(NTO) Điểm nổi bật trong chiến dịch năm 2011, đó là đã thu hút được sự quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương; sự tham gia, phối hợp, hỗ trợ của các ngành, đoàn thể như: Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, các cơ quan truyền thông của tỉnh như: Báo Ninh Thuận, Đài PT-TH và hàng chục lượt cán bộ y tế có trình độ chuyên môn thuộc đội dịch vụ lưu động của tỉnh; lực lượng chuyên trách, cộng tác viên dân số của 29 xã trong địa bàn chiến dịch cùng tham gia làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, cung cấp dịch vụ bằng nhiều hình thức như: tuyên truyền trực tiếp tại nhà, thông qua đài, báo; tuyên truyền nhóm nhỏ ở các cụm dân cư; tổ chức các đợt sinh hoạt văn nghệ và các lượt chiếu phim video cho bà con xem…
CTV dân số hướng dẫn và cấp thuốc cho phụ nữ thực hiện KHHGĐ. Ảnh: Diễm My
Trong những ngày chiến dịch diễn ra, Ban chỉ đạo Chiến dịch còn chú trọng đến công tác giám sát, đánh giá hoạt động của chiến dịch. Thông qua các đợt giám sát đã giúp cho các huyện, thành phố kịp thời chỉ đạo để các xã khắc phục những vướng mắc, phát sinh trong chiến dịch. Nhờ vậy, 100% bà mẹ mang thai, các đối tượng khi đến các cơ sở y tế để thực hiện KHHGĐ đều được các y, bác sĩ khám và chăm sóc tận tình, những người mắc bệnh đều được chữa trị và cấp thuốc miễn phí. Bên cạnh đó, việc cấp phát các tài liệu truyền thông như tờ rơi, áp phích, các khẩu hiệu cổ động cho chiến dịch còn được các địa phương đưa đến khắp các địa bàn triển khai chiến dịch, giúp cho người dân hiểu biết thêm về mục đích của chiến dịch nên đa số đã phấn khởi và chủ động tham gia, nhờ đó mà chiến dịch đã đạt được kết quả. Qua một năm triển khai chiến dịch, đã có 2.493 trường hợp thực hiện các biện pháp tránh thai lâm sàng, đạt 88,2% chỉ tiêu kế hoạch; 17.868 cặp vợ chồng được cấp phát, sử dụng thuốc viên uống tránh thai và bao cao su; đã khám phụ khoa cho 11.716 phụ nữ, đạt 106,5%; điều trị phụ khoa cho 7.689 người, chiếm 93,76%. Ngoài ra, còn tổ chức thực hiện các kỹ thuật xét nghiệm, soi tươi 4.396 cas, đạt 97,6% so với kế hoạch chiến dịch năm đề ra. Chiến dịch năm nay đã thực hiện được dịch vụ kỹ thuật xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung (paps). Một số huyện làm tốt công tác tuyên truyền về phòng chống nhiễm khuẩn đường sinh sản cho chị em trong độ tuổi sinh đẻ có chồng về xét nghiệm paps. Điều đáng mừng là năm nay đa số các địa phương không còn tình trạng chạy theo hình thức mà chủ yếu tập trung vào chiều sâu với những biện pháp nâng cao chất lượng dịch vụ SKSS/KHHGĐ.
Tuy nhiên, cũng theo đồng chí Trương Văn Thọ cho biết, để công tác chăm sóc SKSS/KHHGĐ thật sự hiệu quả trong thời gian tới cần phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Ngoài kinh phí đã được phân bổ của tỉnh, các địa phương cần hỗ trợ đầu tư thêm kinh phí truyền thông, cho đối tượng chấp nhận các biện pháp tránh thai lâm sàng trong chiến dịch... Đồng thời, ngành cũng đã kiến nghị lên Tổng cục Dân số-KHHGĐ giao chỉ tiêu về các biện pháp tránh thai theo đặc thù và nhu cầu của tỉnh (tăng chỉ tiêu về thuốc tránh thai, cấy tránh thai và giảm chỉ tiêu về triệt sản, dụng cụ tử cung). Cần có chế độ thù lao hợp lý cho cán bộ chuyên trách, cộng tác viên/tuyên truyền viên Dân số- KHHGĐ trong thời gian triển khai thực hiện chiến dịch.
Xuân Bính