Thêm ngành, thêm chỉ tiêu
Thông tin từ Hội đồng tuyển sinh ĐH Quốc gia TPHCM cho biết, năm 2012 tổng chỉ tiêu dự kiến khoảng 13.600 (năm 2011 là 13.420 chỉ tiêu), đồng thời sẽ có thêm nhiều ngành mới được tuyển sinh. Theo PGS-TS Hồ Thanh Phong, Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế cho biết, năm 2012 trường tuyển thêm 2 ngành học mới: ngành dược (50 chỉ tiêu) và ngành kỹ thuật tài chính - quản lý rủi ro (30 chỉ tiêu).
Trong khi đó, Trường ĐH Khoa học xã hội - Nhân văn tuyển mới ngành ngữ văn Ý với 50 chỉ tiêu. Trường ĐH Khoa học tự nhiên tuyển mới ngành kỹ thuật hạt nhân (khối A). Trường ĐH Kinh tế - Luật sẽ tuyển mới ngành kinh doanh quốc tế (tuyển khối A và D1). Trường ĐH Bách khoa vốn có định hướng đẩy mạnh đào tạo sau ĐH và giảm dần đào tạo ĐH nhưng vẫn tiếp mở thêm 2 chuyên ngành mới: Ngành hóa dược (thuộc nhóm ngành công nghệ hóa - thực phẩm - sinh học) và kỹ thuật thiết kế (thuộc nhóm ngành cơ khí - cơ điện tử). Trường dự kiến tuyển 3.950 chỉ tiêu, tăng 50 chỉ tiêu so với năm trước.
Thí sinh thi vào Trường Đại học Kiến trúc TPHCM đang làm bài thi môn vẽ.
Dù tỷ lệ sinh viên trên giảng viên còn ở mức khá cao, 50,8 sinh viên/giảng viên, diện tích đất chỉ có 1,05 ha nhưng năm nay Trường ĐH Tài chính Marketing tiếp tục đăng ký mở thêm 3 ngành là kinh doanh quốc tế (các chuyên ngành thương mại quốc tế, quản trị kinh doanh quốc tế); kinh doanh bất động sản (với các chuyên ngành kinh doanh bất động sản, quản trị bất động sản); quản trị khách sạn (các chuyên ngành quản trị khách sạn - nhà hàng, quản trị dịch vụ giải trí, quản trị kinh doanh lữ hành).
Trong năm 2011, trường tăng 1.200 chỉ tiêu (hệ ĐH tăng 700 chỉ tiêu, hệ CĐ tăng 500 chỉ tiêu). Và theo như thông tin tuyển sinh mà trường thông báo, dự kiến năm nay trường sẽ tăng khoảng 400 chỉ tiêu.
Trong khi đó, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM dự kiến tăng khoảng 800 chỉ tiêu ĐH và 200 chỉ tiêu hệ CĐ so với năm 2011 (chỉ tiêu năm 2012 của trường là 4.900). Bên cạnh đó, trường này cũng dự kiến mở hai ngành mới là công nghệ kỹ thuật điện - điện tử và công nghệ kỹ thuật môi trường.
Cùng với những trường nói trên, một số trường ĐH vừa được nâng cấp từ CĐ lên ĐH như Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, ĐH Đồng Nai, ĐH Công nghệ Đồng Nai, Trường ĐH Tài nguyên Môi trường TPHCM… cũng dự kiến tuyển sinh hệ ĐH từ 600 – 2.000 chỉ tiêu.
Có đảm bảo được chất lượng?
Theo Bộ GD-ĐT, năm nay tổng chỉ tiêu tuyển sinh ĐH-CĐ dự kiến khoảng 576.000 (tăng khoảng 28.000 chỉ tiêu so với năm 2011). Như vậy, mức tăng chỉ tiêu trong năm 2012 có giảm so với những mùa tuyển sinh gần nhưng thực tế vẫn tiếp tục chạy theo số lượng khi có sự mất cân đối ở việc xác định tổng chỉ tiêu tuyển mới và cả chỉ tiêu ở từng trường, từng nhóm ngành.
