Ðược mùa trong điều kiện khó khăn
Năm 2011 được đánh giá là năm tình hình thời tiết có nhiều diễn biến bất thường và phức tạp, đã ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất lúa. Ðầu năm, xảy ra khô hạn gay gắt trên diện rộng ở các tỉnh miền bắc và miền trung, nước mặn xâm nhập sâu tại đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL). Tiếp đến là lũ lụt lớn ở miền trung, triều cường tại miền nam, cho thấy biến đổi khí hậu đã làm ảnh hưởng đến diễn biến thời tiết. Phòng, chống thiên tai, đối phó dịch bệnh đã trở thành một thách thức lớn đối với sản xuất lúa và bà con nông dân.
Nông dân huyện Thới Lai (Cần Thơ) thu hoạch lúa.
Tuy vậy, năm 2011 lại là năm thắng lợi trên lĩnh vực sản xuất lúa, mang lại niềm vui lớn cho người nông dân. Diện tích gieo trồng lúa cả nước cả năm 2011 đạt hơn 7,6 triệu ha, tăng hơn 140 nghìn ha so với năm 2010, năng suất bình quân đạt khoảng 55 tạ/ha, sản lượng đạt 42,2 triệu tấn, cao nhất từ trước đến nay và cao hơn 2,2 triệu tấn so với năm 2010, vượt hơn một triệu tấn so với chỉ đạo của Chính phủ. Theo đánh giá của Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN và PTNT), mặc dù diện tích canh tác lúa hằng năm bị giảm do chuyển đổi mục đích sử dụng phi nông nghiệp, song do biết đưa ra các giải pháp đồng bộ như chỉ đạo các địa phương bố trí cơ cấu giống và mùa vụ phù hợp, nhằm né tránh thiên tai, dịch bệnh, tăng cường phòng trừ dịch bệnh, liên kết sản xuất, kinh doanh, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất lúa, nên không những tránh được thiệt hại mà còn nâng cao năng suất lúa.
Vụ lúa đông xuân 2010-2011, diện tích lúa cả nước gieo cấy được 3.096 nghìn ha, năng suất trung bình đạt 63,2 tạ/ha; tăng một tạ/ha so với năm 2010; sản lượng thóc cũng tăng khoảng 360 nghìn tấn so với năm 2010. Trong vụ lúa này, Bộ NN và PTNT đã chỉ đạo các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng mở rộng diện tích trà xuân muộn, hạn chế trà xuân sớm, xuân chính vụ, tăng diện tích lúa lai, chuyển đổi cơ cấu giống, mở rộng diện tích lúa gieo thẳng nhằm tránh né rét đậm, rét hại kéo dài, khắc phục diện tích mạ bị chết rét, bảo đảm tiến độ và hiệu quả sản xuất lúa. Ðối với các vụ tiếp theo, nhằm khắc phục thời gian sinh trưởng lúa vụ đông xuân 2010-2011 kéo dài do rét, các địa phương theo hướng dẫn, chỉ đạo cũng đã sử dụng các giống lúa có thời gian sinh trưởng ngắn ngày, tích cực chăm sóc, bón phân cân đối, tăng cường bón phân kali..., bảo đảm lúa sinh trưởng phát triển nhanh, trỗ, chín tập trung kịp thời gieo trồng vụ đông. Cũng trong năm 2011, do ảnh hưởng của các cơn bão số 2, 4 và 5, miền bắc đã có mưa lũ liên tục, kéo dài làm chậm tiến độ thu hoạch lúa. Tuy vậy trong vụ lúa hè thu, các địa phương miền bắc cũng đã gặt hái được những kết quả đáng khích lệ. Riêng vụ này, với diện tích 2.144 nghìn ha, năng suất đã đạt 52 tạ/ha, sản lượng đạt 11,108 triệu tấn, tăng khoảng 935 nghìn tấn so với năm 2010. Hỗ trợ kịp thời cho bà con nông dân, ngành nông nghiệp đã tích cực chỉ đạo các địa phương thu hoạch nhanh diện tích lúa mùa, triển khai kế hoạch mở rộng diện tích cây vụ đông muộn như khoai tây, khoai lang, rau màu các loại; hướng dẫn thời vụ, cơ cấu gieo trồng cây vụ đông bảo đảm hiệu quả; chuẩn bị giống để gieo trồng và chủ động tưới tiêu kịp thời.
