Cứ mạnh dạn "gõ cửa" cuộc đời !

Đào Thị Bích Vân sinh ra và lớn lên tại Ninh Thuận. Hiện nay, Vân đang học năm 4, ngành Đô thị học thuộc Trường Đại học KHXH&NV TP. Hồ Chí Minh.

(NTO) Có thể gặp cô sinh viên nhỏ nhắn này ở nhiều chương trình tình nguyện của các tổ chức phi chính phủ. Cô bạn đã giành được nhiều học bổng của các tổ chức trong và ngoài nước. Năm 2011, Vân được Công ty Bayer Việt Nam phong danh “Đại sứ môi trường” và là một trong hai sinh viên được đại diện giới trẻ Việt Nam tham dự chuyến du khảo sinh thái ở Leverkusen (Đức). Hiểu biết, năng động và sâu sắc là những mỹ từ mà mọi người luôn dành cho Vân. Phóng viên Báo Ninh Thuận đã có cuộc trò chuyện với cô gái thú vị này.

Bích Vân (phải) thí nghiệm công nghệ nano tại Leverkusen - Đức.

Gõ thì cửa sẽ mở

Xin chào Bích Vân, được biết Vân là một sinh viên học giỏi 12 năm liền ở trường phổ thông, vì sao Vân không chọn một ngành học Kinh tế như xu hướng của xã hội hiện nay mà lại chọn ngành Đô thị học?

Đơn thuần khi nộp đơn vào ngành này mình chỉ hình dung nó là một ngành học mới, cơ hội việc làm sẽ mở hơn so với các ngành khác. Hơn nữa tính mình thích bay nhảy nên hy vọng ngành học sẽ giúp mình thỏa mãn được sở thích này. Sau này, khi học sâu vào chuyên ngành, mình càng lúc càng thích ngành học này, vì không chỉ mình được học nhiều, tìm hiểu nhiều mà đây còn là một ngành học liên ngành ứng dụng. Tức là có thể vận dụng kiến thức tổng quát về tự nhiên, văn hóa - xã hội để phân tích và đề xuất các giải pháp cho đô thị. Mình luôn tự hào mình là khóa đầu tiên của ngành học này ở Việt Nam.

Vân đang tham gia những tổ chức tình nguyện nào? Lý do vì sao Vân tham gia nhiều hoạt động tình nguyện?

Mình hiện đang là tình nguyện viên của Habitat for Humanity Vietnam (một tổ chức phi chính phủ hỗ trợ gia cư), và tham gia làm thiện nguyện viên của một số chương trình hỗ trợ phát triển cộng đồng. Trước đây, khi mới vào năm nhất đại học, mình luôn nghĩ rằng đời này chẳng ai cho không ai cái gì. Nhưng sau khi nhận được học bổng đầu tiên của Viethope, mình nhận được cơ hội trò chuyện với các thiện nguyện viên của Viethope. Mình nhận ra rằng “những cánh cửa chưa mở là những cánh cửa ta chưa gõ” vì thế mà sau này mình đã tham gia rất nhiều các chương trình thiện nguyện.

Ấn tượng của Vân về chuyến du khảo sinh thái ở Đức (Field trip to Germany)? Tác động của chuyến đi đối với bạn?

Chuyến đi từ ngày 15/10 - 22/10/2011. Trong suốt hành trình chuyến du khảo và những ngày ở lại tại Đức, mình được cùng các bạn đại sứ đến từ các quốc gia khác tham gia nhiều hội thảo và tham quan nhiều địa điểm cụ thể như: Trung tâm truyền thông của Bayer- BayKomm, Phòng thí nghiệm Baylab Baykomm, Trụ sở ban quản lý rác thải thành phố Leverkusen (AVEA), tàu Max Pruss trên sông Rhine, xe buýt Lumbricus.

Nơi để lại ấn tượng sâu sắc nhất là chuyến xe buýt Lumbricus (ecobus) đây là lớp học môi trường dành cho trẻ em. Xe được trang trí với những hình ảnh vui nhộn màu sắc bắt mắt. Bên trong xe có đầy đủ bàn ghế, sách vở, và nhiều trang thiết bị máy móc dạy học hiện đại. Sau khi tìm hiểu một số kiến thức về môi trường, chuyến xe sẽ đưa các bạn nhỏ đến sông suối, đầm lầy, rừng để khám phá hệ động vật, thực vật, đất, nước… và làm nhiều bài tập thú vị như kiểm tra chất lượng nguồn nước, chất lượng không khí, đo tiếng ồn của các khu vực trong thành phố. Vì rất ấn tượng với mô hình giáo dục môi trường này mà từ lúc ở Đức trở về, mình luôn suy nghĩ cách triển khai được mô hình này về Việt Nam, có thể không thể nhiều nhưng 1, 2 chiếc điển hình cũng có thể mở đầu cho một chương trình giáo dục môi trường mới.

Bích Vân (bìa phải) trong chuyến du khảo sinh thái tại quê nhà Ninh Thuận

Mình cũng nghĩ là sẽ rất khó khăn khi đưa mô hình này về Việt Nam vì chi phí cho một chuyến xe như vậy là rất cao. Ở vị trí là một sinh viên, mình chưa thể tự mình trang trải cho những chi phí này được. Mình đang suy nghĩ về việc xin tài trợ từ các tổ chức phi chính phủ và các đơn vị, các cơ quan. Mình vẫn luôn hy vọng có thể làm được điều này.

Luôn nhớ về quê hương !

Khi Vân đi xa Ninh Thuận thì cảm nhận và suy nghĩ về quê hương có gì khác trước đây?

Mỗi năm mình chỉ được về quê một hai lần nhưng mình luôn theo dõi từng bước phát triển của nơi "chôn nhau cắt rốn". Từ lúc cầu Đạo Long chưa xây cho đến lúc hoàn thành, rồi quá trình phát triển của Ninh Thuận. Lúc trước, mình chỉ nghĩ đơn giản Ninh Thuận là nơi gần gũi, nơi mình được trải qua những ngày Tết, những ngày hè với bà nội, với họ hàng. Sau này khi vào đại học, được học về Đô thị học, và tham gia hai kỳ hội trại sinh thái của chương trình Đại sứ môi trường 2010 và 2011 tại Ninh Thuận, được đi đến những nơi mà trước đây mình chưa có dịp được đến như Vườn Quốc gia Núi Chúa, biển Bình Tiên, vịnh Vĩnh Hy… thì mình có thêm một số cảm nhận khác, và một góc nhìn khác về quê hương của mình. Ninh Thuận đang có một cơ hội phát triển rất lớn về du lịch và kinh tế. Tuy nhiên em nghĩ rằng chúng ta cần cân nhắc kỹ về phát triển và bền vững. Việc khai thác du lịch tại các bãi biển nói chung luôn gắn với bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học tại khu vực này.

Vân đã có kế hoạch khi ra trường chưa?

Mình dự định sau khi hoàn tất chương trình cử nhân sẽ tiếp tục học lên cao học về Phát triển Đô thị Bền vững (Sustainable Urban Development) tại Đại học Việt Đức. Mình cũng hy vọng trong thời gian sắp tới, khi hoàn tất chương trình học, mình có được một cơ hội được làm việc ở quê hương Ninh Thuận để hiểu rõ hơn về vùng đất "chôn rau cắt rốn" của mình.

Xin cảm ơn bạn !