Dư âm đẹp từ Câu chuyện văn hóa

Những đề tài nóng hổi được phản ánh dưới góc nhìn trực diện, thẳng thắn... là cảm nhận chung của khán giả về các phóng sự, chuyên đề văn hóa phát sóng trong Câu chuyện văn hóa (11h thứ 7 hàng tuần trên VTV1).

Lên sóng từ đầu năm 2011, đề cập đến những thông tin văn hóa nóng hổi, hấp dẫn trong nước và quốc tế, Câu chuyện văn hóa mang tính bình luận sắc sảo, mổ xẻ các sự kiện văn hóa ở các góc độ khác nhau. Không gò bó trong không gian hẹp của trường quay, biên tập viên chương trình linh hoạt dẫn dắt tại hiện trường, lôi kéo người xem bằng những vấn đề văn hóa gần gũi với cuộc sống qua ngôn ngữ văn phong hiện đại. Xen kẽ là cuộc trò chuyện ngắn gọn, súc tích và cởi mở giữa phóng viên và khách mời ngay tại hiện trường.

Các PV, BTV chuyên mục Câu chuyện văn hóa đang chuẩn bị cho một cảnh quay.

Sự mới lạ về ý tưởng, cầu kì trong cách dàn dựng, trau chuốt lời bình của Câu chuyện văn hóa cũng đồng nghĩa với việc nhóm làm chương trình vất vả hơn. Những tên tuổi BTV, phóng viên văn hóa như Kiều Trinh, Việt Cường, Việt Hùng, Bích Vân, Hoàng Trang, Minh Trang... đã trở nên thân thuộc với khán giả.

Series phóng sự về sự lệch chuẩn, thiếu giá trị văn hóa cũng như thẩm mĩ trên thị trường âm nhạc trong nửa cuối tháng 7 vừa qua là một dấu ấn đáng nhớ của đội ngũ phóng viên văn hóa Ban Thời sự. Phóng sự phê phán trực diện thảm họa trong âm nhạc Việt Nam, thẳng thắn chỉ ra từng đối tượng cụ thể và hậu quả trước mắt của vấn nạn này đối với một nền văn hóa, tạo ấn tượng với người xem truyền hình.

Cũng với chủ để về âm nhạc, Câu chuyện văn hóa mang tên: Loạn danh hiệu hoàng tử, công chúa trong nhạc nhẹ lên sóng trong tháng 10 cũng đã gióng lên hồi chuông cảnh báo cho các ca sĩ trẻ về sự phù phiếm, huyễn hoặc mình trước ánh hào quang của sự nổi tiếng.

Sự trăm hoa đua nở của các cuộc thi hoa hậu hiện nay cũng được Câu chuyện văn hóa nhìn nhận một cách thẳng thắn. Chương trình cũng đặt ra, nên chăng, phải có những cam kết hậu Hoa hậu giữa người chiến thắng với Ban tổ chức. Bởi nếu không, công chúng sẽ coi các cuộc thi hoa hậu là sự kiện văn hóa... làm bàn đạp cho một số người đẹp mà thôi.

Câu chuyện Siêu mẫu Việt Nam - liệu có những tiêu chuẩn cụ thể nào? tiếp tục cảnh báo thực trạng loạn danh xưng này. Thật hài hước trước hiện tượng những cô gái từ quê lên phố, sau một đêm thi bỗng trở thành siêu mẫu. Thậm chí, người ta còn gắn danh hiệu siêu mẫu cho cả những cô bé mới bước vào tuổi thành niên, bởi đơn giản là cô bé đó đẹp và có một chiều cao ít người có.

Còn nhiều hơn nữa những chuyên đề thú vị mà Câu chuyện văn hóa đã ghi điểm với khán giả. Chuyện về vịnh Hạ Long, về sự ảnh hưởng của nền âm nhạc, điện ảnh Nga Xô viết với Việt Nam, về các nhà văn trẻ, những mâu thuẫn, chênh lệch trong đầu tư, quảng bá phim của các hãng phim nhà nước với tư nhân, vạch ra những giải pháp cứu cánh đồng hoang của điện ảnh... Câu chuyện nào cũng được kể một cách logic, khúc chiết, đi đến tận cùng của vấn đề. Để rồi, từ lâu, không ít khán giả ở mọi lứa tuổi đã tạo cho mình thói quen chờ xem Câu chuyện văn hóa vào thứ Bảy hàng tuần trên VTV1.

Nguồn VTV.VN