Tại các tỉnh miền nam, thực hiện chủ trương của Chính phủ tăng một triệu tấn gạo, các địa phương đã bảo đảm lịch thời vụ chặt chẽ, áp dụng cơ cấu giống phù hợp, tích cực chống hạn, chống mặn kịp thời, phòng chống dịch bệnh nhằm hạn chế thiệt hại cho sản xuất. Ðặc biệt, theo chỉ đạo của Bộ NN và PTNT, các địa phương đã mạnh dạn mở rộng 100 nghìn ha lúa vụ thu đông, Nhà nước hỗ trợ kinh phí gần 200 tỷ đồng để gia cố bờ bao, bơm tát nước, giống lúa cho các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) và các địa phương có diện tích lúa mở rộng. Cùng với phong trào xây dựng cánh đồng mẫu lớn, sản xuất lúa theo VietGAP... đã bảo đảm tăng năng suất, hạ giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm, thu hút các doanh nghiệp thu mua lúa, nâng cao lợi nhuận và đời sống của người nông dân. Vụ lúa thu đông năm 2011, các tỉnh vùng ÐBSCL diện tích đạt 670 nghìn ha, tăng khoảng 170 nghìn ha so với năm 2010, năng suất đạt 48,9 tạ/ha, sản lượng đạt gần 3,276 triệu tấn thóc, tăng khoảng 887 nghìn tấn so với năm 2010. Vụ lúa mùa với diện tích 1.768 nghìn ha, năng suất đạt 46,7 tạ/ha, sản lượng đạt 8,249 triệu tấn, tăng khoảng 33 nghìn tấn so với năm 2010. Vào dịp cuối năm 2011, các tỉnh ÐBSCL xảy ra lũ sớm, trên diện rộng đã làm nhiều đoạn đê bao bị vỡ, ảnh hưởng tới sản xuất, làm hàng nghìn ha lúa bị mất trắng do lụt. Ðể bảo đảm giữ vững sản xuất, Chính phủ đã hỗ trợ hơn 346 tỷ đồng để các địa phương mua giống, thiết bị phương tiện phòng, chống lũ lụt, giúp các địa phương ổn định sản xuất lúa. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cũng đã tích cực vào cuộc, nhằm ngăn chặn tình trạng thương lái ép giá nông dân, bán cho nông dân phân bón, thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng, đồng thời kêu gọi các nhà khoa học tham gia giúp sức, đồng hành với nông dân, cùng Nhà nước, nhà doanh nghiệp liên kết "bốn nhà", góp phần cho những mùa lúa bội thu.
Ðánh giá về những kết quả đạt được trên mặt trận sản xuất nông nghiệp nói chung và sản xuất lúa nói riêng, Bộ trưởng NN và PTNT Cao Ðức Phát khẳng định, năm 2011, nông nghiệp đã tăng đáng kể cả về năng suất, sản lượng và giá trị, kim ngạch xuất khẩu các loại nông, lâm, thủy sản đều tăng. Năm 2011 là năm được mùa lúa với sản lượng đạt cao hơn so với năm 2010, bảo đảm an ninh lương thực trong nước và thực hiện được chỉ tiêu xuất khẩu gạo. Ðể tạo tiền đề cho vụ lúa năm sau, Bộ NN và PTNT đã chỉ đạo các địa phương ngay từ lúc này cần tranh thủ thu hoạch nhanh diện tích lúa đã chín, chủ động xuống giống tập trung vụ đông xuân 2011-2012, bảo đảm thời vụ nhằm né rầy có hiệu quả. Chuẩn bị đầy đủ các loại vật tư nông nghiệp bảo đảm chất lượng phục vụ sản xuất, đồng thời hỗ trợ kịp thời những địa phương, hộ gia đình bị thiệt hại do thiên tai gây ra...
Xuất khẩu đạt kỷ lục và những thách thức mới
Ðạt được mốc kỷ lục mới với hơn 7,1 triệu tấn gạo xuất khẩu và quan trọng là người nông dân có lãi từ nghề trồng lúa, năm 2011 tiếp tục trở thành năm thành công đối với công tác xuất khẩu gạo của Việt Nam. Ngay từ đầu năm 2011, thị trường xuất khẩu gạo đã trở nên sôi động, nhưng cũng không ít những diễn biến phức tạp. Thị trường Phi-li-pin truyền thống và cũng là đối tác nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam đã có những thay đổi về chính sách và giảm khối lượng nhập khẩu; thị trường châu Phi và Trung Ðông bất ổn chính trị cũng đã làm giảm nhu cầu; một số quốc gia có gạo xuất khẩu đã "chen chân" vào thị trường sẵn có... Ðể luôn có thị trường, tìm kiếm các đối tác ổn định cho xuất khẩu gạo, Việt Nam đã nhanh chóng mở rộng, phát triển sang các thị trường tiềm năng như In-đô-nê-xi-a, Băng-la-đét, do đó ngay trong quý I-2011, sản lượng gạo xuất khẩu của nước ta đã đạt gần 1,85 triệu tấn với trị giá đạt hơn 884 triệu USD, tăng hơn 42% về số lượng và gần 46% về trị giá so với năm 2010. Mặc dù gặp khó khăn, song năm 2011, Việt Nam cũng đã đáp ứng xuất khẩu 860.000 tấn gạo sang Phi-li-pin. Bên cạnh các đối tác truyền thống, sau nhiều năm xuất khẩu bằng đường biên mậu, năm 2011, lần đầu tiên gạo Việt Nam đã chính