Ông Ngô Lê Bằng trở thành Tổng thư ký VFF

Hai tháng sau khi ông Trần Quốc Tuấn thôi chức Tổng thư ký VFF, chiếc ghế trống mà ông Tuấn đề lại mới có người thế chỗ, đó là ông Ngô Lê Bằng.

Với 15/17 phiếu tín nhiệm của Ban thường trực Liên đoàn bóng đá Việt Nam trong cuộc họp diễn ra chiều nay tại trụ sở VFF, ông Ngô Lê Bằng đã chính thức trở thành tân Tổng thư ký VFF và sẽ đảm nhiệm chức vụ này cho tới hết nhiệm kỳ còn hơn 1 năm nữa.

Việc ông Ngô Lê Bằng trở thành Tổng thư ký VFF có đôi chút bất ngờ khi trước đó nhiều người cho rằng ông Dương Nghiệp Khôi, người đương giữ chức Phó tổng thư ký VFF sẽ trở lại vai trò người đứng đầu Ban thư ký.

Dù nằm ngoài dự đoán, nhưng ông Ngô Lê Bằng lên nắm giữ chức Tổng thư ký VFF lại nhận được rất nhiều sự ủng hộ từ giới truyền thông trước đó, đặc biệt là sau khi các ứng cử viên sáng giá là ông Phan Anh Tú, ông Phạm Ngọc Viễn nhất quyết từ chối chiếc ghế này. Mặt khác, với nhiều lý do khiến ông Dương Nghiệp Khôi giờ chót cũng xin lui về hậu trường đã mở ra cơ hội cho ông Ngô Lê Bằng.

Ông Ngô Lê Bằng trở thành Tổng thư ký VFF

“Chúng tôi đã làm việc hết sức thận trọng và họp bàn kỹ lưỡng dựa trên những nguyên tắc của Liên đoàn để đưa ra lựa chọn. Có hai ứng cử viên là ủy viên BCH VFF gồm Anh Dương Nghiệp Khôi, và anh Ngô Lê Bằng. Trong khi anh Khôi xin rút và hứa giúp đỡ anh Bằng thì chúng tôi chỉ còn lại anh Ngô Lê Bằng là thích hợp nhất cho vị trí Tổng thư ký VFF” – Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ cho biết.

“Cá nhân tôi không sợ trách nhiệm không đùn đẩy trách nhiệm và tôi biết phải làm gì có lợi cho cái chúng. Sau 7 năm làm việc tại VFF, tôi nhận ra một điều rất thật thế này. Tổng thư ký thực chất là Trưởng bộ phận phục vụ cho Liên đoàn bóng đá Việt Nam, chứ không phải mình là quan chức và xác định tinh thần như thế để làm. Anh Ngô Lê Bằng là người thích hợp nhất thời điểm này và anh ấy cũng cần phải thử sức ở những vị trí mới”. – Tới lượt ông Dương Nghiệp Khôi chia sẻ.

Ông Ngô Lê Bằng sinh năm 1955, là cựu cầu thủ Quân khu Thủ đô, tốt nghiệp đại học chính quy tại trường ĐH TDTT Liên xô cũ, thành thục hai ngôn ngữ là Anh và Nga, từng là quyền HLV trưởng đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam, có nhiều năm là trợ lý tại CLB, ĐTQG.

Tại thời điểm nhậm chức Ông Ngô Lê Bằng sẽ nhận được mức lương 13 triệu/tháng, song kể từ tháng 3, khi VFF có cơ chế thay đổi lương, số tiền mà ông Bằng sẽ nhận được là 25 triệu/tháng.

Với vai trò là Tổng thư ký VFF, trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ, ông Ngô Lê Bằng sẽ phải đảm nhiệm một trọng trách lớn nhằm phát triển bóng đá Việt Nam, đặc biệt làm giúp VFF đạt được những mục tiêu đã đề ra.

Giới truyền thông cũng như người hâm một đặt một kỳ vọng vào tân Tổng thư ký VFF bởi ông là một người cởi mở và làm việc rất có trách nhiệm. Bên cạnh đó, giới truyền thông cũng đặt một câu hỏi về dấu ấn mà ông có thể để lại trong thời gian tới, dấu ấn sẽ quyết định đến việc ở lại hay ra đi của ông sau khi kết thúc nhiệm kỳ. Ấy là trọng trách cùng Liên đoàn đưa ĐTVN trở lại ngôi vương khu vực tại AFF Cup 2012.

“Trong bóng đá rất kiêng đề cao một cá nhân mang thành tích về cho đội bóng. Thành quả là của tập thể, của toàn dân. Tôi không tin một mình tôi có thể mang về một chiến thắng. Chúng ta phải nhìn lại thực lực, vào sự phát triển của bóng đá VN chúng ta. Tôi không phải là người quyết định chuyện ở lại. Tôi không nghĩ sự có mặt của tôi đủ làm VN vô địch AFF Cup” – Ông Bằng thận trọng và thẳng thắn.

Vài nét về Tân tổng thư ký VFF Ngô Lê Bằng:

- Sinh năm: 1955, tại Hà Nội
- Từ năm 1972-1977: khoác áo Bộ tư lệnh Thủ Đô (sau này là Quân khu thủ đô)
- Từ 1977-1982: học ĐH TDTT Liên Xô cũ, chuyên ngành HLV thể lực
- Từ 1982-1985: trở lại khoác áo Quân khu thủ đô. Sau đó làm HLV phó, rồi HLV trưởng.
- Từ năm 1986-1990: giảng viên trường Cao đẳng sỹ quan Vynhempich (TP.HCM)
- Từ năm 1991-2000: phiên dịch cho Tổng lãnh sự quán Nga tại TP.HCM
- Mùa giải 2000-2001: trợ lý ngôn ngữ tại CLB Đà Nẵng
- Từ 2002-2005: giảng viên Trường ĐH TDTT TW II, phụ trách các lớp trẻ phía Nam của LĐBĐVN, HLV phó các đội tuyển U-18 và U-20 quốc gia
- Năm 2005: HLV phó CLB Bình Dương,
- Năm 2006: Trợ lý ngôn ngữ ĐTQG Việt Nam
- Năm 2007: Quyền HLV trưởng tuyển bóng đá nữ Việt Nam
Nguồn VTC.VN