Thông tin này được nhóm chuyên gia nước ngoài thuộc Trung tâm Cứu hộ Linh trưởng Cúc Phương (thuộc Dự án bảo tồn linh trưởng Việt Nam) chính thức xác nhận hôm qua, ngày 22/11. Kết luận được đưa ra dựa trên các kết quả nghiên cứu về hình thái học, sinh thái học, phân tích ADN xác của một cá thể chồn được đưa về Trung tâm vào tháng 1/2006.
Xác cá thể chồn Melogale cucphuongensis sp. nov được phát hiện tại Cúc Phương vào năm 2006 (Ảnh: Elke Schwierz)
Cá thể này có đặc điểm kiểu hình giống với cá thể chồn bị thương nặng được các cán bộ kiểm lâm Cúc Phương phát hiện và đưa về Trung tâm gần một năm trước đó. Nhóm nghiên cứu nghi ngờ cá thể này có thể thuộc về một loài mới, do nó có hình dáng hộp sọ và nhiều điểm khác biệt so với các loài khác thuộc chi Melogale đã được công bố. Tuy nhiên, quá trình nghiên cứu bị đứt đoạn do con chồn chết và xác không được giữ lại mà phải xử lý theo quy định hiện hành.
Kết quả nghiên cứu trên đã được công bố trên tạp chí quốc tế chuyên ngành Der Zoologische Garten với tên của 5 nhà khoa học là Tilo Nadler; Ulrike Streicher; Clara Stefen; Elke Schwierz và Christian Roos.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hiền, điều phối viên Dự án Bảo tồn linh trưởng Việt Nam, một số đặc điểm để nhận dạng loài Melogale cucphuongensis sp. nov là phần đầu và thân có màu nâu đậm, vùng trán có lốm đốm chấm trắng, các sợi ria dài, từ cổ đến vai là một dải sọc trắng viền đen nổi bật. Lông bụng có màu nhạt hơn nhiều so với lưng.
Hiện tại, loài chồn này mới được ghi nhận có mặt ở Vườn Quốc gia Cúc Phương (Ninh Bình) và chưa có số liệu chính thức về số lượng cá thế. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng đặt giả thiết chúng có vùng phân bố giống với chồn bạc má Bắc (M. moschata) và chồn bạc má Nam (M. personata).
Mới đây, Tạp chí National Geographic đã công bố danh sách những loài động vật kỳ lạ nhất mới được phát hiện năm 2011, trong đó Việt Nam có 3 loài: dơi 'quỷ', nhái bay ma cà rồng và rắn mắt ngọc.
Nguồn VietNamNet