Trong tổng số 65 xã, phường, thị trấn của 7 huyện, thành phố, Ninh Thuận có 29 xã miền núi (14 xã đặc biệt khó khăn theo chương trình 135, 9 xã nghèo theo chương trình 20 của Chính phủ, trong đó có 5 xã nghèo vùng bãi ngang ven biển ). Dân tộc Chăm và Raglay chiếm 21,96% trên tổng số 615.632, dân tộc kinh 78%, còn lại là các dân tộc khác.
Chăm sóc vườn táo.
Ngoài điều kiện khí hậu, địa lý tự nhiên khắc nghiệt, thiếu đất, thiếu nước sản xuất, thiếu vốn và kinh nghiệm sử dụng đồng vốn, Ninh Thuận còn nhiều nguyên nhân dẫn đến cảnh nghèo khó như: Nguồn lực lao động chất lượng thấp, trình độ dân trí ở các vùng, miền chênh lệch nhau, tập quán sống còn nhiều tập tục lạc hậu, thiếu công cụ và tư liệu sản xuất, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, sinh hoạt thấp, ý thức tự lực, tinh thần phấn đấu vươn lên thoát nghèo của người dân chưa cao,… Thế nhưng, sau nhiều năm thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, màu xanh của lúa, bắp, ngô khoai và sức sống của các đàn gia súc, gia cầm đã hồi sinh, mang lại một sinh khí mới trên vùng đất khô cằn sỏi đá. Ninh Thuận đã và đang từng ngày đổi thay.
Đặc biệt, sau hơn 5 năm thực hiện chương trình giảm nghèo của Chính phủ (2006-2010), tỷ lệ hộ nghèo tỉnh Ninh Thuận đã giảm 10,24%. Từ 23.581 hộ nghèo năm 2006, đến cuối năm 2010 còn 15.057 hộ nghèo. Theo chuẩn hộ nghèo, cận nghèo của Thủ Tướng Chính Phủ giai đoạn 2011-2015, hiện nay tỉnh Ninh Thuận có 21.343 hộ nghèo và 14.013 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 10,16% tổng dân số cả tỉnh. Hàng chục các dự án giảm nghèo đã được đồng loạt triển khai với tổng nguồn lực được phối hợp, lồng ghép đầu tư cho các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo (2006- 2010) trên toàn tỉnh Ninh Thuận là 2.384,49 tỷ đồng.
Các hoạt động khuyến nông, khuyến ngư, khuyến lâm ở tỉnh Ninh Thuận chủ yếu là xây dựng các mô hình trình diễn về nông nghiệp và tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho nông dân . Thông qua các chương trình thâm canh, luân canh tăng vụ lúa xuân, vụ mùa và vụ đông, bắp lai, chăn nuôi đại gia súc, gia cầm gắn với trồng cỏ và cây ăn quả, nhiều hộ gia đình, nhiều địa phương ở Ninh Thuận đã thay đổi tập quán sản xuất cũ, lạc hậu, duy trì và phát triển các nghề truyền thống. Mặc dù các hộ nghèo vẫn còn trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước, nhưng thông qua chương trình đã giúp cho các hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số từng bước áp dụng tiến bộ kỹ thuật, phương pháp, cách làm mới vào sản xuất, tăng thêm thu nhập, tạm ổn định cuộc sống.
