Phần nào đó có thể liên tưởng về ý nghĩa thẩm mỹ của Rôbăm với nghệ thuật hát Tuồng của người Kinh. Và nếu Zdùkê có thể truyền tải vấn đề của cuộc sống đương đại thì Rôbăm lại chuyên về diễn tả những "chuyện xưa tích cũ"...
Kịch múa Rôbăm tại Hội diễn nghệ thuật quần chúng toàn quốc.
RôBăm - thể loại múa sinh hoạt của người Khmer, vốn là kịch múa "sân khấu mặt nạ" cổ điển của sân khấu cung đình, từ xưa đã đạt tới trình độ nghệ thuật cao, với thành tựu rực rỡ. Vì Rôbăm lấy múa là ngôn ngữ chính nên thường được gọi là kịch múa. Bên cạnh múa, người nghệ sĩ biểu diễn Rôbăm còn phải dùng động tác, lời thoại, giọng hát để thể hiện các chi tiết và tâm trạng, tính cách nhân vật... Chính vì thế, qua các vở kịch múa Rôbăm, người xem cảm thấy bâng khuâng, thương nhớ những nàng Apsara (vũ nữ thiên đình) mà hình ảnh tuyệt vời còn lung linh trên các mặt nạ được sáng tạo một cách độc đáo, thể hiện ý tình sâu kín nhất của mỗi nhân vật, đồng thời thấy được sự khái quát, tính chất trang nghiêm sùng kính của truyền thống tôn giáo, cung đình... Với nghệ sĩ, muốn đạt tới trình độ cao trong nghệ thuật Rôbăm phải dày công tập luyện mới có thể diễn xuất tốt và mỗi khi múa, các nghệ sĩ mới có các kỹ năng phối hợp nhịp nhàng uyển chuyển từng động tác uốn cong của toàn thân, rồi sự mềm dẻo của hông, lưng, cánh tay, bàn tay, bước chân... Âm nhạc trong kịch múa Rôbăm có phần đệm của dàn nhạc, gồm trống và kèn Slayrom. Dàn nhạc làm cho không khí vở diễn khi tưng bừng, thúc giục như hồi trống trận, lúc lại cất lên tiếng kèn nỉ non ai oán. Có lẽ vì Rôbăm đòi hỏi sự công phu và khổ luyện, lại đang giảm dần số công chúng có trình độ thẩm mỹ để am hiểu và thưởng thức, nên ngày nay trong giới trẻ Khmer còn rất ít người xem Rôbăm.
Những năm 60 của thế kỷ trước, có thể nói ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói chung và ở Sóc Trăng nói riêng, là thời hoàng kim của các đoàn Rôbăm. Hằng năm, các đoàn nghệ thuật Rôbăm thường lưu diễn ở đám làm phước, các ngôi chùa. Ðoàn diễn ở đâu đều được bà con Khmer ở địa phương "hậu đãi", lo nơi ăn, chốn ở chu đáo. Vì thế, với lòng yêu nghề, các diễn viên luôn hết lòng đem tài năng nghệ thuật phục vụ công chúng. Người từng chứng kiến thời hoàng kim đó vẫn kể rằng, nhiều đêm diễn, mưa trái mùa lâm râm, tiếng ếch nhái oang oang khắp đồng, nhảy loạn xạ trên sân cỏ nhưng bà con vẫn nhiệt tình, chăm chú, say mê xem đoàn diễn hết đêm này đến đêm khác. Và trong quá trình phát triển, nghệ thuật Rôbăm hình thành nhiều thế hệ nghệ sĩ, đến nay nhiều người đã qua đời, song họ vẫn được người đương thời nhắc tới với sự ngưỡng mộ.
Những năm gần đây, trước sự phát triển và sức hấp dẫn của nhiều loại hình nghệ thuật khác cùng các hoạt động giải trí hiện đại, dường như nghệ thuật sân khấu Rôbăm không còn hấp dẫn các khán giả trẻ, trước hết có lẽ bởi hầu hết các vở diễn đều dựa vào những chuyện xưa tích cũ, không chứa đựng nội dung đương đại như sân khấu Zdùkê; rồi nhiều ngôi chùa không còn tổ chức diễn Rôbăm vào các dịp lễ, Tết truyền thống như thời xưa nữa; đặc biệt là trong khi lớp nghệ nhân già đã thưa vắng dần thì lớp trẻ còn thiếu khả năng kế tục, những người có thể hiểu biết và biểu diễn được Rôbăm dường như rất ít... Các lý do đó đã làm cho nghệ thuật kịch múa Rôbăm vốn là một hoạt động tích tụ nhiều giá trị văn hóa truyền thống mang bản sắc riêng, nhưng đang bị mai một và có nguy cơ thất truyền.
