Tăng cường trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đối tượng chính sách

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp trung ương yêu cầu Bộ Tư pháp, ngành Tư pháp trong thời gian tới cần tăng cường đầu tư cho các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý cho người nghèo và các đối tượng chính sách.

Theo Phó Thủ tướng, Bộ Tư pháp phải tạo được bước đột phá trong việc nâng cao chất lượng đào tạo luật và đào tạo các chức danh tư pháp; tiếp tục thực hiện quy hoạch xây dựng các trường trung cấp luật, đặc biệt cho các vùng miền có khó khăn về nguồn nhân lực. Phối hợp với Bộ Nội vụ, các Bộ, ngành và địa phương bổ sung lực lượng, tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ pháp chế Bộ, ngành và cán bộ tư pháp địa phương, đặc biệt là cán bộ tư pháp - hộ tịch cấp xã đáp ứng yêu cầu đặt ra trong thời kỳ phát triển mới của đất nước.

 
Ảnh minh họa.

Chủ động tham mưu sửa đổi, bổ sung Hiếp pháp phù hợp với tình hình mới

Bên cạnh đó, Bộ phải chủ động tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đề xuất những kiến nghị cụ thể với Đảng và Nhà nước về việc sửa đổi, bổ sung Hiếp pháp phù hợp với tình hình mới, đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững nền kinh tế thị trường, tiếp tục đẩy mạnh xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, bảo đảm tính ổn định lâu dài của Hiến pháp.

Cùng với đó, Bộ phải nghiên cứu một cách cơ bản sửa đổi các đạo luật mang tính xương sống của cả hệ thống pháp luật như Bộ luật Dân sự, Bộ Luật Hình sự... phù hợp với những định hướng lớn sửa đổi, bổ sung Hiến pháp.

Thực hiện một cách quyết liệt và hiệu quả việc cải cách thủ tục hành chính trong xây dựng pháp luật và các lĩnh vực quản lý của Ngành Tư pháp, đảm bảo thủ tục hành chính đơn giản, thông thoáng, dễ tiếp cận, giảm chi phí cho xã hội...

Cải cách cơ bản về tư pháp

Bộ Tư pháp phải tạo ra được bước cải cách cơ bản về tư pháp theo tinh thần Nghị quyết số 49 - NQ/TW của Bộ Chính trị; củng cố, tăng cường hiệu quả các hoạt động bổ trợ tư pháp; đề xuất cơ chế phù hợp để thúc đẩy mạnh mẽ việc xã hội hóa các hoạt động này theo đúng tinh thần cải cách tư pháp, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của xã hội.

Đồng thời, nghiên cứu, tiếp tục hoàn thiện thể chế và nâng cao hiệu quả quản lý các hoạt động hành chính tư pháp, làm cho công tác này ngày càng phục vụ đắc lực và là chỗ dựa tin cậy cho việc hoạch định và phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương và trên phạm vi cả nước, góp phần giữ vững ổn định, trật tự an toàn xã hội.

Nguồn www.chinhphu.vn