Bảo vệ trẻ em từ chính gia đình

Trẻ em cần phải được bảo vệ từ chính gia đình của mình, đó là khẳng định của rất nhiều đại biểu tại Hội nghị tổng kết, đánh giá quá trình thực hiện công tác bảo vệ trẻ em năm 2011 do Sở Lao động- Thương Binh và Xã hội tổ chức (thuộc dự án Tình bạn hữu trẻ em do UNICEF tài trợ). Đây thật sự là một thông điệp cần thiết kêu gọi sự quan tâm hơn nữa của các bậc phụ huynh đối với con em mình.

(NTO) Theo số liệu thống kê, chỉ tính riêng 10 tháng của đầu năm 2011, toàn tỉnh đã xảy ra 756 vụ tai nạn thương tích, làm chết 26 em. Trong đó, phổ biến nhất là các vụ tai nạn đuối nước, xảy ra 18 vụ, làm chết 22 em. Đây là những con số thương tâm và đau lòng mà không một người làm cha, làm mẹ nào mong muốn. Càng thương tâm và đau lòng hơn khi có những vụ tai nạn thương tích xảy ra cướp đi mạng sống của các em do sự lơ là, thiếu quan tâm của những người thân trong gia đình. Đó là trường hợp 3 em nhỏ bị chết do cắm đầu vào xô nước, lu nước sinh hoạt trong gia đình xảy ra trên địa bàn phường Văn Hải, Mỹ Hải (Tp.Phan Rang–Tháp Chàm) và xã Phước Sơn (Ninh Phước). Hay những trường hợp trẻ tử vong do té võng, do điện giật… Điều này cho thấy, tai nạn thương tích có thể xảy ra bất cứ lúc nào với các em ở ngay chính ngôi nhà mình, trong nhiều hoàn cảnh khác nhau. Đặc biệt với những trẻ từ 1-5 tuổi, còn quá nhỏ để ý thức được nguy hiểm rình rập xung quanh. Và sự lơ là, chủ quan của người lớn, dù chỉ trong chốc lát cũng có thể dẫn đến những tai nạn thương tâm cho trẻ em

 
Trẻ em rất cần sự quan tâm, bảo vệ của gia đình.

Bên cạnh tai nạn thương tích, vấn đề trẻ em bị ngược đãi và xâm hại tình dục cũng là một thực trạng đáng lưu tâm. Năm 2011, toàn tỉnh xảy ra 13 vụ xâm hại tình dục trẻ em, trong đó có 4 vụ làm nạn nhân có thai, 2 vụ xâm hại trẻ em dưới 13 tuổi. Trước khi nói về vấn đề đạo đức, nhân phẩm của những kẻ phạm tội và ý thức, kỹ năng tự vệ của chính các em, có lẽ phải kể đến vai trò, trách nhiệm của gia đình, người thân khi để con em mình rơi vào những hoàn cảnh như vậy. Bởi trên thực tế, có những trường hợp trẻ không chỉ bị xâm hại một lần mà lặp đi lặp lại rất nhiều lần, thậm chí có trường hợp khi trẻ mang thai người lớn mới phát hiện được. Điển hình như trường hợp của em N.T (sinh năm 1998) ở phường Phước Mỹ (Tp.Phan Rang-Tháp Chàm) bị L.B, 62 tuổi, cư ngụ ở phường Đô Vinh xâm hại tình dục nhiều lần. Đến khi gia đình phát hiện thì em T đã có thai được 7 tháng. Hay em H. (sinh năm 1998) ở xã Phước Chiến bị chính cha dượng của mình thực hiện hành vi cưỡng dâm nhiều lần mà không dám lên tiếng.

Đằng sau mỗi tai nạn thương tích, mỗi em nhỏ bị xâm hại là sự hối hận, đau lòng của cha mẹ, người lớn. Và mỗi sự việc cũng là một hồi chuông để tất cả những người làm cha, làm mẹ nhìn nhận lại cách chăm sóc, bảo vệ con cái của mình. Đặc biệt là ở các vùng nông thôn và trong các gia đình nghèo, trẻ em rất ít được quan tâm, chăm sóc. Bởi cha mẹ các em bận rộn với công việc đồng áng, ít có thời gian để mắt đến con cái, thậm chí đi làm về mệt mỏi cũng dễ có những hành động đánh đập con. Như trường hợp của 2 em ở phường Bảo An (Tp.Phan Rang–Tháp Chàm) và thôn Mỹ Nhơn, xã Bắc Phong (Thuận Bắc) bị chính cha ruột của mình đánh đập, ngược đãi.

Trước thực trạng đó, việc trang bị kỹ năng sống cho trẻ cũng là điều hết sức cần thiết nhưng hiện nay vẫn chưa thực sự được coi trọng. Đặc biệt là những kiến thức về giới tính, tuổi dậy thì, phòng tránh xâm hại tình dục… không ít người lớn vẫn cho là “vẽ đường cho hươu chạy”. Không gần gũi, quan tâm đến con thì cha mẹ cũng không thể hiểu được những tâm sự, nỗi niềm của con trẻ. Nhiều người đưa ra các hình phạt và cấm đoán nghiêm khắc mà vẫn cho rằng như vậy là tốt cho con. Đây có lẽ cũng là nguyên nhân dẫn đến việc trẻ em vi phạm pháp luật ngày càng nhiều. Để lắng nghe, hiểu và chia sẻ được con cái, cha mẹ cũng cần trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng cần thiết. Nhưng hơn cả là lòng yêu thương, sự quan tâm và dõi theo hằng ngày. Môi trường xã hội đang ngày càng tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến trẻ em bị tai nạn thương tích, xâm hại tình dục và vi phạm pháp luật. Hơn ai hết, cha mẹ và những người thân trong gia đình hãy quan tâm, bảo vệ các em bằng chính vòng tay yêu thương của mình.