Trong tổng số chỉ tiêu năm 2012, chỉ tiêu nhóm ngành kinh tế - tài chính - ngân hàng chễm chệ ngôi đầu với 184.300 chỉ tiêu. Kế đến là nhóm ngành kỹ thuật - công nghệ 172.800 chỉ tiêu, nhóm ngành sư phạm 54.600 chỉ tiêu, nhóm ngành khoa học tự nhiên và xã hội nhân văn 51.800 chỉ tiêu, nhóm ngành nông - lâm - ngư 43.200 chỉ tiêu, nhóm ngành y dược 40.300 chỉ tiêu và nhóm ngành nghệ thuật - thể dục thể thao 29.000 chỉ tiêu.
Nhìn vào cơ cấu chỉ tiêu của các nhóm ngành sẽ thấy rõ nhóm ngành kinh tế vẫn ở thế thượng phong khi chiếm tới gần 32% tổng chỉ tiêu của cả nước. Sự mất cân đối trong tuyển sinh đã dẫn đến chênh lệch trong cán cân ngành nghề đào tạo lẫn nguồn nhân lực cho xã hội trong tương lai. Kết quả vài mùa tuyển sinh gần đây cho thấy nhóm ngành kinh tế đã chiếm tới trên 27% trong tổng số thí sinh trúng tuyển vào các trường. Con số này đã vượt mục tiêu mà Chính phủ đặt ra “đến năm 2020 nhóm ngành kinh tế - luật chiếm 20% sinh viên theo học”.
Nghiêm trọng hơn, cũng theo mục tiêu của Chính phủ “đến năm 2020 nhóm ngành khoa học cơ bản phải đạt 9% lượng sinh viên đăng ký theo học” nhưng hiện nay số sinh viên theo học chưa đạt tới 3%. Bên cạnh đó, những ngành thuộc khối nông - lâm - ngư, cơ khí dù èo uột qua mỗi mùa tuyển sinh gần đây nhưng dường như các trường lẫn cấp quản lý vẫn chưa đưa ra được giải pháp để khuyến khích người học.
Một chuyên gia đào tạo của ĐH Quốc gia TPHCM phân tích: “Chỉ tiêu năm nay Bộ GD-ĐT giao cho trường tự xác định nhưng tất cả đều phải chờ bộ đồng ý. Mặt khác, sự mất cân đối giữa số lượng với các điều kiện đảm bảo chất lượng trong tuyển sinh hiện nay vẫn chưa giải quyết được. Dù bộ đã giao các trường thực hiện “3 công khai” nhưng mới chỉ là làm để đối phó. Do đó, nếu các trường có khai man về cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên… thì mọi chuyện cũng đã rồi”.
Thực tế, trong đợt kiểm tra 24 trường mới đây, Bộ GD-ĐT đã công bố có tới 41 ngành không có tiến sĩ (điều kiện tối thiểu khi mở ngành đào tạo), 12 ngành không có tiến sĩ và thạc sĩ, thậm chí chưa có giảng viên cơ hữu. Thế nhưng nhiều năm liền những trường nói trên, trong đó có trường đến 7 ngành không có tiến sĩ nhưng vẫn được duyệt mở ngành và chỉ tiêu liên tục tăng qua các năm.
Một khi ưu tiên cho số lượng thì vấn đề xem nhẹ điều kiện đảm bảo chất lượng (cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên, uy tín – thế mạnh giảng dạy của trường) trong đào tạo là tất yếu. Bộ GD-ĐT đã siết lại quy trình mở ngành, xác định chỉ tiêu nhưng thiết nghĩ sự cần thiết vẫn là điều chỉnh lại cơ cấu chỉ tiêu cho phù hợp với chiến lược phát triển ngành nghề của đất nước.
Nguồn Báo SGGP Online