Cận cảnh cầu làm bằng cỏ tại Peru

Mỗi năm một lần, hàng ngàn người Andean tại miền nam Peru lại cùng nhau bện cỏ để làm lại cây cầu Qeswachaka.

Nằm cách Cuzco khoảng 100 km, cầu Qeswachaka (hay còn gọi là Q’eswachaka hoặc Keswachaka) là một phần của hệ thống những cây cầu cỏ, được xây dựng từ thời đế chế Inca, nhưng đến nay, nó đã trở thành cây cầu cỏ duy nhất còn sót lại trên thế giới.

Cầu Qeswachaka dài khoảng 36,6 m, bắc qua sông Apurimac ở độ cao 67 m. Cây cầu được làm từ cỏ và chỉ đủ rộng để cho một người đi qua. Vào thời cổ đại, những cây cầu giống như Qeswachaka luôn có người theo dõi và những người qua cầu bị giám sát chặt chẽ.

Được làm từ một loại cỏ địa phương có tên Qoya nên các sợi dây thừng làm nên cây cầu Qeswachaka chỉ có độ bền trong vòng một năm và mỗi năm những người dân ở đây phải xây dựng lại cầu một lần.

Vào tuần thứ hai của tháng Sáu hằng năm, khoảng 1.000 người đàn ông và phụ nữ tới từ những cộng đồng Andean khác nhau như Huinchiri, Quehue, Choccayhua, Ccolana và Chaupibanda...tập trung tại cây cầu Qeswachaka để chuẩn bị cho lễ dựng lại cầu.

Những ngọn cỏ Qoya dài, mảnh sẽ được kết thành 6 sợi dây cáp dài sau đó được buộc vào thân cây bạch đàn chôn ở hai đầu cầu.

Không phải những người dân ở đây không thể xây dựng một cây cầu hiện đại hơn để thay thế nhưng đối với người Andean (người Peru cổ), dựng lại cầu cỏ Qeswachaka như một cách để họ làm lễ kỷ niệm và tôn vinh tổ tiên Inca của mình cũng như duy trì những truyền thống mà cha ông để lại.

Dưới đây là một số hình ảnh bện cỏ làm lại cầu của người Andean:

 
Những cây cỏ Qoya được chuốt thẳng bằng đá cuội.
 
 
Những người phụ nữ đảm nhận công việc bện cỏ.
 
 
6 sợi dây cáp to được làm từ cỏ Qoya.
 
 
Những người đàn ông khiêng sợi dây cáp to làm từ cỏ.
 
 
Sau đó, họ buộc chặt dây vào những cây bạch đàn ở hai đầu cầu.
 
 
Phần việc tiếp theo là đan cỏ qua khung dây được dựng sẵn.
 
 
Công việc này cũng do nam giới đảm nhận.
 
 
Cây cầu cỏ chỉ đủ một người qua.
Nguồn VietNamNet