Điều chỉnh giá 400 dịch vụ y tế: Hướng tới bảo đảm quyền lợi bệnh nhân

Việc điều chỉnh tăng giá viện phí hơn 400 dịch vụ y tế lần này đã được nghiên cứu kỹ và hướng đến tính đúng, tính đủ, bảo đảm quyền lợi cho bệnh nhân và người có bảo hiểm y tế (BHYT).

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh vừa đồng ý với Bộ Y tế về việc điều chỉnh giá các dịch vụ y tế ban hành tại Thông tư liên Bộ số 14/TTLB năm 1995 và một số dịch vụ ban hành năm 2006 của Bộ Y tế. Ông Phạm Lương Sơn, Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT, Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam, cho biết dự thảo Thông tư lần này không chỉ điều chỉnh giá các dịch vụ y tế mà còn phải khắc phục những bất cập từ việc ban hành giá viện phí cũ của Thông tư 14 và Thông tư 03 năm 2006.

 
Ông Phạm Lương Sơn, Trưởng ban Thực hiện chính sách Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam Ảnh: Chinhphu.vn

Khắc phục bất cập từ giá viện phí cũ

Theo ông Phạm Lương Sơn, mức giá viện phí được ban hành từ năm 1995 vẫn được thực hiện cho đến nay mà không thay đổi gì. Đến năm 2006, chúng ta ban hành Thông tư liên Bộ số 03 để bổ sung các dịch vụ kỹ thuật. Tuy nhiên, các bệnh viện vẫn tiếp tục phản ánh rằng giá dịch vụ đó chưa bảo đảm thu hồi đủ khả năng chi phí.

“Chính vì vậy, Bộ Y tế đã đề nghị tiếp tục sửa đổi, bổ sung giá viện phí.”, ông Sơn nói, “Đây là quá trình nghiên cứu hướng tới tính đúng, tính đủ, bảo đảm quyền lợi cho người bệnh và người có BHYT”.

Việc thực hiện sửa đổi, bổ sung này đã đạt được sự thống nhất cao từ cả 3 Bộ: Y tế, Tài chính, Lao động-Thương binh và Xã hội cũng như BHXH Việt Nam, cả về nguyên tắc xây dựng cũng như xác định được định mức y tế kỹ thuật.

Về một số điểm khác biệt cơ bản của dự thảo Thông tư viện phí lần này với khung giá cũ đã áp dụng nhiều năm nay, ông Phạm Lương Sơn cho biết sẽ có 5 dịch vụ y tế được điều chỉnh giảm, tránh lạm dụng dịch vụ kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh, nhất là chụp CT/scan.

Trong Thông tư 14 quy định mức giá chụp CT/Scan từ 300.000 đến 1 triệu đồng (bao gồm cả thuốc phản quang) thì lần này có sự phân định rõ ràng là khi nào có thuốc phản quang và khi nào thì không có thuốc phản quang, cũng như quy định mức giá cụ thể. (Ví dụ: Trong Thông tư 14, có thuốc phản quang giá cao nhất là 1 triệu đồng thì nay điều chỉnh lại chỉ còn 800.000 đồng. Và nếu không có thuốc phản quang, tại Thông tư 14 là 800.000 đồng thì nay điều chỉnh lại là hơn 500.000 đồng). Điều này giúp ngăn chặn sự trục lợi của một số cơ sở khám chữa bệnh.

Bên cạnh đó, dịch vụ siêu âm trong Thông tư 14 và 03 chưa phân biệt giữa siêu âm màu với các siêu âm mang tính đặc thù khác. Rất nhiều cơ sở khám chữa bệnh lạm dụng những khe hở này để trục lợi từ quỹ BHYT. Rất nhiều kỹ thuật siêu âm ổ bụng chỉ sử dụng kỹ thuật 2D, đen trắng với mức giá 20.000 đồng nhưng nếu phủ một lớp màu lên thì được thanh toán với quỹ BHYT từ 80.000 - 150.000 đồng. Vì vậy, lần này được phân định cụ thể, rõ ràng để bảo đảm chi phí đưa ra xứng đáng với dịch vụ kỹ thuật mà người bệnh được hưởng.

 
Tăng giá viện phí: Hướng tới bảo đảm quyền lợi cho người bệnh và người có bảo hiểm y tế

Bước tiến trong xây dựng khung giá viện phí

Cũng theo ông Phạm Lương Sơn, khung viện phí trước được xây dựng giãn từ mức tối thiểu đến tối đa rất rộng và giao thẩm quyền cho Bộ trưởng Bộ Y tế hoặc Chủ tịch UBND cấp tỉnh phê duyệt. Cho đến năm 2010 , hầu hết các tỉnh, thành phố phê duyệt giá viện phí ở mức tối đa. Điều này không phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế, xã hội và mức thu nhập của người dân tại từng địa phương, làm ảnh hưởng trực tiếp đến quỹ BHYT, mất công bằng trong việc cung cấp dịch vụ y tế.

Vì vậy, tại Thông tư liên Bộ lần này, trên 50 dịch vụ y tế chỉ quy định 1 giá và được coi là giá tối đa. Theo đó, trách nhiệm của UBND các tỉnh là phải phê duyệt mức giá sao cho phù hợp với địa bàn của mình, bảo đảm công bằng, sát với thu nhập của người dân và tuân thủ tinh thần tính đúng, tính đủ.

Còn những dịch vụ kỹ thuật được xây dựng với khung giá tối thiểu và tối đa thì chênh lệch giữa hai mức giá này khoảng 5 - 10%, mức chênh thấp nhất 3.000 đồng và cao nhất là 90.000 đồng, mức trung bình chênh nhau khoảng 19.000 đồng, ông Sơn cho biết.

Mức tính phí với bệnh nhân nằm giường ghép, nằm ngoài hành lang, giường gấp cũng được ông Sơn thông tin cụ thể. Trước đây, nằm 2, 3 người/giường thì bệnh viện cứ căn cứ vào bệnh án để thanh toán ngày giường. Thậm chí nằm hành lang, ghế… cũng bị tính ngày giường. Nhưng lần này hướng tới mỗi bệnh nhân là 1 giường nhưng nếu phải nằm ghép thì 2 người chỉ phải đóng 50% giá trị giường. Nếu nằm người thứ 3 thì chỉ thu 30%. Người bệnh nằm ngoài hành lang sẽ không tính tiền giường.

Ông Phạm Lương Sơn khẳng định cơ quan BHXH sẽ kiên quyết thực hiện việc bảo vệ quyền lợi cho người bệnh. Mục tiêu đặt ra là người bệnh không phải chi trả cho các dịch vụ đã được BHXH, quỹ BHYT trả cho theo giá viện phí mới. Nếu phát hiện cơ sở khám chữa bệnh nào thu thêm tiền của người bệnh, tăng tiêu cực, vượt quá khung của Nghị định 92 về xử phạt hành chính thì phải áp dụng cả biện pháp ngừng hợp đồng. BHXH cũng mong người bệnh thông tin kịp thời về những cơ sở khám, chữa bệnh có tiêu cực để có hướng xử lý kịp thời. Theo tính toán thì trong năm 2012 sẽ chưa tính đến chuyện tăng mức đóng BHYT.

Nguồn www.chinhphu.vn