Áp thấp nhiệt đới trên khu vực quần đảo Trường Sa

Theo Trung tâm Dự báo KTTV Trung ương, hồi 13 giờ ngày 18/2, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 9,6 độ Vĩ Bắc; 112,5 độ Kinh Đông, trên khu vực quần đảo Trường Sa.

Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6, cấp 7 (tức là từ 39 đến 61 km một giờ), giật cấp 8, cấp 9.

 
 
Vị trí áp thấp nhiệt đới. Ảnh: Trung tâm Dự báo KTTV Trung ương

Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 10 km và có khả năng mạnh lên thành bão.

Đến 13 giờ ngày 19/2, vị trí tâm bão ở vào khoảng 9.0 độ Vĩ Bắc; 110,3 Kinh Đông, cách đảo Trường Sa khoảng 190km về phía Tây Tây Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 đến 74 km một giờ), giật cấp 9, cấp 10.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới kết hợp với gió mùa đông bắc hoạt động mạnh nên khu vực giữa và Nam biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển Bình Thuận đến Cà Mau có gió mạnh cấp 6, cấp 7.

Sau khi áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão, sức gió vùng gần tâm sẽ mạnh cấp 8, giật cấp 9, cấp 10 và có mưa rào và dông mạnh. Biển động mạnh. Trong cơn dông cần đề phòng có lốc xoáy.

Ngoài ra do ảnh hưởng của không khí lạnh, ở vịnh Bắc Bộ và vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Quảng Trị đến Ninh Thuận có gió đông bắc mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8. Biển động mạnh.

Khu vực Bắc biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió đông bắc mạnh cấp 7, giật cấp 8 - 9. Biển động mạnh.

Trong hai ngày nghỉ cuối tuần (18-19/2) toàn miền Bắc, trong đó có Hà Nội, chịu ảnh hưởng của đợt không khí lạnh tăng cường gây rét đậm, rét hại.

Hôm nay nền nhiệt tại Hà Nội giảm thấp nhất xuống 10 độ C, kèm mưa khiến cảm giác rét buốt càng trở nên rõ rệt.

Ở các địa phương vùng núi cao, đêm nay nhiệt độ giảm dưới 8 độ C.

Nguồn www.chinhphu.vn