Gia Lai: Xây dựng nông thôn mới từ những phong trào thanh niên

Hàng trăm thanh niên nông thôn đã thoát nghèo nhờ tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng chính sách xã hội. Song sự thành công của họ không phải ngẫu nhiên nếu không có sự chịu khó, nỗ lực tự thân của mỗi người. Chính lực lượng này đã và đang góp phần không nhỏ trong việc thực hiện cuộc vận động “Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới” do Đoàn phát động.

Đến nhà Rơ Mah Thom-làng Yam, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai vào giữa trưa nhưng anh đi làm rẫy vẫn chưa về. Ông Bùi Thông Hành- người dẫn đường cho chúng tôi lẩm bẩm: “Thằng Thom giờ khác xưa quá, nó “say” việc hơn vợ. Từ ngày được hỗ trợ vay vốn, cả ngày nó ở ngoài rẫy cà (cà phê). Trước đây nhà đã nghèo, lại không có vốn sản xuất, suốt ngày thấy nó say”. “Có nhiều thanh niên được vay vốn như Thom không?”- tôi hỏi. “Nhiều chứ. Không riêng gì nhàThom mà nhiều thanh niên giờ có nhà cửa, xe cộ nhờ làm giàu từ vốn vay”- ông Hành trả lời mà như khoe.

Chiếc cần câu cho thanh niên

Trong lúc chờ Rơ Mah Thom về, chúng tôi tranh thủ thăm thú cơ ngơi của anh. Ngôi nhà ở tuy cũ kĩ nhưng chuồng nuôi heo, nhà xay sát lúa được xây mới. Trong chuồng, 3 con heo to dễ đến cả tạ một con nằm phơi bụng phởn phơ. Phía trước nhà, dàn máy xát lúa đang làm việc hết công suất. Vợ Thom không ngơi tay dù biết nhà có khách.

Vườn cà phê cho thu nhập cả trăm triệu đồng/năm mà gia đình Rơ Mah Thom có được
nhờ nguồn vốn vay của Ngân hàng CSXH. Ảnh: Hoàng Ngọc

Thom về khi đã quá trưa. Không có vẻ mệt nhọc của người mới lao động về, anh hồ hởi nói ngay với “cán bộ” Hành: “Mình lo tưới cà cho kịp thời vụ. Được mùa được giá như năm vừa rồi chắc mình cũng được trên trăm triệu”. Mắt Thom sáng lên khi nói chuyện tương lai. Ít ai ngờ, chỉ cách đây vài năm, chàng thanh niên này còn lo từng bữa ăn.

Thom là một trong những thanh niên đầu tiên của làng Yam dám “liều lĩnh” vay tiền Nhà nước để làm ăn. Liều lĩnh là bởi, trước đó, trong làng chưa ai mạnh dạn vay vốn vì “nếu không trả được nợ, nó lấy mất cái nhà lấy gì mà ở”, đó là suy nghĩ của không ít người trong làng. Nhưng Thom nghĩ khác: “Đất đai mình còn nhiều, mình có sức trẻ, lại được tạo điều kiện cho vay vốn, sợ gì mà không làm”. Nghĩ là làm. Thom làm đơn xin vay 5 triệu đồng từ Ngân hàng chính sách xã hội huyện. Nói thế nhưng khi cầm số tiền trên tay Thom run lắm. “Mình đặt cược nhà cửa, số phận mình vào đây rồi”- Thom nghĩ.

Từ những năm 2005, số tiền 5 triệu đồng giúp Thom làm được nhiều việc. Anh xây chuồng nuôi heo và mua 10 con heo nhỏ từ một người trong làng. Lứa heo đầu tiên không ngờ thắng lớn, bán được trên 20 triệu đồng. Thom mang ngay 5 triệu đồng trả cho Ngân hàng. Số tiền còn lại, anh đầu tư trồng cà phê. “Khi ấy cà phê bắt đầu được giá, giúp nông dân đổi đời nên mình cũng muốn thử. Nhưng số tiền còn lại ít quá, mình tiếp tục làm đơn xin vay Ngân hàng CSXH 10 triệu đồng nữa. Mới đó mà 700 gốc cà mình trồng đã cho thu nhập cả trăm triệu đồng/năm”. “Thom đã trả hết nợ vay chưa?”- “Ồ, có tiền là mình trả ngay chứ, có thế Ngân hàng mới tiếp tục cho vay để đầu tư sản xuất. Mình vay tổng cộng ba đợt với số tiền 25 triệu đồng nhưng đều trả đúng hạn. Đợt sau cùng mình vay mua máy xát lúa, trồng thêm 2 ha mì, 2 sào lúa…mới có tiền nuôi hai đứa nhỏ đi học”- Thom nói và cười vang.

