dự án Hệ thống thủy lợi vừa và nhỏ. Các hồ Lanh Ra, Sông Biêu đã cơ bản hoàn thành nghiệm thu, hiện còn lại khối lượng các hạng mục bổ sung xử lý kỹ thuật. Hệ thống kênh mương thuộc dự án hồ Bà Râu cũng đã hoàn thành, nghiệm thu đưa vào sử dụng. Dự án kênh mương thuộc hệ thống thủy lợi Tân Mỹ được tiếp tục đẩy nhanh thi công đảm bảo đúng tiến độ. Đặc biệt đã hoàn hành nghiệm thu công trình kênh chính Bắc. Theo kế hoạch của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong năm nay, ngoài công trình hồ Ô Căm đang triển khai, sẽ khởi công xây dựng hồ Sông Than và hồ sinh thái Đa Mây, kiên cố hóa đoạn đầu và cuối kênh chính Nam thuộc hệ thống Nha Trinh-Lâm Cấm.

Để phục vụ nhu cầu tưới, theo tính toán của Chi cục Phát triển nông thôn, trong những năm tới tỉnh ta cần đầu tư bê-tông hóa 500 km kênh mương nội đồng mới đạt được tiêu chí đề ra về xây dựng nông thôn mới. Hiện nay, qua khảo sát, các xã đạt tiêu chí về thủy lợi ở tỉnh ta có: Phước Sơn, Phước Hậu, Phước Thái, Phước Hữu, Phước Vinh (Ninh Phước), Phước Nam, Phước Ninh, Phước Minh (Thuận Nam), Bắc Phong, Lợi Hải, Công Hải, Phước Chiến, Phước Kháng (Thuận Bắc) và Hộ Hải (Ninh Hải). Trong giai đoạn đến năm 2015, sẽ có thêm 7 xã cải tạo, xây mới hệ thống thủy lợi trên địa bàn đạt chuẩn phục vụ cho chương trình nông thôn mới. Mục tiêu nhằm tăng dần nguồn nước tưới hàng năm, đến năm 2015 bảo đảm diện tích tưới đạt 72.298 ha.

Với vai trò quan trọng của hạ tầng thủy lợi đối với xây dựng nông thôn mới, chủ trương của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là đẩy mạnh quá trình quản lý thủy lợi theo mô hình có sự tham gia của người dân (PIM) đối với vùng tưới các hồ đập thủy lợi của tỉnh. Trong đó quan trọng nhất là huy động sự đóng góp của người dân và các tổ chức trong việc đầu tư xây dựng những công trình thủy lợi nhỏ và hệ thống kênh mương nội đồng.

Ông Nguyễn Đức Hùng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Thuận Bắc:

Các hệ thống thủy lợi trên địa bàn huyện đã phục vụ tốt cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Khi tách huyện, diện tích đất sản xuất nông nghiệp có 3.650ha, nhưng đến cuối năm 2011, đã tăng hơn 9.500ha chính nhờ phát huy có hiệu quả các công trình thủy lợi. Riêng hệ thống thủy lợi Bà Râu dự tính đến cuối quý II năm 2012 sẽ hoàn thành, dung tích hữu ích là 4,7 triệu m3, ngoài phục vụ tưới 300ha đất nông nghiệp, còn cung cấp nước cho các khu công nghiệp và tạo môi trường sinh thái cho khu vực vùng ven. Trong thời gian tới, trên địa bàn huyện sẽ tiếp tục đầu tư khai thác thêm một số các công trình thủy như hồ Kiền Kiền, hồ Lợi Hải và một số công trình đập dâng thời vụ ở các xã miền núi như Phước Kháng, Phước Chiến, Bắc Sơn… để phục vụ phát triển sản xuất, chăn nuôi và cung cấp nước sinh hoạt cho bà con.


 
Ông Nguyễn Hữu Toàn, Chủ tịch UBND xã Xuân Hải (Ninh Hải):

Với một xã thuần nông, sản xuất lúa là chủ yếu như Xuân Hải, thì việc xây dựng hệ thống thủy lợi là điều hết sức quan trọng. Hiện nay, phần lớn diện tích trồng lúa và hoa màu của xã đều được hưởng lợi nguồn nước từ kênh Bắc, trong đó có 864 ha lúa sản xuất 3 vụ. Nguồn nước đảm bảo giúp bà con ổn định sản xuất, tăng năng suất cây trồng và mở rộng nhiều mô hình chăn nuôi, từng bước phát triển kinh tế gia đình.






 
Ông Kiều Minh Tiến, cán bộ Giao thông-thủy lợi xã An Hải (Ninh Phước):

Thuộc đoạn cuối của kênh Nam, xã An Hải có hơn 80% người dân sống bằng nghề nông, nên việc khai thác một cách hợp lý và hiệu quả nguồn nước tưới rất được chú trọng. Hiện nay, toàn xã có 1.200 ha diện tích cây trồng các loại, trong đó diện tích lúa 230 ha được hưởng lợi từ đoạn kênh này. Từ khi được bê-tông hóa, việc dẫn nước đến ruộng của bà con được nhanh chóng, tiết kiệm thời gian hơn, giúp tăng năng suất lúa hàng năm. Sắp tới được sự đầu tư của tỉnh, xã sẽ bê-tông hóa 5 km đoạn kênh còn lại ở 2 thôn Long Bình 1 và 2. Sau khi được bê tông hóa, chắc chắn việc điều tiết nước của bà con ở đây dễ dàng hơn. Đối với các thôn Nam Cương, Tuấn Tú, tuy chưa có hệ thống kênh mương nhưng người dân đã khai thác mạch nước ngầm bơm tưới nên không thiếu nước sản xuất.