Ðêm trăng sáng. Dân bản Khe Cát, xã Trường Sơn (Quảng Ninh, Quảng Bình), già làng Hồ Ai cùng ngồi quanh bếp lửa đang cháy rừng rực. Rượu cần mềm môi, điệu Chachấp, Oát, Xanớt theo men rượu mà say đắm lòng người. Như già Hồ Ai kể lại, gốc gác của người Bru - Vân Kiều ở Quảng Bình vốn là ở vùng núi rừng huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Không biết từ bao giờ, qua những đợt di dân, đồng bào cứ bám theo con sông, con suối, qua những triền núi cao mà tiến dần ra phía bắc. Ðến những vùng đất mới trù phú, họ dừng chân, phát rẫy, dựng nhà. Thế rồi dần hình thành nên nhiều bản mới bên mái Trường Sơn phía tây Quảng Bình. Ði qua hai cuộc chiến tranh, sau đó là một thời kỳ khó khăn, gian khổ, tưởng chừng các phong tục hay, những làn điệu dân ca trữ tình của người Bru - Vân Kiều sẽ mai một dần. Nhưng không, một cuộc sống mới đã đến với vùng đất này. Và kỳ diệu thay, khi con ong đi tìm mật, gái trai hẹn hò nhau vào mùa đi Sim, các bản làng Vân Kiều lại tràn ngập những âm thanh Kalui, sáo Pi, sáo Sui, đàn Plựa, đàn Tíntùng... như nhắn nhủ, mời gọi mọi người con của bản làng mau mau trở về đón mùa xuân mới, đón mùa rẫy mới với niềm tin về sự no đủ, như lời khấn đầu năm của già làng: "Các vị thần hãy về với người Bru - Vân Kiều, chứng giám một mùa làm rẫy mới. Hạt lúa đã gieo xuống đất rồi, cầu cho con thú dữ đừng phá rẫy, để hạt lúa nảy mầm. Cầu cho một mùa rẫy bội thu. Người con Vân Kiều hãy lắng nghe lời Sinớt ngân xa kể về cây lúa, cho bản làng ta lúa vàng đầy sân nhà. Người Vân Kiều đã có cái ăn, cái mặc, đã có cuộc sống ấm no, hạnh phúc...".
Hát múa mừng cơm mới của bà con Bru-vân Kiều.
Già Hồ Văn Thương, nguyên là Trưởng bản Khe Dây, xã Trường Xuân đã có lần giới thiệu với chúng tôi những nhạc cụ truyền thống của đồng bào Bru - Vân Kiều mà hơn nửa thế kỷ qua ông nâng niu, gìn giữ. Ông nói giọng buồn buồn: "Ngày xưa, những nhạc cụ này, con trai, con gái Bru - Vân Kiều ai cũng sử dụng được cả. Mỗi dịp Tết đến, khi bản làng tổ chức lễ hội, đám cưới, đám hỏi... núi rừng Trường Sơn lại rộn ràng tiếng đàn, tiếng sáo và những làn điệu dân ca say đắm lòng người. Bây giờ đời sống khá lên rồi, thanh niên Vân Kiều làm quen với nhiều cái văn hóa khác rồi dần dần như quên đi cái văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình. Tao phải cố gắng giữ lấy loại nhạc cụ này và truyền lại cho thế hệ cháu con". Có lẽ vì thế, già Hồ Văn Thương được đồng bào ví như người giữ hồn cho các nhạc cụ và văn hóa dân tộc Bru - Vân Kiều ở Quảng Bình. Già Thương nhấp một hơi rượu rồi đưa cây sáo Sui lên môi. Ngôi nhà sàn tràn ngập âm thanh lúc trầm, lúc bổng. Tiếng sáo Sui như có hồn, nỉ non, gọi mời, níu kéo... Khách một lần nghe tiếng sáo Sui "kể chuyện" đều không muốn rời xa. Rồi ông chuyển sang đánh đàn Tíntùng, tiếng đàn sâu lắng trầm trầm, âm ấm. Cuối cùng là đàn Plựa, tiếng đàn trong trẻo, hiền hòa. Kết thúc màn độc diễn mấy loại nhạc cụ, già Thương lại say sưa cất cao tiếng hát. Khúc hát dân gian ngày xưa ông từng hát bên suối, bên nương khi cùng trai bản vào mùa đi Sim. Con trai, con gái Bru - Vân Kiều đến với nhau qua điệu Tào ải: "Ðôi ta lớn lên bên nhau, ngày ngày lên rẫy làm nương, bây giờ đã bén duyên nhau, hẹn đến mùa trăng sáng ta về chung một nhà". Trai gái bén duyên, già làng gật đầu, ngày lành tháng tốt được chọn để tổ chức lễ cưới. Nhà trai đem lễ vật sang nhà gái, tối hôm đó người nhà trai ở lại nhà gái cùng ăn uống, nhảy múa tàn đêm, chờ đến ngày mai đưa dâu về. Và giai điệu bài hát Mừng đám cưới được cất lên: "Một mùa lúa nữa lại về, hôm nay ta hát mừng buôn làng ta có ngày vui. Hạnh phúc của đôi vợ chồng mới. Mong sao đôi vợ chồng trẻ có nhà, có rẫy, có nhiều con nhiều cháu. Buôn làng ơi hãy hát lên cho niềm vui đầy, hãy múa lên cho đám cưới vui".