Không chỉ trở thành gương thanh niên thoát nghèo tiêu biểu của làng, Yam bắt đầu nghĩ đến việc làm giàu. Anh còn suy nghĩ rất tích cực khi cố gắng chăm lo cho hai đứa trẻ đến lớp: “Mình khổ nhiều rồi nên mình phải ráng cho con đi học”- Thom nói.

Xây dựng nông thôn mới

Dàn máy xay sát lúa của gia đình Rơ Mah Thom. Ảnh: Hoàng Ngọc

Rơ Mah Thom là một trong số hàng trăm đoàn viên thanh niên (ĐVTN) của huyện Ia Grai được tiếp cận với vốn vay ưu đãi và thoát nghèo. Anh Rơ Châm Lók- Phó Bí thư Huyện đoàn cho biết: “Toàn huyện có gần 40 tổ vay vốn do thanh niên quản lý với số vốn 24 tỷ đồng, giúp nhiều thanh niên thoát nghèo. Đặc biệt, một số thanh niên năng động đã sáng tạo và học tập nhiều mô hình hay về áp dụng và đã thành công, có người từ số vốn vài triệu nay đã có thu nhập vài trăm triệu đồng/năm như mô hình V-A-C của Bùi Hữu Minh, Nguyễn Văn Tâm, Trần Ngọc Thanh…”.

Với số vốn vay 10 triệu đồng ban đầu, đến nay, cơ ngơi của chàng trai Bùi Hữu Minh là 5 ha cao su, 1,5 ha cà phê, 3,5 ha điều... Ngoài ra, anh còn buôn bán hàng nông sản. Thu nhập của Minh giờ có thể tính bằng tiền tỷ. Tuy nhiên, theo Minh, Thom và nhiều thanh niên khác, số tiền Ngân hàng CSXH cho vay hiện vẫn còn hạn chế so với nhu cầu vay vốn rất lớn của thanh niên. “Với thời giá như hiện nay, số vốn Ngân hàng cho vay không đủ để chúng tôi đầu tư vào việc muốn làm. Nếu Ngân hàng tạo điều kiện cho thanh niên vay số tiền lớn hơn, tôi sẽ mua thêm máy móc phục vụ nông nghiệp, đào ao thả cá, nuôi thỏ và gà thả vườn”- Thom nói.

Theo Phó Bí thư Huyện đoàn, với số vốn vay từ 5-10 triệu, thanh niên sẽ rất khó để thực hiện ý tưởng, xây dựng các mô hình cho hiệu quả kinh tế cao nếu không có sự trợ giúp thêm của người thân: “Số thanh niên “bứt” lên làm giàu từ nguồn vốn vay vẫn còn là số ít. Tuy nhiên, qua thực tế vay vốn của thanh niên, tôi nghĩ nếu được tin tưởng cho vay số vốn lớn hơn, họ sẽ phát huy được hiệu quả, cho bản thân họ mà còn cho cộng đồng. Như trường hợp của Minh, không chỉ cho thanh niên vay vốn, Minh còn hướng dẫn họ áp dụng mô hình VAC đã mang lại thành công cho Minh. Hàng trăm thanh niên thoát nghèo và nhiều số khác đã vươn lên làm giàu đã từng bước tạo nên diện mạo mới cho bộ mặt nông thôn, góp phần thực hiện thắng lợi cuộc vận động của đoàn trong việc chung tay xây dựng nông thôn mới”-anh Lók khẳng định.

Nguồn Báo Gia Lai