Một số điểm lưu ý về kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2012

Kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy năm 2012 về cơ bản vẫn giữ ổn định theo giải pháp “3 chung” như các năm trước. Những điểm đáng lưu ý trong kỳ tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2012 như sau:

MỘT SỐ ĐIỀU CHỈNH, BỔ SUNG ĐÁNG LƯU Ý:

+ Tuyển thẳng học sinh đoạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia trung học phổ thông:

- Tuyển thẳng học sinh đoạt giải nhất, nhì, ba kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT năm 2012 vào đại học và giải khuyến khích vào cao đẳng các ngành đúng hoặc ngành gần với môn đoạt giải.

- Học sinh không sử dụng quyền tuyển thẳng, nếu dự thi đại học, cao đẳng theo đề thi chung của Bộ, kết quả thi đạt từ điểm sàn cao đẳng trở lên, không có môn nào bị điểm 0, Hiệu trưởng các trường xem xét, quyết định ưu tiên xét tuyển.

+ Bổ sung khối thi A1 gồm các môn Toán, Lý, tiếng Anh:

- Năm 2012 ngoài các khối thi truyền thống A, B, C, D và các khối năng khiếu, bổ sung thêm khối A1 gồm 3 môn Toán, Vật lý, tiếng Anh.

- Các trường đại học, học viện, trường cao đẳng vẫn tuyển sinh theo các khối thi của từng ngành đào tạo như những năm trước và có thể bổ sung khối A1 nếu thấy cần thiết và phù hợp đối với mục tiêu đào tạo của từng ngành đào tạo.

+ Về cấp Giấy chứng nhận kết quả thi cho thí sinh:

- Thí sinh dự thi đại học theo đề thi chung của Bộ GD&ĐT, nếu không trúng tuyển vào nguyện vọng ban đầu (tạm gọi là NV1), nhưng có kết quả thi bằng hoặc lớn hơn điểm sàn cao đẳng đối với từng đối tượng và khu vực (không có môn nào bị điểm 0), được trường tổ chức thi cấp 02 Giấy chứng nhận kết quả thi đại học, có chữ ký và đóng dấu đỏ của trường để đăng ký các nguyện vọng tiếp theo.

- Thí sinh dự thi cao đẳng theo đề thi chung của Bộ GD&ĐT, nếu không trúng tuyển vào trường cao đẳng đã dự thi, nhưng có kết quả thi bằng hoặc cao hơn mức điểm tối thiểu (điểm sàn theo đề thi cao đẳng) theo quy định đối với từng đối tượng và khu vực (không có môn nào bị điểm 0), được trường cao đẳng tổ chức thi cấp 02 Giấy chứng nhận kết quả thi cao đẳng, có chữ ký và đóng dấu đỏ của trường đăng ký các nguyện vọng tiếp theo.

Thí sinh sử dụng Giấy chứng nhận kết quả thi có chữ ký và đóng dấu đỏ của trường tổ chức thi hoặc bản sao có công chứng (theo quy định của từng trường) để tham gia đăng ký xét tuyển vào các trường còn chỉ tiêu, cùng khối thi và trong vùng tuyển của trường.

+ Các trường tự chủ, tự chịu trách nhiệm xét tuyển:

- Căn cứ điểm sàn và chỉ tiêu tuyển sinh đã xác định, các trường tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong xét tuyển, không hạn chế số đợt xét tuyển, không qui định điểm trúng tuyển đợt sau cao hơn điểm trúng tuyển đợt trước, trên nguyên tắc: Điểm trúng tuyển chưa nhân hệ số không thấp hơn điểm sàn; bảo đảm chỉ tiêu đã xác định và thời hạn kết thúc xét tuyển là ngày 30/11 hằng năm.

