Đặc biệt, tràn lan trên thị trường nhiều loại mứt không có nhãn mác và các phụ gia, hóa chất theo quy định không được phép sử dụng trong sản xuất thực phẩm đang “ồ ạt” được tận dụng làm tăng màu sắc thực phẩm Tết.
Tràn lan mứt không nguồn gốc
Dạo quanh các chợ lớn trong TPHCM như Bình Tây (Q.6), An Đông (Q.5), Tân Bình (Q.Tân Bình)…, các quầy bánh mứt đã phong phú nhiều mặt hàng và số lượng. Tuy nhiên, nhiều loại bánh mứt hầu như không hề có nhãn mác, không tên tuổi, địa chỉ cơ sở sản xuất, thành phần hay hạn sử dụng.
Mứt không nhãn mác tràn lan tại chợ Bình Tây - Ảnh: Nguyên Mi
Khi chúng tôi thắc mắc về chất lượng và hạn sử dụng của mứt thì một chủ sạp ở chợ Bình Tây “vô tư” giải thích: “Mứt tết thì phải để ăn được tới Tết chứ. Qua Tết, thấy hư thì bỏ. Mứt nào lại không thế”.
Chủ sạp này còn khẳng định: “Đòi mứt đóng gói, nhãn mác như thế thì đi khắp chợ Bình Tây này không ai có đâu”.
Trong khi đó, một chủ sạp khác thì lại có cách xử lý theo kiểu khách muốn mứt có đóng hộp, nhãn mác thì sạp sẽ đóng hộp và bỏ nhãn mác vào. Các loại mứt có nhãn thì có chăng cũng chỉ là một tờ giấy nhỏ, in qua loa tên cơ sở sản xuất và tên loại mứt chứ không có thông tin gì thêm.
Theo kinh nghiệm của người kinh doanh bánh mứt thì mứt mua biếu mới phải cầu kỳ bao bì, gói hộp như thế, chứ mua để nhà ăn thì khách hàng nên mua mứt cân ký cho tiết kiệm.
“Cô có mua mứt đóng hộp, có bao bì thì cũng mứt này họ (cơ sở kinh doanh) lấy về rồi đóng gói, vô bao, in thêm thông tin vô chứ đâu”, một chủ sạp còn “mách nước”.
Trái cây làm mứt được một cơ sở sản xuất nhỏ lẻ ngâm trong những thùng dung dịch
phụ gia lớn để tẩy trắng - Ảnh: Nguyên Mi
Như thế, nguồn gốc, địa chỉ cơ sở sản xuất mứt thì đúng là người mua không biết đâu mà lần. Còn chất lượng mứt thì được đảm bảo bằng chính quầy sạp bán. Nhiều hộ kinh doanh mứt tại chợ Bình Tây đều khẳng định với khách rằng mứt sạp bán là mứt làm thủ công tại nhà nên đảm bảo chất lượng (?!).
“Đậm đặc” phụ gia độc trong thực phẩm
Kiểm nghiệm ATVSTP các tỉnh phía nam của Viện Vệ sinh y tế công cộng TPHCM, cho kết quả: Hơn 58,6% các mẫu thịt và sản phẩm từ thịt được kiểm nghiệm không đạt chỉ tiêu ATVSTP. Trong đó, tại TPHCM, gần 89% mẫu thịt heo được kiểm nghiệm có chứa vi khuẩn E.coli (loại vi khuẩn gây bệnh cơ hội và là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tiêu chảy - PV) và tụ cầu vàng S.aureus (gây nhiễm khuẩn); 83,3% mẫu chà bông có chứa vi khuẩn E.coli, đường hóa học cyclamate.
Long An, Tây Ninh, Tiền Giang, Cần Thơ, Bến Tre: 100% các mẫu thịt heo được kiểm nghiệm đều phát hiện vi khuẩn E.coli và tụ cầu vàng S.aureus.
Một số thực phẩm chế biến phục vụ cho Tết tại TPHCM: 80% mẫu lạp xưởng sử dụng phẩm màu vượt mức cho phép, nhiễm độc chì và các chỉ tiêu vi sinh khác; 76,67% mẫu xúc xích thanh trùng, jambon có vi khuẩn E.coli, S.aureus, chì; 20/21 (95,24%) mẫu chả lụa chứa hàn the, chì và một số phụ gia vượt chỉ tiêu cho phép của Bộ Y tế…
Gần 61% sản phẩm bia, rượu được kiểm nghiệm có hàm lượng aldehyde, mentanol, ethanol, độ a-xít vượt quá quy định.
Hơn 91% mẫu rau được kiểm nghiệm bị phát hiện có chất tẩy trắng, vi khuẩn E.coli, natri benzoate…
Kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm phục vụ Tết Nhâm Thìn, thanh tra Sở Y tế TP.HCM cho biết có đến hơn 61% cơ sở vi phạm. Đây là các cơ sở sản xuất các loại mặt hàng mứt, lạp xưởng, hạt dưa, rau câu.
Trong đó, 9 trong 21 mẫu thực phẩm được thanh tra kiểm nghiệm có các phụ gia, hóa chất không được phép sử dụng trong sản xuất thực phẩm. Cụ thể: 4 mẫu mứt có chứa chất tẩy trắng công nghiệp; 4 mẫu chả có chứa hàn the và 1 mẫu rau câu chứa đường hóa học.
“Đa phần các trường hợp vi phạm đều rơi vào các cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ, làm thủ công và có tính thời vụ chỉ mở ra làm vào dịp Tết”, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chi cục phó Chi cục ATVSTP TPHCM đánh giá.
Điều đáng lo ngại là các loại bánh mứt sản xuất thủ công này chiếm thị phần rất lớn trên thị trường thực phẩm Tết.
Ông Vũ Trọng Thiện, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh y tế công cộng TPHCM, cảnh báo khả năng mất ATVSTP trên địa bàn các tỉnh phía nam trong dịp Tết Nhâm Thìn là khá lớn.
Ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP TPHCM, cảnh báo việc sử dụng hóa chất, phụ gia giống như “con dao 2 lưỡi”, dùng đúng mục đích thì hiệu quả, nhưng cố tình lạm dụng sai mục đích thì hậu quả khôn lường.
“Những hóa chất phụ gia có khả năng gây ngộ độc mãn tính, tích lũy từ 10 - 30 năm, thậm chí còn ảnh hưởng đến đời sau, nên khó có thể thống kê được đã có bao nhiêu trường hợp bị ảnh hưởng do sử dụng thường xuyên chất phụ gia”, ông Hòa nói.
Thế nhưng, hiện nay, các loại phẩm màu, phụ gia thực phẩm lẫn công nghiệp rất dễ dàng mua tại các điểm bán hóa chất, đặc biệt là chợ Kim Biên (TPHCM).
Các hộ kinh doanh này phần lớn không có kiến thức gì về hóa chất mà chỉ bán theo kiểu “bán lâu quen dần”. Hỏi thêm về chất lượng, mức độ an toàn khi sử dụng thì người bán cũng chỉ lờ mờ giải thích: Hàng đóng sỉ lâu nay chẳng thấy ai phàn nàn hay khiếu nại gì cả (?!).
Phụ gia, hóa chất công nghiệp và thực phẩm được bày bán lẫn lộn tại chợ Kim Biên
- Ảnh: Nguyên Mi
Nguồn www.dantri.com.vn