Việc làm bền vững - Con đường thoát khỏi đói nghèo

Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), việc làm bền vững là cơ hội việc làm có năng suất, có mức thu nhập công bằng, bảo đảm an toàn ở nơi làm việc và bảo trợ xã hội về mặt gia đình. Thúc đẩy việc làm bền vững ở các quốc gia nói chung và ở Việt Nam nói riêng chính là con đường thoát nghèo và bảo đảm an sinh xã hội.

Hiện nay, trong mục tiêu chiến lược, chúng ta đã xác định việc làm bền vững là những cơ hội dành cho nam giới và nữ giới nhằm có được việc làm trong điều kiện tự do, bình đẳng bảo đảm và có phẩm chất về mặt con người.

 
Hiện nay, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 51,39 triệu người, tăng 1,97% so với năm 2010 - Ảnh minh họa

Việt Nam là 1 trong 2 quốc gia đầu tiên trên thế giới được ILO lựa chọn triển khai áp dụng bộ công cụ lồng ghép việc làm và việc làm bền vững của Liên Hợp Quốc (Tool Kit for mainsteaming Employment and Decent work) nhằm đánh giá mức độ lồng ghép việc làm và việc làm bền vững.

Ở Việt Nam, từ năm 2001 tới nay, chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm đã được xây dựng và triển khai qua hai giai đoạn 2001- 2005 và đến 2010, Chương trình đã có sự lồng ghép hiệu quả với các chương trình kinh tế xã hội khác đem lại hiệu quả trong tạo việc làm và đã góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động…

Những kết quả tích cực tạo nền tảng phát triển bền vững

Nhằm hỗ trợ tạo việc làm cho người lao động, Chính phủ đã thành lập Quỹ Quốc gia về việc làm (1992). Trong giai đoạn 2001-2010, với nguồn vốn bổ sung hàng năm từ Ngân sách Nhà nước, đến nay Quỹ Quốc gia về việc làm đã tích luỹ được trên 3.761 tỷ đồng và được phân bổ cho 63 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội. Ngoài ra, có 45 tỉnh, thành phố đã thành lập Quỹ việc làm địa phương với số vốn trên 950 tỷ đồng.

Song song với việc tạo việc làm trong nước, Việt Nam cũng đẩy mạnh hoạt động đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Thị trường nhận lao động Việt Nam ngày càng mở rộng, từ chỗ chỉ có 15 nước tiếp nhận lao động Việt Nam vào năm 1995 với 10.050 người, đến nay lao động Việt Nam đã có mặt trên 40 nước và vùng lãnh thổ với hơn 30 nhóm ngành nghề các loại, tập trung chủ yếu ở các nước, vùng lãnh thổ như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Malaysia, khu vực Trung Đông.

Riêng trong giai đoạn 2006-2010, đã đưa được 409 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng, trong đó, có trên 30 tỉnh, thành phố có trên 1 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài/năm, đem lại nguồn thu nhập góp phần giảm nghèo bền vững, đồng thời, tạo nguồn lao động có chuyên môn kỹ thuật cao khi về nước.

Nhằm nâng cao hiệu quả kết nối cung - cầu lao động, Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm đã hỗ trợ nâng cao năng lực hệ thống Trung tâm giới thiệu việc làm có trọng tâm, trọng điểm. Trong giai đoạn 2001-2005, các Trung tâm đã tư vấn và giới thiệu việc làm cho hơn 1,4 triệu lượt người. Tính chung cho cả giai đoạn 2006-2010, các Trung tâm tư vấn và giới thiệu việc làm cho khoảng 4,8 triệu lượt người.

Theo báo cáo Chiến lược phát triển kinh tế xã hội, đến tháng 12/2009, cả nước có 2.275 cơ sở đào tạo nghề, trong đó có 107 trường cao đẳng nghề, 264 trường trung cấp nghề, 864 trung tâm dạy nghề và trên 1 nghìn cơ sở dạy nghề tư nhân, góp phần nâng tỷ lệ lao động có tay nghề lên 25,7% (năm 2009).

Năm 2011, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 51,39 triệu người, tăng 1,97% so với năm 2010, trong đó lao động nam chiếm 51,6%; lao động nữ chiếm 48,4%. Lực lượng lao động trong độ tuổi lao động là 46,48 triệu người, tăng 0,12%. Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi năm 2011 là 2,27%, giảm so với năm 2010 (2,88%). Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi là 3,34%, giảm so với năm 2010 (3,57%).

Trong những năm qua, cải cách tiền lương đã và đang được triển khai thực hiện theo hướng tiền lương, tiền công ngày càng phản ánh giá trị sức lao động, xây dựng cơ chế tiền lương phù hợp với các mức thu nhập và có tính đến yếu tố lạm phát.

Theo đó, mức lương tối thiểu đã được điều chỉnh, tăng khoảng 20%/ năm trong giai đoạn 2008-2010. Cải cách tiền lương cũng điều chỉnh hai hệ thống mức lương tối thiểu vùng: mức thứ nhất được áp dụng đối với lao động Việt Nam làm việc cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế và cá nhân nước ngoài tại Việt Nam và mức thứ hai áp dụng đối với người lao động làm việc ở công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các tổ chức khác của Việt Nam có thuê lao động.

Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tính đến ngày 30/11/2011, tổng số người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế là 56 triệu người, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm 2010; số thu cả năm 2011 ước đạt hơn 106,3 nghìn tỷ đồng (tăng 13,91% so với năm 2010); giải quyết chế độ, chính sách cho hơn 6,3 triệu lượt người hưởng bảo hiểm xã hội...

Sau 1 năm thực hiện việc đăng ký và triển khai bảo hiểm thất nghiệp, đến ngày 30/12/2010, cả nước có 189.611 người đến đăng ký thất nghiệp, trong đó có 162.711 người nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp và có 156.765 người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp với tổng số tiền khoảng 550 tỷ đồng. Đây là một chính sách thiết thực, được sự đón nhận và đánh giá cao của người dân, doanh nghiệp cũng như xã hội.

Nhìn chung, những kết quả trên chính là tiền đề quan trọng góp phần đẩy mạnh tạo việc làm cho người lao động. Tính chung trong giai đoạn 2001-2010, thông qua các chính sách phát triển kinh tế xã hội và các chương trình, dự án hỗ trợ tạo việc làm của Chính phủ đã góp phần tạo việc làm cho 15,5 triệu lao động, trong đó giai đoạn 2006-2010 là trên 8 triệu lao động.

Bước sang giai đoạn 2011-2020, toàn cầu hoá và hội nhập kinh tế quốc tế đã trở thành xu thế khách quan chi phối sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia và quan hệ quốc tế, bắt nguồn từ quy luật phát triển của lực lượng sản xuất và phân công lao động quốc tế. Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội, thuận lợi to lớn đồng thời cũng phải đối mặt với những thách thức, khó khăn.

Trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020, chúng ta nhấn mạnh rằng “sự phát triển bền vững có mối quan hệ gần gũi với việc tạo việc làm và việc làm đầy đủ của lực lượng lao động”. Mặt khác, phát triển xã hội bền vững gồm có xóa nghèo và cải thiện chất luợng cuộc sống của con người và việc tạo ra việc làm năng suất là một công cụ để đạt được mục tiêu đó.

Nguồn www.chinhphu.vn