THUẬN BẮC :

Hướng xuất khẩu lao động đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Thực hiện chương trình mục tiêu giải quyết việc làm cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi, được sự hỗ trợ của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, tháng 5-2011, UBND huyện Thuận Bắc đã triển khai thực hiện đề án xuất khẩu lao động đến các vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong huyện.

(NTO) Tuy bước đầu gặp nhiều khó khăn trong công tác tổ chức thực hiện, nhưng đến nay, đề án xuất khẩu lao động cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Thuận Bắc đã bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực, tạo được niềm tin và sự phấn khởi trong nhân dân địa phương.

Theo hướng dẫn của đồng chí Chamaléa Hiến, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Chiến, chúng tôi tìm đến gia đình chị Ka-tơ Thị Viết, dân tộc Raglai ở thôn Đầu Suối B, xã Phước Chiến. Chị Viết là người đầu tiên trong xã nhận được tiền của chồng gửi về sau 2 tháng tham gia xuất khẩu lao động tại Malaysia. Với tâm trạng vui, phấn khởi, chị Viết cho biết: Chồng của chị là anh Chamaléa Tố, được tham gia xuất khẩu lao động đợt đầu tiên của huyện Thuận Bắc tại Malaysia, vào cuối tháng 10-2011. Đầu tháng 1-2012 này, anh Tố đã gửi về cho gia đình 8 triệu đồng. Đây là khoản tiền không nhỏ so với thu nhập tại địa phương trong một thời gian ngắn như vậy.

Hướng xuất khẩu lao động đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số của huyện đã mở ra một hướng đi mới
cho lao động địa phương. Ảnh: Sơn Ngọc

Cũng như chị Ka-tơ Thị Viết, bà Pi-năng Thị Thoi ở thôn Đầu Suối B cũng rất vui mừng cho biết: con trai của bà là anh Pi-năng Tâm, cùng đi xuất khẩu lao động vào cuối tháng 10-2011 vừa qua. Vào đầu tháng 2-2012, anh Tâm đã gửi về cho gia đình được 17 triệu đồng. Thông qua điện thoại, bà Thoi được biết, anh Tâm hiện đang làm việc ổn định tại một Công ty chế biến gỗ nội thất, với mức lương quy ra tiền Việt Nam trên 9.000.000đ/tháng. Môi trường làm việc và điều kiện ăn ở, sinh hoạt được công ty bố trí thuận lợi, chu đáo. Bà và gia đình rất vui mừng và cảm ơn sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đã tạo điều kiện cho con trai bà được đi lao động ở nước ngoài.

Theo ông Nguyễn Ngọc Định, Trưởng phòng LĐ- TB&XH huyện Thuận Bắc cho biết: Năm 2011 là năm đầu tiên, huyện Thuận Bắc tổ chức đưa lao động là đồng bào dân tộc thiểu số làm việc tại nước ngoài theo chương trình xuất khẩu lao động. Trong đợt này, toàn huyện Thuận Bắc có 10 lao động phổ thông là người dân tộc Raglai được tuyển dụng làm việc tại Malaysia, trong đó, xã Phước Chiến có 8 người.

Để bảo đảm quyền lợi cho người lao động, UBND huyện đã phối hợp chặt chẽ với Trung tâm giới thiệu việc làm, thuộc Sở LĐ-TB&XH lựa chọn ký kết hợp đồng trách nhiệm với Công ty Vận chuyển Sài gòn Tourist TP. Hồ Chí Minh, là Công ty đầu mối có uy tín, được các bộ, ngành Trung ương chấp thuận cho hoạt động trên lĩnh vực đưa người đi lao động tại nước ngoài. Các vấn đề mấu chốt để bảo vệ quyền lợi cho người lao động được thể hiện trong hợp đồng trách nhiệm bao gồm: thời gian làm việc và mức thu nhập bình quân tối thiểu; môi trường làm việc và điều kiện ăn ở, sinh hoạt; nhu cầu được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, cũng như các vấn đề xã hội khác cho người lao động theo qui định pháp luật của nước sở tại; v.v… Theo chính sách hỗ trợ của Nhà nước dành cho đồng bào dân tộc thiểu số, mỗi người tham gia xuất khẩu lao động được hỗ trợ học phí, tiền ăn trong thời gian học ngoại ngữ và học nghề ngắn hạn, chi phí bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, định hướng cho người lao động ngoài nước; các chi phí làm hộ chiếu, khám sức khỏe, phí làm lý lịch tư pháp. Đồng thời UBND huyện cũng đã tạo điều kiện để người lao động được vay ưu đãi 24 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện để làm lộ phí xuất cảnh và sẽ trả dần khi có thu nhập.

Cũng theo Trưởng phòng Lao động-Thương binh & Xã hội huyện Thuận Bắc, hiện nay số lao động là đồng bào Raglai ở 2 xã Phước Chiến và Phước Kháng có nhu cầu đăng ký đi lao động nước ngoài đang tăng. Dự kiến trong năm 2012, huyện Thuận Bắc sẽ tổ chức cho trên 30 người tham gia xuất khẩu lao động. Với trên 72% số dân là đồng bào dân tộc thiểu số ( trong đó, dân tộc Raglai chiếm trên 67%). Do hạn chế về trình độ, nhận thức và kỹ năng lao động, nên khả năng tìm kiếm việc làm ổn định của phần lớn bà con đều gặp rất nhiều khó khăn. Trước đây, ngoài thời gian canh tác nương rẫy, muốn kiếm thêm thu nhập, nhiều nam, nữ thanh niên các vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã đi tìm việc làm thuê ở các địa phương khác như: phụ hồ, hái cà phê, hoặc tham gia lao động tại các vùng khai thác quặng lậu ở Tây nguyên, v.v… Tuy nhiên, hình thức lao động trên chỉ mang tính chất tự phát, nên dễ gây tổn thất cho người lao động trên nhiều mặt, như: bị ăn chặn tiền lương, ép buộc thời gian làm việc, hoặc bị lừa bán lao động ra nước ngoài .v.v… Việc hướng xuất khẩu lao động đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số của huyện Thuận Bắc đã mở ra một hướng đi mới cho lao động địa phương. Vừa giúp bà con có việc làm ổn định, thu nhập cao, vừa tạo điều kiện trang bị tay nghề và kỹ năng xã hội, để sau khi hết thời gian hợp đồng, người lao động trở về địa phương có thể tham gia làm việc hiệu quả tại các cơ sở trong nước. Đây là một trong những giải pháp hữu hiệu để thực hiện công tác xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm theo hướng bền vững.