(NTO) Xã hiện có 4 thôn, với dân số trên 9.900 người, 100% đồng bào theo đạo công giáo. Nhân dân Tân Hải sống chủ yếu dựa vào trồng lúa, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Trong số hơn 2.200 hộ dân toàn xã thì có đến 299 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 13%), 953 hộ cận nghèo, là trở ngại lớn của công tác dân số ở Tân Hải.
Theo những cộng tác viên dân số ở đây cho biết, thì cái khó khăn lớn nhất trong công tác tuyên truyền dân số ở Tân Hải là tập hợp người dân, nên việc tổ chức sinh hoạt các CLB và tiếp cận tuyên truyền thông tin còn hạn chế. Công tác vận động, tuyên truyền thực hiện dân số- kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) đến bà con nhân dân cũng không mấy thuận lợi. Bên cạnh đó, những nhận thức, quan điểm lạc hậu rằng “đông con đông của” hay sinh con phải có “nếp có tẻ” vẫn tồn tại trong nhiều bộ phận nhân dân.
Những trở ngại trên đòi hỏi cấp ủy, chính quyền và đội ngũ làm công tác dân số ở xã phải nỗ lực rất lớn. Yêu cầu đầu tiên để thực hiện được công tác tuyên truyền dân số ở Tân Hải là mỗi một cán bộ dân số và cộng tác viên phải thật sự tích cực, chịu khó. Hiện nay toàn xã có 16 cộng tác viên dân số, ở 4 thôn. Đội ngũ cộng tác viên thường xuyên theo dõi chặt chẽ tình hình dân số ở từng thôn mình phụ trách và tuyên truyền, vận động để giúp người dân tiếp cận được thông tin và các chương trình, hoạt động của đề án. Phần lớn người dân trong xã đi làm ăn xa nên các cộng tác viên phải tranh thủ đến từng nhà vào buổi tối hay tranh thủ ngày nghỉ thứ bảy, chủ nhật. Từ sau những buổi tuyên truyền tại nhà đó mới tổ chức được những buổi nói chuyện, tuyên truyền dân số theo từng nhóm ở các thôn. Cán bộ chuyên trách dân số Nguyễn Thị Thùy Trân cho biết: “Mỗi cộng tác viên dân số phải theo dõi, nắm rõ hoàn cảnh của từng gia đình trong thôn mình phụ trách thì công tác tuyên truyền mới thực sự hiệu quả. Vì những kiến thức tuyên truyền đến người dân có gắn với thực tế, hoàn cảnh thì người dân mới hiểu, mới thấy đúng”. Cùng với hoạt động của các cộng tác viên dân số, chính quyền xã cũng xây dựng các chương trình phát thanh tuyên truyền về DS- KHHGĐ trên hệ thống loa truyền thanh.
Nhận thức của nhân dân đang ngày càng được nâng lên rõ rệt, nên các gia đình đã có cách nhìn nhận đúng đắn hơn về việc thực hiện DS- KHHGĐ để nâng cao chất lượng cuộc sống. Nhiều chị em cũng đã tập được thói quen tốt là đi khám thai, khám phụ khoa định kỳ. Trong các buổi sinh hoạt nhóm ở thôn, người dân không chỉ lắng nghe và tiếp nhận thông tin mà còn mạnh dạn nêu lên những thắc mắc, những vấn đề mình gặp phải trong việc chăm sóc sức khỏe sinh sản, thực hiện KHHGĐ để phòng tránh thai. Các hoạt động do đề án 52 hỗ trợ như: Tổ chức các đợt khám phụ khoa, thực hiện mô hình CLB “Không sinh con thứ 3”, hỗ trợ các biện pháp tránh thai, KHHGĐ… đều đang phát huy được hiệu quả, thu hút nhiều người tham gia hơn. Năm 2011, toàn xã có 779 đối tượng thực hiện các biện pháp KHHGĐ (đạt 98% mục tiêu đề án đề ra). Trạm y tế xã với sự hỗ trợ của Đề án đã tổ chức khám phụ khoa cho 91 trường hợp, phát hiện và điều trị cho 85 trường hợp. Có thể nói, Đề án 52 đang từng bước tạo được sự chuyển biến rõ nét trong vấn đề kiểm soát dân số ở Tân Hải, từng bước góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân.
Nhật Quỳnh