(NTO) Phóng viên: Hiện nay, dịch cúm gia cầm đã lan rộng đến 12 tỉnh, thành trong cả nước. Để chủ động phát hiện, ngăn chặn không để dịch lây lan vào tỉnh ta, ngành Thú y đã triển khai những biện pháp gì?
Đồng chí Nguyễn Hữu Phước: Tại tỉnh ta, hiện chưa phát hiện có ổ dịch cúm gia cầm nào xảy ra, nhưng để chủ động phòng, chống và ngăn chặn dịch, ngay từ giữa tháng 2, ngành đã khẩn trương chỉ đạo các địa phương triển khai thực hiện tốt việc vệ sinh, tiêu độc, khử trùng đối với các chuồng trại chăn nuôi, cơ sở ấp nở gia cầm, cơ sở giết mổ, buôn bán gia súc, gia cầm ở tất cả các xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Tham mưu phương án phòng, chống dịch cúm gia cầm năm 2012 để Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình UBND tỉnh, nhằm kịp thời chỉ đạo các địa phương củng cố, thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp; xây dựng kế hoạch sẵn sàng ứng phó khi có dịch bệnh xảy ra. Ngoài các nhiệm vụ nêu trên, hiện Chi cục Thú y tỉnh đang chỉ đạo lực lượng thú y cơ sở phối hợp với các trạm y tế, các ngành chức năng, đoàn thể và quần chúng tại địa phương tăng cường công tác giám sát đến tận chuồng trại, hộ chăn nuôi gia cầm. Tổ chức quản lý đàn vịt chạy đồng, các lò ấp, cơ sở kinh doanh, lò giết mổ và các điểm bán gia cầm ở chợ nhằm phát hiện nhanh các trường hợp mắc bệnh, chết nghi do cúm gia cầm để xử lý kịp thời. Cùng với đó, ngành còn phối hợp đoàn kiểm tra liên ngành các huyện, thành phố tăng cường công tác kiểm dịch tại các trạm, chốt kiểm dịch trên những tuyến giao thông chính như: Quốc lộ 1A, quốc lộ 27 để kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm đã qua giết mổ vào địa bàn tỉnh tiêu thụ. Nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm sẽ kiên quyết xử lý đúng theo Pháp lệnh Thú y hiện hành.
Phóng viên: Đồng chí có những khuyến cáo gì tới người dân trong công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm hiện nay?
Đồng chí Nguyễn Hữu Phước: Qua theo dõi, tại các tỉnh đã xuất hiện dịch cúm gia cầm và các đợt dịch xuất hiện tại tỉnh ta những năm trước đây cho thấy, thường các ổ dịch chỉ được phát hiện thông qua cộng đồng chứ không phải từ sự khai báo của người chăn nuôi, nên thường rất chậm và hạn chế nhiều đến hiệu quả công tác phòng, chống dịch. Trước thực tế đó, chúng tôi cho rằng để hạn chế dịch bệnh bùng phát trên diện rộng, thứ nhất người dân cần nêu cao ý thức không nuôi thả rông gia cầm, không mua bán gia cầm bị bệnh, không ăn thịt gia cầm bị bệnh và không rõ nguồn gốc, không vứt xác gia cầm bừa bãi và không nên ăn tiết canh gia cầm. Đối với các hộ chăn nuôi gia cầm cần tuân thủ đúng các biện pháp kỹ thuật như: tiêm phòng vắc xin cho gia cầm đúng theo định kỳ; thường xuyên tẩy rửa, vệ sinh, tiêu độc khử trùng dụng cụ chăn nuôi, chuồng trại, cơ sở buôn bán, giết mổ. Khi tiếp xúc với gia cầm, người dân cần phải có bảo hộ cá nhân, phải rửa tay bằng nước sạch và xà phòng sau khi tiếp xúc, chế biến gia cầm. Đặc biệt, khi phát hiện gà, vịt có dấu hiệu mắc bệnh như: ủ rủ, bỏ ăn, phù đầu và mặt, chảy nước dãi ở mỏ, da tím bầm, long xù, ỉa chảy, chết nhanh thì phải báo cáo ngay cho trạm thú y huyện, thành phố để tiến hành các công tác nghiệp vụ bao vây đàn gia cầm, lấy mẫu xét nghiệm. Nếu xác định có dịch xảy ra, cần nhanh chóng khoanh vùng dịch phạm vi trong vòng 3 km kể từ trung tâm ổ dịch, sau đó tiến hành tiêu hủy số gia cầm đã mắc bệnh ngay từ ổ dịch đầu tiên, không để người dân bán chạy gia cầm làm lây lan dịch và đưa ra cảnh báo để mọi người nâng cao ý thức, cùng tham gia phòng chống dịch.
Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!
Văn Thanh (thực hiện)