Trước đó, chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) làm thay đổi nhận thức và tập quán canh tác truyền thống của nông dân, hình thành lối canh tác mới theo hướng giảm đến mức thấp nhất việc sử dụng hóa chất và thuốc bảo vệ thực vật.
Mô hình cánh đồng công nghệ sinh thái ở xã Trung Thạnh, huyện Cờ Đỏ.
Trên cơ sở đó, vụ đông xuân 2011-2012, ngành nông nghiệp thành phố triển khai 4 mô hình cánh đồng CNST tại 2 huyện Cờ Đỏ (xã Thạnh Phú, Trung Thạnh, Trung An) và huyện Vĩnh Thạnh (thị trấn Thạnh An) với quy mô 29,6ha, gồm 19 nông hộ tham gia.
Ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ, cho biết: “Mặc dù không gây áp lực lớn như những năm về trước nhưng dịch rầy nâu, bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá vẫn là mối nguy hại lớn đối với nền sản xuất lúa hàng hóa. Việc ứng dụng tổng hợp các biện pháp kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất lúa theo hướng an toàn, thân thiện với môi trường như “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”, sản xuất và sử dụng chế phẩm sinh học (nấm xanh, Ometar), cánh đồng CNST... để quản lý sâu rầy, ngăn chặn sự bùng phát của các đối tượng dịch hại luôn được ngành nông nghiệp thành phố quan tâm chỉ đạo”.
Ngay từ đầu vụ, ngành nông nghiệp đã chỉ đạo các địa phương vận động, liên kết nông dân ứng dụng CNST trong quá trình sản xuất lúa bằng cách trồng các loại hoa như: vạn thọ, hướng dương, sao nhái, đậu bắp, đậu xanh, mè... trên bờ ruộng. Đây là những loại hoa dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, màu sắc sặc sỡ, có nhiều hoa và ra hoa quanh năm nhằm thu hút thiên địch ký sinh (bọ xít mù xanh, ong ký sinh đến hút mật hoa) và thiên địch ăn mồi (nhện, bọ rùa, kiến ba khoang) đến cư ngụ trong ruộng lúa. Sau đó, chúng sẽ trực tiếp ký sinh hoặc ăn các loại sâu rầy hại lúa. Nhờ vậy, nông dân tiết giảm tối đa chi phí đầu vào, tạo ra sản phẩm nông sản an toàn, góp phần bảo vệ môi trường sống.
Ông Nguyễn Văn Thành, Tổ trưởng Tổ hợp tác Đồng Vạn, thị trấn Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh, nói: “Chúng ta đã cơ bản khống chế được khả năng gây hại của rầy nâu bằng cách gieo sạ tập trung né rầy, ứng dụng chương trình IPM không phun thuốc trừ sâu sớm để giữ thiên địch trên đồng ruộng. Thực hiện mô hình cánh đồng CNST, nông dân càng hiểu rõ vai trò của thiên địch trong việc giữ cân bằng hệ sinh thái, tạo sự đa dạng sinh học trên ruộng lúa, từ đó không lạm dụng việc sử dụng thuốc trừ sâu dẫn đến tình trạng kháng thuốc, thiên địch bị tiêu diệt và giống lúa kháng rầy mất tính kháng...”.
Theo ông Lâm Minh Trí, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Cờ Đỏ, nông dân có tập quán tận dụng bờ ruộng trồng đậu xanh, đậu bắp và các loại cây ngắn ngày để tăng thêm thu nhập. Tuy nhiên, thói quen này thực hiện một cách tự phát. Phòng Nông nghiệp huyện đã phối hợp với các ban, ngành có liên quan và các địa phương tập hợp bà con nông dân, tổ chức tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa và lợi ích của việc ứng dụng CNST trong quản lý rầy nâu hại lúa. Với cánh đồng CNST, các giải pháp kỹ thuật tiên tiến trong quản lý sâu rầy được thực hiện một cách đồng bộ. Đặc biệt, mô hình này thích hợp với những ruộng lúa gần khu vực nuôi trồng thủy sản hay khu vực nuôi trồng kết hợp lúa-cá, lúa-tôm.
Thực hiện mô hình cánh đồng CNST, nông dân không cần phải phun thuốc hoặc hạn chế tối đa số lần sử dụng các loại thuốc trừ sâu. Thực tế cho thấy, những cánh đồng ứng dụng CNST ở huyện Cờ Đỏ và Vĩnh Thạnh, số lần phun thuốc trừ sâu giảm hẳn so với ruộng đối chứng. Mô hình cánh đồng CNST ở xã Trung Thạnh và Thạnh Phú (huyện Cờ Đỏ) từ đầu vụ đến nay chưa sử dụng thuốc trừ sâu. Riêng tại xã Trung An (huyện Cờ Đỏ) và thị trấn Thạnh An (huyện Vĩnh Thạnh) chỉ phun thuốc trừ sâu 1 lần. Ông Phan Tuấn Tiền, nông dân ấp Thạnh Lợi, xã Trung Thạnh, huyện Cờ Đỏ, chia sẻ: “Qua báo, đài thấy các tỉnh bạn An Giang, Tiền Giang, Bến Tre... thực hiện mô hình này, tôi đã hiểu tác dụng cũng như lợi ích mà cánh đồng CNST mang lại. Nên khi được cán bộ khuyến nông vận động, tôi hưởng ứng ngay. Từ đầu vụ đến giờ, tôi chưa phun thuốc lần nào nên cũng tiết kiệm được 1 khoản tiền kha khá. Với đà này, năng suất từ bằng đến hơn vụ đông xuân năm ngoái (7,5-8 tấn/ha)”.
Trong điều kiện canh tác 2-3 vụ lúa/năm, dịch rầy nâu và mầm bệnh có thể lây lan từ vụ này sang vụ khác, trong khi giá vật tư nông nghiệp không ngừng biến động, tình trạng ô nhiễm môi trường ngày một trầm trọng. Việc định hướng nông dân ứng dụng CNST kết hợp các giải pháp kỹ thuật tiên tiến như “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”; sản xuất và sử dụng chế phẩm sinh học... trong quá trình sản xuất lúa là một nhu cầu tất yếu. Ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, cho biết: Những năm gần đây, giá lúa luôn ở mức cao nhưng vấn đề hạ giá thành sản xuất luôn được ngành nông nghiệp chú trọng. Bởi sản xuất với chi phí thấp, trường hợp xảy ra tình trạng lúa rớt giá thì người nông dân vẫn đảm bảo có lời. Thành công của mô hình cánh đồng CNST là bước chuyển biến quan trọng trong chương trình kiến thiết lại đồng ruộng, hướng đến nền sản xuất lúa an toàn, thân thiện với môi trường; hạ giá thành sản phẩm; từng bước nâng cao phẩm chất, gia tăng giá trị hạt gạo góp phần nâng cao thu nhập cho người trồng lúa...
Nguồn Báo điện tử Cần Thơ