Rộn ràng không khí tết
Tại TPHCM và nhiều tỉnh thành, vào dịp lễ tết, thường có các đoàn lân - sư - rồng chuyên nghiệp tham gia biểu diễn trong các chương trình nghệ thuật, hoạt động giao lưu, liên hoan, phục vụ công chúng tại các sân khấu ca múa nhạc. Chính các màn biểu diễn có chất lượng cao về kỹ thuật, nghệ thuật trình diễn đã góp phần tạo nên không khí đua tài sôi nổi giữa các đoàn lân - sư - rồng, đồng thời là tiền đề thúc đẩy sự phát triển loại hình văn hóa thể thao này trên cả nước, giúp các đoàn hoạt động ngày càng tiến bộ, tự tin tham gia tranh tài tại các cuộc thi mang tầm quốc gia, quốc tế.
Múa lân, một nét đẹp văn hóa luôn thu hút đông đảo người xem. Ảnh: T.L.M.
Tại Đại hội Thể thao châu Á trong nhà (Asian Indoor Games lần thứ II) tổ chức ở Macau, đoàn lân - sư - rồng Việt Nam lần đầu tiên tham dự đã giành huy chương đồng. Đến Asian Indoor Games III - tổ chức tại Hà Nội, đoàn lân - sư - rồng Nhơn Nghĩa Đường của TPHCM xuất sắc mang về chiếc huy chương vàng đầu tiên ở bộ môn này cho Việt Nam.
Tài năng cộng với nỗ lực học tập và sự khổ luyện của các đoàn lân - sư - rồng chuyên nghiệp hiện được giới chuyên môn đánh giá cao, đã góp phần làm đa dạng các hoạt động biểu diễn nghệ thuật phục vụ nhu cầu giải trí, thư giãn của công chúng, nhất là vào những ngày xuân đón tết. Võ sư Lưu Kiến Xương, Trưởng đoàn lân - sư - rồng Nhơn Nghĩa Đường cho biết: “Chúng tôi kiên quyết không cho phép bất cứ thành viên nào tách ra lập nhóm đi “làm ăn” kiểu chụp giựt, gây phản cảm. Với các đoàn lân - sư - rồng chuyên nghiệp tại TPHCM, đa số đều có những quy định ràng buộc giúp các thành viên trong đoàn phát huy khả năng và tránh tham gia vào những nhóm múa lân dạo nhếch nhác, nhiều tai tiếng”.
Biến tướng các nhóm múa lân dạo
Trước sức hấp dẫn của loại hình biểu diễn này, rất nhiều nhóm, đội múa sư tử, múa lân tự phát xuất hiện, kinh doanh ăn theo dịp lễ tết. Các nhóm tự phát thường đi khoảng trên dưới chục thanh thiếu niên, nắm quyền và dẫn đầu là một, hai đàn anh biết chút nghề múa lân, đánh trống. Dụng cụ, đạo cụ được dùng là các loại trống, lân, phục trang thần tài, thổ địa… đã cũ, được thuê mướn với giá rẻ.
Thần tài, ông địa và đội múa dạo trên đường phố xuất hiện nhiều vào dịp tết. Ảnh: An Dung
Ngay từ những ngày trước tết, nhiều nhóm múa lân dạo đã rảo các ngõ ngách, len lỏi vào từng xóm, con hẻm, ghé vào từng nhà để múa lân xin tiền.
Trong những ngày cận tết và trong tết, thường ở các khu vực có vỉa hè rộng rãi, hễ nhà nào mở cửa là các “ông” sấn thẳng vào nhà, múa vài đường, tiện tay dán cho gia chủ một “lá bùa” tài lộc và đợi cho tiền. Nhà dân hay cho 20.000 - 50.000 đồng, còn các cửa hàng kinh doanh thường bị ép phải rộng tay chi 100.000 - 200.000 đồng thì nhóm múa lân mới chịu đi. Tệ hại hơn, trong lúc trống chiêng đùng đùng, “ông thần tài”, “ông địa” xông vào nhà múa, vái loạn xạ, chỉ cần gia chủ mất cảnh giác, một số vật dụng có giá trị để trên bàn, trên tủ, trong tầm tay với… sẽ bay mất tăm theo nhóm múa lân. Tết năm ngoái, đã xảy ra tình trạng không ít trường hợp các gia chủ bị mất của kiểu này.
Chị Thanh Loan nhà ở quận 3 cho biết: “Người thân của tôi từng bị mất 2 điện thoại vì để mấy “ông thần tài”, “ông địa” cải trang vô nhà múa may quay cuồng. Chưa kể, một ngày có đến mấy nhóm lân dạo đi múa, thế nên, hễ nghe tiếng trống lân từ xa là tôi đã đóng cổng”. Anh Huy, chủ quán cà phê La Vang trên đường Lương Hữu Khánh, quận 1, rất sợ màn biểu diễn luân phiên của các nhóm lân dạo. Nhớ năm rồi, nhóm đầu tiên vừa múa xong, anh vui vẻ lì xì 200.000 đồng. Tuy nhiên, nhóm này vừa đi thì nhóm khác lại tới múa, có ngày đến 3 nhóm lân dạo ghé quán. Khi chủ quán từ chối, nhóm lân dạo cù cưa bảo thần tài đến nhà mà đuổi là không tốt, phải cho múa và cái kết là phải lì xì mới được.
Tất cả các nhóm múa lân dạo này thành lập tự phát, không được cấp phép hoạt động biểu diễn, nhưng vẫn tồn tại và biến tướng thành kiểu xin tiền đểu đi kèm nạn trộm cắp. Do không có cơ quan chủ quản nào quản lý cụ thể nên khi có vụ việc xảy ra rất khó kiểm soát tình hình và không truy được tông tích, danh tánh từng nhóm múa lân dạo. Theo thông tin từ Sở VH-TT-DL, đơn vị chịu trách nhiệm đối với hoạt động của các nhóm lân này thuộc về từng địa phương…
Thiết nghĩ, chính quyền địa phương cần tăng cường kiểm tra, giám sát để kịp thời ngăn chặn những biến tướng của hoạt động văn hóa ngày tết này.
Nguồn Báo SGGP Online