Giáo dục kỷ luật tích cực cho học sinh: “Thuốc” đề kháng với áp lực cuộc sống

Cái chết đau lòng vì tự tử của một nữ sinh THPT tại tỉnh Thái Bình những ngày giáp Tết đã lại một lần nữa xới lên tiếng chuông báo động về tình trạng dễ nảy sinh tâm lý tuyệt vọng, bế tắc dẫn đến những hành vi tiêu cực trong một bộ phận thanh thiếu niên hiện nay.

Trách nhiệm của cô giáo đến đâu, lỗi của HS ở chỗ nào… đó là những điều mà các cơ quan chức năng sẽ làm rõ. Câu chuyện xảy ra đang để lại cho biết bao người mối lo lắng, trăn trở về phương pháp giáo dục hiện nay ở các nhà trường…

Kỷ luật hay tự kỷ luật?

Trở lại câu chuyện thương tâm của nữ sinh nói trên để hiểu thêm rằng, trong nhà trường - một xã hội hiện đại thu nhỏ hiện nay - cũng có không ít nguy cơ tiềm tàng mà nếu những người tham gia không có kiến thức đầy đủ, không làm chủ được bản thân sẽ dễ bị tác động. Theo thông tin được phản ánh trên báo chí, trong giờ học, cô giáo ở một trường THPT tại tỉnh Thái Bình đã yêu cầu những em có điểm chưa đạt yêu cầu phải chép phạt nhiều lần một bài tập. Một trong những HS có học lực khá của lớp phản đối hình thức này, nhưng bị cô mắng, trong giây phút bồng bột, ức chế đã chạy ra khỏi lớp, nhảy từ trên tầng cao xuống đất. Theo dư luận phản ánh thì hình thức này được cô giáo sử dụng nhiều lần. Có HS trong lớp đã từng bị cô bắt chép phạt đến hơn 180 lần.

Giờ học tại Trường THPT Đinh Tiên Hoàng. Ảnh: Trung Kiên

Đây không phải là trường hợp HS đầu tiên biểu hiện tâm lý tuyệt vọng, bế tắc khi gặp phải những tình huống "có vấn đề" trong cuộc sống. Dư luận dường như không mấy bất ngờ trước những thông tin về vụ tự tử ở nơi này, nơi khác sau mỗi kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ bởi những áp lực về điểm số từ phía gia đình, người thân...

Học trò mắc lỗi là chuyện thường xảy ra ở nhà trường. Vấn đề là ở chỗ giáo viên (GV), người lớn làm gì để các em tự nhận thức được khuyết điểm một cách "tâm phục, khẩu phục" để tiến bộ. Thế nhưng, dường như điều này không mấy được quan tâm. Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng việc thúc đẩy khả năng tự kỷ luật trong HS và cả người lớn trong xã hội Việt Nam đang là vấn đề nan giải. Trong trường học, HS thường không có quyền tham gia hoặc có ý kiến với nội quy học đường mà chính các em là người thực thi. Từ lâu nay, ở nhà, ở trường hay ngoài xã hội, hầu hết mọi người vẫn theo đuổi triết lý giáo dục kiểu "răn dạy". HS, con cái, trẻ nhỏ, người ít tuổi hơn… mặc định là đối tượng phục tùng và tuân thủ những gì thầy cô giáo, cha mẹ, người lớn… yêu cầu, cho dù chúng có ý kiến riêng và có khả năng làm khác đi để đạt hiệu quả hơn. Khi bị áp đặt kỷ luật, đến một "ngưỡng" nào đó, các em dễ nảy sinh tâm lý chống đối, hung hăng, thách thức, nói dối, lo sợ hoặc rơi vào trạng thái bi quan, nảy sinh hành vi tiêu cực.

Giáo dục kỷ luật tích cực: Cần cho cả thầy và trò

Kết quả khảo sát HS và kinh nghiệm quản lý tại trường THPT Đinh Tiên Hoàng hơn hai chục năm qua của TS Nguyễn Tùng Lâm, đã cho thấy, dù ở đâu, kỷ luật áp đặt cũng chỉ tạo ra ở HS những hành vi nghiêm trọng hơn. Rõ ràng, trừng phạt không phải là biện pháp giáo dục hiệu quả nhất. Cách tốt hơn là để các em tự quyết định hình thức kỷ luật với bản thân. Để "trị" bệnh hút thuốc lá vốn phổ biến với HS của trường, Ban giám hiệu trường Đinh Tiên Hoàng cho các em đăng ký tự cai nghiện và kiểm soát việc hút thuốc lá của các em tại một góc trong trường với cam kết hút với số lượng giảm dần. Nếu không thực hiện được cam kết, các em phải tự quyết định hình thức kỷ luật cho bản thân bằng cách lựa chọn làm một số việc có ích cho tập thể (dọn phòng học, làm vệ sinh trường lớp…). Những chuyển biến của HS cho thấy việc để HS chủ động tham gia kiểm soát bản thân, tự chịu trách nhiệm với hành vi của mình rõ ràng hiệu quả hơn là áp đặt, cấm đoán.

Nhận thức được vai trò của phương pháp giáo dục kỷ luật tích cực trong nhà trường hiện nay, Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Tây đã thí điểm đưa nội dung này vào hoạt động giáo dục cho sinh viên. Ông Ngô Văn Vụ, Hiệu trưởng nhà trường cho rằng việc này thực sự cần thiết bởi không ít giáo viên hiện nay vẫn quan niệm, khi HS mắc lỗi thì chỉ có cách giáo dục duy nhất, hiệu quả nhất là trừng phạt. Điều này do hai nguyên nhân: giáo viên chưa hiểu được tâm lý lứa tuổi HS "trong xã hội mở" hiện nay và coi nhẹ kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ.

Theo đó, khung chương trình phương pháp kỷ luật tích cực ngành sư phạm đã được xây dựng dành cho sinh viên năm thứ 2 bậc cao đẳng. Kết quả thí điểm cho thấy, những chuyển biến về nhận thức không chỉ có ở sinh viên theo học mà cả với GV khi tiếp cận với cách thức giáo dục HS, nhất là với những HS "có cá tính". Đó là việc áp dụng các biện pháp giáo dục HS mà không dùng đến bạo lực, quan tâm đến diễn biến tâm lý, lứa tuổi HS để có cách thuyết phục, giáo dục các em tự giảm thiểu những hành vi không phù hợp. Các GV và sinh viên khi được hỏi đều thừa nhận, những người được tiếp cận phương pháp kỷ luật tích cực có thể xử lý, giải quyết các tình huống sư phạm tốt hơn những người không được tham gia. Quá trình đi thực tập tại nhiều trường phổ thông trên địa bàn TP Hà Nội, đã có nhiều sinh viên vận dụng linh hoạt phương pháp này nên cảm hóa được HS; thậm chí, cùng một tình huống sư phạm nhưng có sinh viên còn giải quyết hợp lý hơn cả GV. Điều ấy cho thấy hiệu quả và sự cần thiết của việc nhân rộng phương pháp này cho cả thầy và trò. Áp lực từ cuộc sống hiện đại, nhiều phức tạp; sự căng thẳng nảy sinh từ việc dạy, việc học trong nhà trường có thể sẽ được "hạ nhiệt" đáng kể.

Nguồn Báo Hànộimới