- Sau khi xét tuyển và triệu tập thí sinh trúng tuyển nhập học đối với thí sinh đăng ký dự thi vào trường, nếu còn chỉ tiêu, các trường thông báo công khai trên trang thông tin điện tử của trường, trang thông tin điện tử của Bộ GD&ĐT và các phương tiện thông tin đại chúng khác điều kiện xét tuyển bổ sung, gồm:

. Hồ sơ đăng ký xét tuyển (bản gốc hay bản sao Giấy chứng nhận kết quả thi);

. Thời gian nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển mỗi đợt;

. Thời gian công bố điểm trúng tuyển và danh sách thí sinh trúng tuyển

. Thời gian nhập học;

. Chỉ tiêu cần xét tuyển; ngành và khối xét tuyển; mức điểm nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển; vùng tuyển, nguồn tuyển;...

+ Điều chỉnh quy định tại Điều 33 của Quy chế tuyển sinh

- Không tiếp tục áp dụng quy định tại Điều 33 của Quy chế tuyển sinh hiện hành về mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa các nhóm đối tượng và mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa các khu vực được lớn hơn cho phép;

- Bổ sung quy định về chính sách ưu tiên đối với thí sinh là người dân tộc thiểu số, thí sinh có hộ khẩu thường trú tại các huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ đối với 62 huyện nghèo cụ thể như sau:

. Thí sinh là người dân tộc thiểu số, thí sinh có hộ khẩu thường trú từ 3 năm trở lên, tính đến ngày nộp hồ sơ xét tuyển tại các huyện nghèo, nếu học 3 năm cuối cấp và tốt nghiệp trung học phổ thông tại các huyện này, thì Hiệu trưởng các trường xem xét, quyết định xét tuyển cho vào học.

. Những thí sinh này, sau khi nhập học, được học bổ sung kiến thức 1 năm học, trước khi vào học chính thức. Chương trình bổ sung kiến thức do Hiệu trưởng các trường qui định.

ĐĂNG KÝ DỰ THI VÀ ĐĂNG KÝ XÉT TUYỂN

+ Đăng kí dự thi (ĐKDT)

- Hồ sơ đăng ký dự thi bao gồm:

. Một túi đựng hồ sơ, phiếu số 1, phiếu số 2 (do Sở GD&ĐT phát hành).

. 3 ảnh chân dung cỡ 46cm được chụp trong thời gian 6 tháng;

. 3 phong bì (theo mẫu) ghi rõ họ, tên và địa chỉ, số điện thoại của thí sinh.

. Bản sao hợp lệ giấy chứng nhận ưu tiên (nếu có).

Riêng thí sinh có nguyện vọng học tại các trường đại học, cao đẳng không tổ chức thi tuyển sinh hoặc hệ CĐ của trường ĐH, trường CĐ thuộc các đại học thì nộp thêm bản photocopy mặt trước của tờ phiếu số 1.

- Nộp hồ sơ và lệ phí đăng kí dự thi:

. Học sinh đang học lớp 12 tại trường nào thì nộp hồ sơ ĐKDT, lệ phí ĐKDT tại trường đó.

. Các đối tượng khác nộp hồ sơ ĐKDT, lệ phí ĐKDT tại Sở giáo dục và đào tạo.

- Thời hạn thu nhận hồ sơ ĐKDT, lệ phí ĐKDT quy định thống nhất trên phạm vi toàn quốc như sau:

. Theo hệ thống của sở GD&ĐT: Từ ngày 15/3 đến 17.00 giờ ngày 16/4/2012;

. Tại các trường ĐH, CĐ tổ chức thi: Từ ngày 17/4 đến 17.00 giờ ngày 23/4/2012.

+ Đăng kí xét tuyển (ĐKXT)

- Hồ sơ đăng ký xét tuyển gồm: Giấy chứng nhận kết quả thi (bản gốc hay bản sao có công chứng theo qui định của từng trường) và 01 phong bì đã dán sẵn tem, có ghi rõ địa chỉ, số điện thoại liên lạc của thí sinh. Thí sinh trúng tuyển nhập học, phải nộp bản gốc Giấy chứng nhận kết quả thi có đóng dấu đỏ của trường tổ chức thi (nếu chưa nộp trong hồ sơ ĐKXT).