thức xuất khẩu sang Trung Quốc khoảng 400.000 tấn gạo cao cấp, gạo thơm bằng đường chính ngạch. Ðây là cơ hội để gạo Việt Nam có thêm thị trường mới và ổn định ngay tại các nước láng giềng. Ðón bắt cơ hội này, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cũng dự kiến sẽ thành lập Câu lạc bộ Các nhà doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc để xúc tiến mạnh hơn vào thị trường nước này. Ðồng thời nhận định, đầu năm 2012, việc xuất khẩu gạo sẽ gặp đôi chút khó khăn nhưng sau đó sẽ đi vào ổn định. Năm 2011 Việt Nam đạt hơn 3,7 tỷ USD từ xuất khẩu gạo, một con số giá trị kim ngạch lớn nhất từ trước đến nay của ngành sản xuất lúa gạo và đây chính là một trong những cú huých quan trọng, mở ra cơ hội và triển vọng "vàng" cho tạo đà thành công trong xuất khẩu gạo của nước ta năm sau.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi như năng suất lúa tăng cao, một số thị trường được mở rộng, một số quốc gia có thế mạnh về xuất khẩu gạo đã suy giảm do kinh tế nội bộ là những khó khăn mới, cả chủ quan và khách quan đang tác động đến hoạt động xuất khẩu gạo của nước ta trong năm 2012. Ðó là sự tham gia xuất khẩu gạo trở lại của Ấn Ðộ, Pa-ki-xtan và Mi-an-ma, đã ít nhiều góp phần làm thay đổi tình hình giá gạo thế giới, theo chiều hướng giảm sâu, gây bất lợi cho gạo Việt Nam, nhất là các loại gạo ở cấp trung bình và thấp. Từ thực tế này, các chuyên gia nhận định, trong năm 2012, thị trường gạo thế giới có khả năng sẽ hình thành nên mặt bằng giá mới. Thực tế này đã chứng minh bằng việc thời gian qua, Việt Nam hầu như không có hợp đồng thương mại mới được ký thêm, một số nhà nhập khẩu chỉ tham khảo giá sau đó qua Ấn Ðộ, Pa-ki-xtan ký hợp đồng. Ðây cũng chính là một trong số các nguyên nhân làm cho việc xuất khẩu gạo của các doanh nghiệp Việt Nam chậm lại, gạo còn tồn kho nên không tiếp tục thu mua gạo thêm, khiến giá lúa và gạo nguyên liệu chế biến xuất khẩu giảm gây ra tâm lý không tốt cho nông dân. Cùng với đó là những khó khăn do hàng rào kỹ thuật ngày càng ngặt nghèo trên các thị trường thế giới, giá cả vật tư đầu vào và nông sản đầu ra sẽ tiếp tục biến động. Tuy nhiên, thời gian qua, gạo thơm Việt Nam đã chen chân vào nhiều thị trường. Do đó, đây là một lợi thế cần phát huy, thông qua việc tăng diện tích lúa thơm trong vụ đông xuân 2011-2012 và thu đông 2012. Từ giữa năm 2012, Việt Nam sẽ đẩy mạnh xuất khẩu gạo đồ. Trước đây, gạo đồ chất lượng cao do Thái-lan xuất khẩu chính, còn các nước Nam Á xuất khẩu gạo đồ có chất lượng thấp. Năm 2011, khi xuất khẩu thăm dò, gạo đồ Việt Nam được đánh giá cao. Nguyên liệu gạo đồ sử dụng lúa tươi để chế biến, dự kiến năm 2012, Việt Nam sẽ xuất khẩu khoảng 200.000 tấn nên cần một lượng lớn lúa tươi. Vừa qua, Tổng công ty Lương thực miền Nam cũng đã ký hợp đồng xuất khẩu sang Ma-lai-xi-a 300.000 tấn gạo, giao hàng đến cuối tháng 3-2012 nên cũng đã nâng khối lượng hợp đồng gối đầu từ năm 2011 sang 2012 lên 600.000 tấn gạo.
Các nhà quản lý nhận định, diễn biến thị trường năm 2012 sẽ không được thuận lợi như năm 2011 nhưng vẫn sẽ tiêu thụ hết lúa gạo và nông dân vẫn có mức lời từ 30% trở lên, qua đó cũng khuyến cáo nông dân không nên hoang mang bán tháo lúa hàng hóa, đặc biệt là lúc này, khi thị trường còn có những diễn biến chưa ổn định. Hiện tại Phi-li-pin là một đối tác lớn của gạo Việt Nam. Ngay đầu năm 2012, nước này sẽ nhập 850.000 tấn gạo, trong đó nhập khẩu trước 550.000 tấn, thời gian giao đến cuối tháng 3-2012. Ðây là một tin vui cho các nhà sản xuất và kinh doanh gạo Việt Nam. Mặt khác, trên thị trường thế giới, hiện gạo thơm của Việt Nam vẫn có hợp đồng và đang bán với giá cao hơn thời điểm trước đó.
Dưới sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, bằng nỗ lực và tiềm năng phát triển sẵn có, nông dân và các nhà kinh doanh lúa gạo nước ta đã có một năm được mùa lớn. Ðây cũng chính là động lực quan trọng, tạo điều kiện hỗ trợ, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người nông dân, từ đó thúc đẩy sản xuất lúa gạo phát triển ổn định và bền vững, mang lại hiệu quả cao.
Nguồn Báo Nhân Dân Online