Chúng tôi về ấp Bưng Chông (xã Tài Văn, huyện Trần Ðề, Sóc Trăng) để tìm hiểu về những người còn lại Ðoàn nghệ thuật Rôbăm Bưng Chông một thời nổi tiếng khắp vùng. Trong căn nhà tuềnh toàng của đoàn nghệ thuật gia đình này, các bộ trang phục sân khấu, cùng những chiếc mặt nạ quý giá nằm chất đống trong mấy chiếc thùng nằm phủ bụi, thi thoảng lại được đem phơi nắng để chống ẩm. Bà Trần Thị Yên, 76 tuổi, cho biết: "Ðoàn nghệ thuật Rôbăm Bưng Chông được thành lập cách đây hơn 100 năm, từ đời ông ngoại tôi là Trà Suôl, đến cha tôi là Trần Dúa, sau đó đến chồng tôi là nghệ nhân Lâm Ven - đã được Hội Văn nghệ dân gian công nhận danh hiệu Nghệ nhân dân gian, tiếp tục duy trì hoạt động của đoàn". Theo lời bà Trần Thị Yên, sau khi ông Lâm Ven mất (năm 2003), việc quản lý đoàn giao lại cho người con gái là chị Lâm Thị Hương, còn bà Trần Thị Yên do tuổi cao, sức yếu nên chỉ giúp con gái khâu tập dượt và công việc ở hậu trường. Chị Lâm Thị Hương nói với chúng tôi: "Ðoàn có 20 đến 25 diễn viên, trong đó thuộc dòng họ của gia đình tôi có 15 người, còn năm diễn viên nữa là người từ các địa phương khác. Tiếng là một đoàn nghệ thuật nhưng thật ra chỉ là của một dòng họ, anh em yêu thích nghệ thuật thì cùng nhau luyện tập, để biểu diễn phục vụ bà con. Tất cả mọi chi phí cho luyện tập, biểu diễn đều do gia đình tự lo, chứ chưa hề nhận được sự giúp đỡ nào của chính quyền cũng như của ngành văn hóa địa phương".
Tự lo, tự luyện, tự diễn, lại không có đầu tư, nên đoàn khó có thể trụ vững, thiếu thốn đủ thứ, dần dà đoàn hoạt động kém hơn trước rất nhiều. Mở cho chúng tôi xem mấy chiếc tủ, thùng đựng trang phục biểu diễn của đoàn, chị Hương ngậm ngùi: "Muốn biểu diễn phải có trang phục mới, đẹp. Nhưng chúng tôi nhà nào cũng nghèo, ít có tiền để sắm trang phục mới, nên dùng toàn đồ cũ. Thậm chí có thứ phải đi xin hay mượn của bà con, còn lại tự làm ra cả. Bà con họ cũng thích lắm, nhưng chưa mấy ai giúp được mình, vì đều chung cảnh nghèo". Nhìn chiếc tủ đựng những bộ trang phục đã cũ kỹ, tôi càng hiểu hơn và muốn chia sẻ với cái tình của những người đang cố gắng mọi cách để gìn giữ thể loại nghệ thuật cổ truyền này. Ðến nay, múa Rôbăm vẫn chưa có trường đào tạo, phần lớn là tự đào tạo tại "lò" nhà. Vì thế, chỉ có ai thật sự yêu nghề, dám hy sinh cho nghề mới theo nổi. Có lẽ bởi vậy mà càng ngày càng ít người đến với Rôbăm.
Bà Trần Thị Yên cho biết thêm: "Ðể có diễn viên Rôbăm phải đào tạo từ khi các diễn viên ở độ tuổi 10 - 12 chứ khi lớn rồi thì rất khó tập. Nghĩ đến lúc Rôbăm không còn ai tiếp nối, tôi đau lòng lắm. Theo đoàn từ hồi tuổi 15 - 16, nay đã già yếu, nguyện sống chết với nghề cho đến cuối đời, đâu ngờ tình hình lại như thế". Mấy năm gần đây, hoạt động của Ðoàn chỉ ở mức cầm chừng, mỗi năm chỉ có 10 đến 15 ngày đi biểu diễn vào các dịp lễ như dâng bông, lễ cầu an... thời gian còn lại, các diễn viên ở nhà làm ruộng. Mỗi khi vào dịp lễ, anh em lại nhắn cho nhau tụ họp tại nhà, luyện tập rồi cùng đi biểu diễn. Ði diễn như thế, không được trả lương hay bồi dưỡng gì, chỉ có bữa cơm của anh em là được bà con lo cho. Thậm chí nhiều khi hết tiền, anh em lại tự lo để đoàn có thể hoạt động. Lấy cho tôi xem những mặt nạ, trang phục ông vua, hoàng hậu... dùng trong múa Rôbăm, chị Hương kể: "Ðể có được những chiếc mặt nạ này cũng mất nhiều thời gian lắm. Mặt nạ chủ yếu làm bằng đất, bằng thiếc nhưng phải là người khéo tay, biết gia công kỹ lưỡng thì mới làm được". Cầm một chiếc mặt nạ lên ngắm nghía, tôi không thể tin đó là đất, vì chiếc mặt nạ nhẹ và mỏng tang nhưng lại rất chắc chắn. Không chỉ có khiếu thẩm mỹ, mà còn phải là người có tay nghề cao mới có thể làm được những cái mặt nạ đẹp đến như vậy.
Như để nói thay cho tâm trạng của mẹ mình và anh em trong đoàn, chị Lâm Thị Hương tâm sự với tôi: "Chúng tôi chỉ mong sao được Nhà nước và ngành văn hóa quan tâm hơn đến loại hình nghệ thuật sân khấu múa Rôbăm của bà con dân tộc Khmer, giúp chúng tôi cùng nhau bảo tồn thể loại nghệ thuật này. Cụ thể là trước mắt hỗ trợ kinh phí cho đoàn tập luyện, mua sắm trang phục, rồi có sân khấu Rôbăm riêng để đoàn biểu diễn phục vụ bà con. Chúng tôi chỉ mong làm sao để thể loại nghệ thuật độc đáo này không bị mai một rồi biến mất trong đời sống văn hóa cộng đồng".
Nguồn langvietonline.vn