- Nộp hồ sơ và lệ phí ĐKXT:

. Trong thời hạn quy định của các trường, thí sinh nộp hồ sơ ĐKXT và lệ phí ĐKXT qua đường bưu điện chuyển phát nhanh hoặc chuyển phát ưu tiên hoặc nộp trực tiếp tại trường.

. Hồ sơ và lệ phí ĐKXT của thí sinh dù nộp qua đường bưu điện chuyển phát nhanh hoặc dịch vụ chuyển phát ưu tiên hoặc nộp trực tiếp tại các trường trong thời hạn quy định của trường, đều hợp lệ và có giá trị xét tuyển như nhau.

. Nếu không trúng tuyển hoặc có nguyện vọng rút hồ sơ ĐKXT đã nộp, thí sinh được quyền rút hồ sơ ĐKXT.

. Hàng ngày, các trường nhận và công bố công khai trên trang thông tin điện tử của trường thông tin về hồ sơ ĐKXT của thí sinh.

- Một số lưu ý về việc ĐKXT:

. Thí sinh đã trúng tuyển ĐH, nếu có nguyện vọng học tại trường CĐ địa phương cùng khối thi và trong vùng tuyển, phải làm đơn kèm Giấy báo trúng tuyển gửi trường CĐ có nguyện vọng học để trường xét tuyển.

. Thí sinh dự thi ĐH theo đề thi chung chỉ được tham gia xét tuyển vào các trường ĐH khi có tổng điểm 3 môn thi từ điểm sàn ĐH trở lên; vào các trường CĐ (hoặc hệ CĐ) khi có tổng điểm 3 môn thi từ điểm sàn CĐ trở lên (không có môn nào bị điểm 0).

. Thí sinh dự thi cao đẳng theo đề thi chung, chỉ được tham gia ĐKXT vào các trường CĐ (hoặc hệ CĐ) khi có tổng điểm 3 môn thi từ mức điểm tối thiểu trở lên (không có môn nào bị điểm 0).

. Các trường quy định việc nhận bản gốc hay bản sao có công chứng Giấy chứng nhận kết quả thi của thí sinh trong hồ sơ ĐKXT.

ĐỢT THI VÀ LỊCH THI TUYỂN SINH

+ Đợt thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2012

- Đợt I: Ngày 4 - 5/7/2012, thi đại học khối A, A1 và V.

- Đợt II: Ngày 9 - 10/7/2012, thi đại học khối B, C, D và các khối năng khiếu.

- Đợt III: Ngày 15 - 16/7/2012, thi cao đẳng tất cả các khối thi.

+ Lịch thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2012

- Đối với hệ đại học

Đợt I, ngày 4 - 5/7/2012 thi đại học khối A, A1 và V:

Đợt II, ngày 9 - 10/7/2012, thi đại học khối B, C, D và các khối năng khiếu:

- Đối với hệ cao đẳng

Các trường cao đẳng tổ chức thi trong 2 ngày 15 - 16/7/2012.

+ Thời gian làm bài của mỗi môn thi tuyển sinh:

- Các môn thi tự luận: 180 phút.

- Các môn thi theo phương pháp trắc nghiệm: 90 phút.

ĐIỂM SÀN XÉT TUYỂN

- Căn cứ kết quả thi của thí sinh, chỉ tiêu tuyển sinh của từng khối thi, Bộ GD&ĐT sẽ xác định và công bố điểm sàn hệ ĐH, hệ CĐ đối với từng khối thi A, A1, B, C, D. Điểm sàn không nhân hệ số.

- Điểm trúng tuyển chưa nhân hệ số của các trường không được thấp hơn điểm sàn.

- Thí sinh có kết quả thi thấp hơn điểm sàn không được xét tuyển vào các trường sử dụng kết quả thi theo đề chung.