Lo ngại chảy máu chất xám
Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Tiến Đạt cho biết: “Mấy năm trở lại đây đầu vào ngành sư phạm giảm sút trầm trọng. Đầu vào sư phạm thấp lấy đâu giáo viên giỏi, làm sao để nâng cao chất lượng giáo dục?”. Thực tế tại TPHCM đến nay vẫn còn thiếu giáo viên ở các cấp học: mầm non còn thiếu 223 giáo viên so với nhu cầu thực tế, tiểu học thiếu 557 giáo viên, THCS thiếu 171 giáo viên.
Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong được coi là cái nôi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của thành phố cũng bị chảy máu chất xám. “Mới đây đã có 3 giáo viên Toán và Lý có chuyên môn giỏi xin nghỉ việc để sang làm ở trường tư. Trường cũng có những hoạt động hỗ trợ giáo viên thông qua các chương trình bảo trợ, hỗ trợ vốn cho giáo viên nhưng về lâu dài nếu không có chính sách trả lương xứng đáng với công sức của thầy cô giáo thì không thể ngăn được tình trạng này”, thầy Võ Anh Dũng, Hiệu trưởng Trường Lê Hồng Phong cho biết.
Nhiều ý kiến bức xúc, hiện nay chế độ chính sách phụ cấp cho nhà giáo cũng chưa đồng bộ, rõ ràng. Ngay như cán bộ, giáo viên giỏi khi được điều động về làm ở phòng giáo dục, sở giáo dục không được coi là nhà giáo nên mất từ 50% - 70% lương, thu nhập đã thấp lại càng thấp. Chính vì vậy rất khó thu hút được những người giỏi về công tác ở cơ quan đầu ngành.
Cô Trương Thị Lệ Hà, giáo viên dạy toán Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong tâm tư: “Nhiều sinh viên là thủ khoa, á khoa của các trường sư phạm về nhận công tác ở trường nhưng với mức lương trên 2 triệu đồng/tháng thì không thể nào đủ sống. Ngay như chúng tôi thâm niên 36 năm cũng chỉ khoảng 7 - 8 triệu đồng/tháng. Buộc giáo viên phải dành thời gian đi dạy thêm ở trường tư, các trung tâm, đây là cũng là cách để chúng tôi tồn tại với nghề dù biết điều này sẽ ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo, nhưng ai cũng còn cuộc sống gia đình. Điều chúng tôi lo lắng nhất là hiện nay học sinh đi du học rất đông. Tôi cũng khuyên các em đi du học trở về với gia đình, quê hương nhưng đa số các em đều ở lại. Đây là sự thất thoát chất xám rất đáng tiếc cho đất nước vì các em này đều là những em học sinh xuất sắc”.
Con số học sinh ở Trường Lê Hồng Phong du học ở các nước mỗi năm hơn 100 em (chỉ tính riêng khối 12), hầu hết sau khi học xong đều ở lại làm việc.
Giáo viên còn thiếu và yếu kỹ năng
Ông Nguyễn Thành Hiệp, Trưởng phòng Dạy nghề Sở Lao động Thương binh và xã hội TPHCM thừa nhận một thực tế: Con số 90% giáo viên đạt chuẩn chỉ là chuẩn về lý thuyết mà thôi, còn về năng lực và hướng dẫn thực hành thì yếu, chưa đồng đều. Ông Hiệp nêu thực tế, một số sinh viên kỹ thuật tốt nghiệp loại giỏi từ những trường đại học có tiếng nhưng khi đưa đi thực tế để thực hành thì không biết điều khiển máy cắt Plasma. Hỏi ra mới biết là ở trường chỉ có mỗi một máy nên chủ yếu là giáo viên dùng để giảng thực hành chứ học sinh không được đụng tới.
Ông Hiệp cho biết, đối với giáo viên dạy nghề cả nước không có một tổ chức nào để quản lý, hệ thống giáo dục còn phân tán nói chi đến chăm sóc bồi dưỡng đội ngũ. Hầu hết nguồn tuyển giáo viên giỏi không có vì sinh viên tốt nghiệp loại giỏi các ngành kỹ thuật công nghệ đều làm việc ở các doanh nghiệp.
Cô Huỳnh Thiện Kim Tuyến, Trưởng bộ môn chính trị Trường Cao đẳng nghề Du lịch Sài Gòn cũng cho rằng: Muốn có được nguồn nhân lực giỏi thì người giáo viên, giảng viên phải vững chuyên môn, kể cả tư tưởng chính trị và kỹ năng sống. Nhưng hiện nay hầu hết giảng viên chỉ vững về chuyên môn, còn các mặt khác vẫn yếu.
“Thực tế hàng năm nhiều trường phải chạy vạy tuyển từng giảng viên, không có cơ chế bồi dưỡng, đào tạo giảng viên nên đã gây nhiều khó khăn cho hoạt động ở các trường”, Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Du lịch Sài Gòn Nguyễn Trọng Hoàng chia sẻ.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Viết Lưu, Phó Vụ trưởng Vụ GD-ĐT và dạy nghề - Ban Tuyên giáo Trung ương: Cần phải có “bánh mì và hoa hồng”
Không có thầy giỏi thì khó có trò giỏi, đây là một chân lý không thể chối cãi. Cuộc sống của người thầy cũng cần phải có “Bánh mì và hoa hồng”, không thể mãi hô khẩu hiệu trung thành với nghề giáo khi đồng lương không đủ sống. Đã có một bộ phận thầy cô giáo quá khó khăn phải đi làm thêm nghề phụ hồ, chạy xe ôm để kiếm sống. Đầu tư cho giáo dục là quốc sách hàng đầu nhưng không thể cào bằng như hiện nay, vì nếu chỉ đầu tư cào bằng thì chất lượng sẽ không thể đảm bảo. Phải đổi mới về tư duy, trước hết là tư duy về quản lý, chính sách cho giáo dục. Đào tạo và sử dụng lao động phải có điểm gặp nhau, đào tạo ra phải có việc làm và đủ sống.
Theo tôi trong lúc nhà nước chưa thể lo hết được thì phải huy động mọi nguồn lực, tuy nhiên phải có kiểm soát phân định để tránh tình trạng “Mua quan bán tước hay kinh doanh trong giáo dục”. Đồng thời phải xếp lương và những chế độ phụ cấp cho giáo viên sau lương bộ đội và công an. Khi đời sống được đảm bảo thì người thầy mới yên tâm với nghề nghiệp nâng cao chất lượng giáo dục. Nâng cao chất lượng giáo dục phải bắt đầu từ người thầy.
Nguồn Báo SGGP Online