Dạy học bằng giáo án điện tử, góp phần nâng cao chất lượng học tập

Việc sử dụng các thiết bị công nghệ thông tin như máy tính, máy chiếu (gọi chung là giáo án điện tử) vào giảng dạy hiện nay không còn xa lạ với giáo viên và học sinh trong tỉnh. Đây cũng được xem là một trong những tiêu chí để đánh giá chuyên môn của giáo viên ở một số trường.

(NTO) Giờ học Tiếng Anh của lớp 93, Trường THCS Trần Phú, Tp. Phan Rang – Tháp Chàm do cô giáo Nguyễn Thị Thu Thảo đứng lớp sôi nổi hơn hẳn khi sử dụng giáo án điện tử. Thay vì vừa phải giảng bài, vừa phải ghi phần từ vựng lên bảng, cô Thảo lại tạo được cho học trò sự hứng thú bằng những hình ảnh mô phỏng kèm theo cả âm thanh rất sống động trên máy trình chiếu. Bài học căng thẳng trở thành thú vị khi học sinh nhìn vào hình ảnh để đoán nghĩa những từ vựng mới. Học sinh không còn phải cùng lúc vừa căng tai nghe cô giáo phát âm, vừa hý hoáy chép bài. Không khí lớp học cởi mở, bớt căng thẳng, mệt mỏi hơn: “Em rất thích những tiết học như thế này vì chúng em không phải ghi chép quá nhiều mà vẫn nhớ được bài. Những bài học được cô thầy mô phỏng bằng âm thanh, hình ảnh sống động giúp chúng em dễ hiểu, dễ ghi nhớ bài học hơn.” - Em Nguyễn Thị Tường Vi, học sinh lớp 93 cho biết.

 
Giờ học môn Tiếng Anh bằng giáo án điện tử của lớp 93, Trường THCS Trần Phú.

Những giờ học bằng giáo án điện tử như của cô Nguyễn Thị Thu Thảo đã thực sự tạo hứng thú cho học sinh, giúp các em tiếp thu bài nhanh hơn. Nhưng, để có được 45 phút học thú vị như thế, những giáo viên như cô Thảo cũng phải rất vất vả trong khâu chuẩn bị. Cô cho biết: “Kỹ năng về công nghệ thông tin là điều không thể thiếu. Bên cạnh đó, giáo viên phải thật sự có ý tưởng bài giảng, bởi không phải chỉ cần cứ đưa nội dung giáo án lên trình chiếu là học sinh thích mà còn phải biết chọn hình ảnh, âm thanh, tạo tình huống sao cho phù hợp nội dung bài học”.

Nhiều môn học khác như Lịch sử, Giáo dục Công dân, Toán, Vật lý… tưởng chừng như khô khan, “khó nuốt” cũng được các thầy cô “biến” thành giờ học yêu thích của học sinh bằng phương pháp dạy trình chiếu. Tận dụng những lợi thế từ công nghệ thông tin và internet mang lại, các giáo viên đã tạo thêm sự phong phú của bài học bằng cách cho học sinh xem những thước phim lịch sử, những hình ảnh ghi lại chiến tích chiến tranh mà sách giao khoa không có, thậm chí cả những thí nghiệm vật lý, hóa học không có điều kiện thực hiện trực tiếp cũng được giới thiệu qua các băng hình… Từ những hiệu quả đem lại, việc sử dụng giáo án điện tử để dạy học luôn được các trường khuyến khích và cũng là một trong những tiêu chí để đánh giá chất lượng, trình độ giáo viên. Thầy Trần Ngọc Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường THPT An Phước, huyện Ninh Phước cho biết: “Nhà trường quy định, một năm học mỗi giáo viên phải giảng dạy bằng máy tính sử dụng trình chiếu ít nhất một lần. Giáo viên dự thi giáo viên dạy giỏi cấp trường phải dạy bằng giáo án điện tử. Ban giám hiệu và các tổ trưởng chuyên môn cũng thường xuyên có những buổi dự giờ đột xuất các giờ học máy chiếu để đánh giá chất lượng, hiệu quả của những tiết học như thế này”.

Không chỉ ở thành phố, vùng trung tâm mà nhiều trường miền núi, vùng sâu vùng xa các thầy cô cũng dần làm quen với những bài giảng giáo án điện tử. Tuy nhiên cả thầy Hùng, cô Thảo và rất nhiều thầy, cô giáo khác đều khẳng định rằng: Không phải tất cả các tiết học đều dạy bằng giáo án điện tử là tốt! Cô Phạm Thị Hoa, giáo viên Trường THCS Nguyễn Văn Linh, xã Vĩnh Hy (Ninh Hải) cho rằng: “Phải tùy vào từng môn học, từng bài học để áp dụng dạy bằng giáo án điện tử. Bởi vì, khi sử dụng trình chiếu, đa số học sinh rất thích, và đôi khi chỉ mải mê với những hình ảnh thấy cô chiếu trên máy mà không chú tâm đến bài giảng hay ghi chép. Tốt nhất là nên kết hợp giáo án điện tử với phương pháp dạy học truyền thống”.

Còn ý kiến của cô Nguyễn Thị Lê, giáo viên Trường Tiểu học Tấn Tài 3 (Phan Rang- Tháp Chàm) thì cho rằng: “Cơ sở vật chất không đảm bảo cũng rất khó để đưa giáo án điện tử vào giảng dạy. Khâu chuẩn bị máy móc thường mất nhiều thời gian, chưa kể đến những trường hợp máy trục trặc, hay điều kiện ánh sáng trong phòng không đảm bảo làm ảnh hưởng đến thị lực của học sinh”.

Bên cạnh đó, những hạn chế về kỹ năng công nghệ thông tin cũng là vấn đề khiến nhiều thầy cô cân nhắc. Nếu chỉ đơn giản là đưa nguyên toàn bộ phần giáo án vào máy tính rồi dựa vào đó để giảng mà không viết bảng sẽ dễ làm học sinh nhàm chán, không ghi chép kịp, không tiếp thu được bài.

Rõ ràng, dạy học bằng giáo án điện tử là cơ hội tốt để giáo viên tiếp cận và sử dụng thành thạo công nghệ thông tin, đổi mới phương pháp giảng dạy, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học. Nhưng các thầy cô cũng phải thật sự cân nhắc, có sự chuẩn bị thật tốt thì mỗi tiết học bằng giáo án điện tử mới thật sự tạo được hứng thú và góp phần nâng cao chất lượng.