Lần đầu tiên thi dù bay quốc tế tại Việt Nam

Cuộc thi sẽ diễn ra tại Đà Nẵng trong khoảng thời gian từ 23 - 27/5 với sự tham gia của gần 10 quốc gia

Chiều 14/2, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh đã làm việc với ông Shin Kake, Tổng Giám đốc Công ty tư vấn AIREA và là thành viên Hiệp hội Dù bay Nhật Bản (JHF) về kế hoạch tổ chức cuộc thi dù bay quốc tế Đà Nẵng (Danang International Paramotor Competition - DIPC 2012).

Theo ông Shin Kake, DIPC 2012 sẽ được tổ chức từ 23 - 27/5 dọc theo bãi biển từ Công viên Biển Đông đến khu du lịch Sun Villas (dài khoảng 5km). Trong ba ngày 23 - 25/5 sẽ là các chương trình bay biểu diễn; trong hai ngày thứ Bảy (26/5, từ 11 - 15g) và Chủ nhật (27/5, từ 10g30 - 14g) sẽ diễn ra cuộc thi chính thức ở 4 nội dung: bay tính điểm, bay tốc độ, bay đội hình và bay cứu hộ.

Các vận động viên (VĐV) sẽ bay ở hai độ cao khác nhau (lúc bay đi là 50m và bay về là 70m) để tránh va chạm trên không. Mỗi người đều được gắn thiết bị định vị để BTC và Ban giám khảo giám sát chặt chẽ việc chấp hành luật chơi cũng như kịp thời xử lý nếu có tình huống xảy ra. Việc sắp xếp lịch bay sẽ đảm bảo trong suốt thời gian thi, trên bầu trời luôn có 20 VĐV.

Bà Thân Ngọc Hải Cát, Tổng Giám đốc Công ty tổ chức sự kiện CATI (Đà Nẵng), đơn vị tổ chức DIPC 2012 cho hay, đến nay đã có 50 VĐV từ 8 quốc gia là Nhật Bản, Anh, Hàn Quốc, Trung Quốc, Tây Ban Nha, Anh, Pháp và Hoa Kỳ chính thức đăng ký tham dự.

BTC dự kiến khoảng 70% lượng khách quốc tế đến thưởng thức cuộc thi sẽ được thu hút từ Nhật Bản nên sẽ có các chương trình phối hợp với các hãng truyền thông của nước này như MBS, HIS tổ chức quảng bá rầm rộ tại Tokyo và các TP lớn của Nhật. Ngoài ra, việc quảng bá cho DIPC 2012 cũng sẽ được tập trung nhân dịp diễn ra cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế DIFC 2012 tại Đà Nẵng vào cuối tháng 4.

Theo bà Thân Ngọc Hải Cát, kinh phí tổ chức DIPC 2012 dự kiến khoảng 15 tỉ đồng và đều từ nguồn xã hội hoá (không sử dụng ngân sách địa phương). Bà cũng nhấn mạnh, đây là lần đầu tiên một cuộc thi dù bay quốc tế được tổ chức tại Việt Nam và theo chủ trương đã được lãnh đạo Đà Nẵng thống nhất thì cuộc thi sẽ tổ chức thường niên tại TP này.

Ông Shin Kake cho biết thêm, bộ môn dù bay ra đời năm 1978 tại Pháp và giải Vô địch thế giới lần đầu tiên được tổ chức tại Kossen (Áo) năm 1989. Đây là phương tiện bay cá nhân được Liên đoàn Thể thao hàng không thế giới (FAI) công nhận là một trong 10 loại hình thể thao hàng không chính thức được tổ chức thi đấu. Tuy Việt Nam chưa phải là thành viên FAI nhưng thông qua sự bảo trợ của JHF, DIPC 2012 được công nhận là hoạt động nằm trong hệ thống các cuộc thi của tổ chức này.

Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh nhấn mạnh, DIPC 2012 chỉ diễn ra sau DIFC 2012 đúng 1 tháng. Do vậy, các đơn vị tổ chức phải rà soát kỹ và triển khai khẩn trương công tác chuẩn bị, kế hoạch phối hợp với các ban ngành hữu quan của TP, tăng cường quảng bá, đảm bảo chất lượng chuyên môn và an toàn tuyệt đối của các VĐV... Mục tiêu là tạo thêm một sự kiện sôi động thu hút du khách trong và ngoài nước đến với du lịch Đà Nẵng, đặc biệt là du lịch biển.

Nguồn baomoi.com