Năm 1986 nhà văn Đoàn Giỏi khi về Gò Công với tôi đã chỉ chỗ Nhà Mát (nhà nghỉ của Công sứ Pháp) ngày trước trên bãi biển và nói: Mùa hè 1944 mình ra đây chơi. Bãi biển đông đúc sớm chiều có người đi vớt dầu, vớt “của” của người Nhật bị đánh chìm ngoài khơi dạt vào. Một chiếc ghe vớt được một quả thủy lôi (về tháo thuốc nổ, cưa đôi làm chảo luộc tôm) cập bãi. Người trên ghe sợ sệt chỉ ra biển: “Nó đó! Nó còn ngoài đó!”. Mọi người ngạc nhiên hỏi: “Cái gì? Tàu lặn hả?”. Bởi mọi người đều thấy một vật đen dài nổi trên đầu sóng nhấp nhô, ngoài xa.
– Tàu lặn đâu mà tàu lặn! Con thuồng luồng đen thui dài hơn chiếc ghe.
Lúc bấy giờ tôi nghĩ nó là con hải xà, chứ thật ra nó là con khủng long, hoặc rồng biển đó thôi.
Và nhà văn Đoàn Giỏi giải thích tiếp: Con rồng ta vẫn hình dung hay bắt gặp trong tranh cổ, tượng đá, khắc chạm trên bia, ở cột kèo các cung điện chùa chiền chỉ là con vật tưởng tượng. Tuy nhiên có một loài bò sát vừa sống được dưới nước vừa bay được trên không, các nhà động vật học thế giới vẫn gọi là rồng hoặc khủng long thì đã bị tuyệt diệt, may ra chỉ còn những mẩu xương hóa thạch thôi.
Hình rồng thời Lê sơ.
Con rồng Việt Nam là tiền thân của con rắn biển, tục thờ cúng rắn là tín ngưỡng của người Việt cổ. Những ngư dân Giao Chỉ xưa đã xăm mình hình con giao long để rắn biển tưởng đồng loại không xâm phạm đến. Và thuyền đi sông, đi biển của họ cũng chạm hình rồng, có vẽ mắt, vẽ đuôi để được bình yên khi vượt biển, thuồng luồng không làm dông bão nhấn chìm. Và truyền thuyết “con Rồng, cháu Tiên” cũng xuất phát từ huyền thoại Lạc Long Quân lấy bà Âu Cơ…
Một con sông lớn ở nước ta, sông Mê Kông, được nhân dân đặt tên sông Cửu Long tức Chín Rồng. Ở đây hình tượng rồng đã gắn bó trực tiếp với thiên nhiên, là biểu tượng trực tiếp của sông nước. Những địa danh Long An, Long Hải, Long Khánh, Long Xuyên, Vĩnh Long, Long Thành... đều dính dáng đến đất Cửu Long. Có lẽ vua Gia Long đã đặt những tên ấy để tăng thêm uy thế của mình chăng?
Và từ xa xưa kể từ Hùng Vương dựng nước qua các triều đại phong kiến, nhằm đề cao uy quyền của các con trời, nên việc đặt những vật dụng quanh mình của vua đều dùng từ Long: Long bào là áo thêu rồng, Long câu là ngựa vua, Long cổn là triều phục của vua, Long đình là sân rồng, sân chầu, Long giá là xe vua đi, Long huyệt là huyệt tốt có khí mạnh của rồng, Long nhan là mặt vua, Long sàng là giường vua nằm, Long thể là thân mình của vua, Long tu: râu rồng, râu vua, Long vương - Long quân: vua dưới thủy tề, Long thuyền: thuyền vua đi, Long môn: cửa vua ra vào…
Và trong sổ tay của Đoàn Giỏi, anh còn ghi: ngày 17-11-1970 một đài phát thanh của Mỹ đưa tin: “Một con hải vật, chết nổi lên, trôi vào bang Massachusetts nặng ước lượng 30 tấn, giống như con lạc đà không chân, đầu rất bé. Đó là một loài rắn biển sống trong hang dưới đáy đại dương rất sâu. Mỹ đã mời các nhà sinh vật và hải dương học các nơi đến nghiên cứu”. Cuối cùng dòng tin có buông một câu: “Có thể con rắn biển này chết vì những cuộc thí nghiệm hạt nhân dưới nước chăng?”.