Ngày nay, người Bru - Vân Kiều ở Quảng Bình vẫn còn lưu giữ kho tàng dân ca, nghệ thuật âm nhạc dân gian đặc sắc và phong phú. Nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Bình Lê Hùng Phi - người từng có nhiều năm nghiên cứu văn hóa dân gian trên địa bàn tỉnh, cho rằng: "Dân ca và âm nhạc dân gian giữ một vai trò hết sức quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của con người, đặc biệt là đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số như Bru - Vân Kiều. Dân ca, nghệ thuật âm nhạc dân gian thường gắn với các sinh hoạt tín ngưỡng, lễ hội và các phương thức sản xuất của đồng bào. Nội dung của dân ca và âm nhạc dân gian đồng bào Bru - Vân Kiều thường phản ánh những suy tư, triết lý của dân tộc mình về tự nhiên, xã hội và cuộc sống, thể hiện tư tưởng, tâm hồn, tình cảm, lý tưởng thẩm mỹ và tính cách dân tộc bằng âm thanh, nhịp điệu, giai điệu, ca từ. Cái riêng trong nghệ thuật dân ca, âm nhạc dân gian của dân tộc Bru - Vân Kiều đã góp vào bức tranh chung đa dạng về văn hóa của các dân tộc ở Quảng Bình.
Ðể bảo tồn bản sắc nét văn hóa nghệ thuật đặc sắc này, vừa qua tỉnh Quảng Bình đã tổ chức hai lớp truyền dạy âm nhạc truyền thống cho đồng bào Bru - Vân Kiều ở hai xã Trường Xuân, Trường Sơn. Tại các lớp này, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã lựa chọn các nghệ nhân là người lớn tuổi, có uy tín trong cộng đồng, đam mê dân ca, âm nhạc truyền thống. Học viên là những người trẻ, nhiệt tình tham gia phong trào văn hóa, văn nghệ tại địa phương. Sau lớp truyền dạy, họ thật sự là hạt nhân quan trọng trong việc thúc đẩy phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở. Ngoài việc truyền dạy của các nghệ nhân cho thế hệ trẻ, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh còn cử cán bộ có chuyên môn về âm nhạc bám sát lớp để hướng dẫn bà con kỹ năng biểu diễn. Qua các buổi học tập, học viên đã biết sử dụng thành thạo một số loại nhạc cụ tiêu biểu như sáo, biết hát một số bài hát, các làn điệu dân ca, múa truyền thống của dân tộc mình như hát múa mừng đám cưới, hát Sim, hát múa cầu mùa...
Giờ đây tại các bản làng của đồng bào Bru - Vân Kiều ở Quảng Bình, nhiều đội văn nghệ đã được thành lập. Ðây là dịp để tập hợp, bảo tồn, phát triển các giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống của dân tộc và phục vụ nhân dân. Ðiển hình là đội văn nghệ tuyên truyền xây dựng nông thôn mới ở bản Khe Ngang, xã Trường Xuân. Chị Hồ Thị Huệ, hạt nhân của đội, cho biết: "Ngoài các giai điệu, lời hát, lời ru của dân tộc Bru - Vân Kiều, các già làng còn sáng tác những câu hát mới ca ngợi đất nước và bản làng, nhất là từ khi xuống núi định canh, định cư, có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Như lời bài hát Tình bạn với lời ca rằng: "Tình đoàn kết keo sơn gắn bó giữa hai dân tộc Kinh - Vân Kiều chung tay kiến thiết bản làng, anh em một nhà đoàn kết giúp nhau vươn lên. Từ đó, đồng bào Vân Kiều có ánh điện tỏa sáng, trẻ con Vân Kiều học được cái chữ và có những con đường khang trang đi vào tận các thôn, bản, trong đó có bản Khe Ngang...". Trưởng bản Khe Ngang Hồ Nam thì kể: "Ðược gợi ý, chỉ dạy, tuyên truyền qua lời ca, tiếng hát của đội văn nghệ, bà con trong bản càng chăm lo làm ăn, vươn lên thoát nghèo, tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới. Từ khi có đội văn nghệ, đồng bào Bru - Vân Kiều bản Khe Ngang đã tạo được nếp sống văn hóa mới, thế hệ trẻ ý thức hơn trong lối sống".
Bản Khe Ngang nay đã có điện - đường - trường - trạm, trở thành điểm sáng trong việc xây dựng nông thôn mới, nơi núi rừng miền tây Quảng Bình. Niềm vui ấm no, niềm vui hạnh phúc đã và đang đến với mọi người trên vùng đất chon von trên mái Trường Sơn. Ðó cũng chính là lý do để khi đến với đồng bào Bru - Vân Kiều ở phía tây Quảng Bình giữa những ngày đầu xuân, chúng tôi đã được đắm mình trong từng lời ca, tiếng hát, tiếng sáo, cung đàn.
Câu hát Bru - Vân Kiều mãi vang xa, mãi ngân nga, neo giữ chân người xuống núi.
Nguồn Báo Nhân Dân