Trước đó có một tác giả người Pháp Robert Lesève trong cuốn “Năm năm vòng quanh thế giới trên một chiếc tàu đánh cá thu” có mô tả đầy đủ về con rắn biển mà ông ta đã tình cờ bắt gặp. Con rắn này dài độ 20m, ông ta đã liều lĩnh lặn xuống chụp hình, quay phim. Dường như nó bị chân vịt một chiếc tàu nào chém bị thương. Và theo ông có lẽ con rồng phương Đông trên các sông biển là hình ảnh cách điệu hóa của loại rắn biển này.
Con rồng tre là vở kịch của Nguyễn Ái Quốc viết năm 1922 nguyên văn bằng tiếng Pháp Le Dragon de Bambou. Người viết vở kịch này ngay trước khi vua bù nhìn Khải Định và Phạm Quỳnh sang Pháp bán máu 10 vạn thanh niên làm bia đỡ đạn và sang Paris dự triển lãm thuộc địa do thực dân Pháp tổ chức tại cảng Marseille, nhằm vạch trần bộ mặt bán nước của vua quan nhà Nguyễn. Vở kịch có nội dung: Có những khúc tre thân hình cong queo, những người chơi đồ cổ nước ta lấy về đẽo gọt thành con rồng. Đó là một thứ đồ trang trí để ở tủ chè, phòng khách. Là rồng nhưng chỉ là một đoạn tre. Là một khúc tre nhưng hãnh diện có tên và mang hình dáng rồng. Tuy vậy nhưng chỉ là một con quái vật đầu khủng long, mình sấu vô dụng.
Năm 1965 có nhà nghiên cứu gặp Bác ở Bảo tàng Cách mạng Việt Nam xin vở kịch này. Bác suy nghĩ một lúc và đùa vui:
– Các chú muốn nghiên cứu vở kịch Con rồng tre phải không?
– Thưa vâng ạ!
– Thế các chú chờ cách mạng Mỹ thành công, lúc ấy sang Mỹ mà tìm!
Lúc bấy giờ ngỡ rằng Bác nói vui, nhưng năm 1969 Bác qua đời, nhân lễ tang Bác, các lãnh tụ cộng sản, quốc vương và quốc trưởng, tổng thống nhiều nước đến dự. Đồng chí Gớt Hôn, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Mỹ mới cho các đồng chí ở viện bảo tàng biết: “Hồi ấy có một đồng chí cộng sản người da đen ở Mỹ - không rõ tên, xin Nguyễn Ái Quốc kịch bản ấy, Bác chỉ còn bản thảo viết tay bằng tiếng Pháp, trong đấy có bút tích của Tiến sĩ luật Phan Văn Trường hiệu đính. Bác tặng luôn cho đồng chí đó!”…
Phủ Đầu Rồng trước kia chính là Dinh Độc Lập và hôm nay ta gọi là Hội trường Thống Nhất. Đầu tiên đây là phủ toàn quyền Đông Dương có tên là Dinh Norodom, xây năm 1868 do kiến trúc sư Hermitte thiết kế, xây gần 2 năm mới xong. Sau Hội nghị Genève 1954, trở thành Phủ Tổng thống của Ngô Đình Diệm. Một ngày mùa xuân tháng 2-1962, phủ này bị ném bom hư hỏng nặng, Ngô Đình Diệm cho xây lại mới hoàn toàn và đổi tên là Dinh Độc Lập. Dinh được khởi công ngày 1-7-1962, đến ngày 31-10-1966 mới hoàn tất. Đây là công trình của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ - khôi nguyên giải La Mã. Dinh có 5 tầng gồm 100 phòng, mỗi phòng đều bài trí, trang hoàng với những nét riêng. Trên chiếc “ngai vàng” của Nguyễn Văn Thiệu, hai tay gác trên hai đầu rồng nên các ký giả Sài Gòn lúc bấy giờ gọi châm biếm là Phủ Đầu Rồng.
Tại nơi đây ngày 30-4-1975 đánh dấu một sự kiện lịch sử, ngụy quyền sụp đổ và lá cờ đỏ sao vàng của Tổ quốc ta tung bay rực rỡ. Và tháng 12-1975 tại nơi đây diễn ra hội nghị hiệp thương thống nhất đất nước sau bao hy sinh xương máu của nhân dân ta. Dinh Độc Lập, Phủ Đầu Rồng được mang tên Hội trường Thống Nhất là vậy.
Nguồn Báo SGGP Online