Theo ông Trần Văn Thể - Trưởng phòng Bảo trợ xã hội - Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Ninh Thuận: Trong 5 năm qua, Ninh Thuận đã thực hiện hơn 91 mô hình trình diễn đạt kết quả cao như: mô hình trồng lúa nước (đạt năng suất từ 40 – 52tạ/ha), bắp lai, trồng cỏ, bông vải, chăn nuôi dê bách thảo, gà thả vườn, cừu, sinh hoá bò lai sim,... Tỉnh cũng đã tổ chức hàng trăm lớp tập huấn nâng cao năng lực tại chỗ về khuyến nông, khuyến lâm cho cán bộ chuyên trách công tác giảm nghèo và cho nhân dân. Riêng 82 mô hình sản xuất nông nghiệp, nhà nước đã hỗ trợ 124,4 tấn lúa giống, 30,3 tấn bắp lai, 13,75 tấn đậu xanh; cung cấp 3006 cây giống ăn quả các loại, 979 con bò nái sinh sản, 175 con dê cừu giống và 7.000 con gia cầm; mua sắm 6 máy cày, 4 máy bơm nước, 94 công cụ sản xuất và 57 tấn phân bón cho18.444 lượt hộ gia đình diện nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn. Đến nay, trong dực án chương trình giảm nghèo, tỉnh đã đưa vào sử dụng 121 công trình hạ tầng cơ sở gồm: 24,38 km đường và 24 cầu cống, hệ thống thuỷ lợi nhỏ kéo dài thêm 5,641 km, năng lực tưới tiêu tăng thêm 622 ha ruộng lúa nước, 202 hộ được sử dụng điện quốc gia và 1.133 hộ được cung cấp nước sinh hoạt,…
Dự án mô hình giảm nghèo đặc thù “nuôi bò vùng khô hạn” đã được thực hiện ở huyện Thuận Bắc là một trong những mô hình đạt hiệu quả cao tại Ninh Thuận.Với kinh phí 600 triệu đồng, chương trình đã hỗ trợ mua bò sinh sản, bò vỗ béo cho 60 hộ gia đình tại 2 xã Công Hải và Lợi Hải (2006). Chương trình đã giúp thoát nghèo cho 45 hộ gia đình tại huyện Thuận Bắc. Thực hiện các mô hình vùng đặc thù, hỗ trợ 05 huyện thực hiện dự án nuôi bò đặc thù (huyện Thuận Bắc, Ninh Phước, Ninh Sơn, Thuận Nam. Ninh Hải); Năm 2007, mô hình chăn nuôi bò lại được tiếp tục triển khai tại thôn Hòa Thủy xã Phước Hải, huyện Ninh Phước (kinh phí 600 triệu đồng) và năm 2008 dự án lại được triển khai tại thôn Trà Giang 2 và thôn Trà Giang 4, xã Lương Sơn, huyện Ninh Sơn (kinh phí 500 triệu đồng) và năm 2010 dự án mô hình đặc thù chăn nuôi bò sinh sản và bò vỗ béo (kinh phí 500 triệu đồng) lại tiếp tục đạt hiệu quả cao ở xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải.
Hiện nay, hầu hết các chính sách hỗ trợ giảm nghèo sau khi được triển khai thực hiện, đều đã đạt được sự chuyển biến đáng kể về đời sống của người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa. Các mô hình khuyến nông, lâm, thủy sản chuyển đổi cơ cấu cây trồng tiếp tục trình diễn để nhân dân học tập và áp dụng vào sản xuất để nâng cao năng suất cây trồng. Công tác giao khoán khoanh nuôi, bảo vệ rừng tiếp tục được mở rộng.
Tại xã Phước Bình, huyện Bác Ái - huyện nghèo trong chương trình 30a (giảm nghèo nhanh và bền vững) của Chính phủ, 362 lượt người tham gia tập huấn khuyến nông, từng bước chuyển dịch cơ cấu cây trồng đạt hiệu quả. 02 mô hình thí điểm: Chăn nuôi gà thả vườn và heo địa phương đã được đông đảo người dân địa phương học tập. Phong trào hộ gia đình nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi đoàn kết giúp nhau xoá đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng đã sôi động hơn. Qua 2 năm thực hiện Nghị quyết 30a, với tổng kinh phí đầu tư là 150,621 tỷ đồng, đến cuối năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Bác Ái giảm xuống còn 46,36%, bình quân mỗi năm giảm trên 6,0%. Tuy huyện Bác Ái có nhiều nỗ lực thực hiện các chính sách giảm nghèo tổng hợp, kết hợp với thực hiện Nghị quyết 30a, nhưng tỷ lệ giảm nghèo đến năm 2010 vẫn chưa đạt được mục tiêu so với Đề án (dưới 40,0%). Tuy nhiên những kết quả trên cũng đã góp phần phát triển kinh tế xã hội của huyện nghèo Bác Ái.
Ông Ka-tơ Giám - nông dân sản xuất giỏi của xã Phước Tiến, huyện Bác Ái cho biết: “gia đình chúng tôi và bà con đồng bào Raglai ở đây đã khá lên nhiều so với trước. Giờ đây ai ai cũng định canh định cư, ham làm rẫy, làm ruộng và chăn nuôi bò chứ không ham uống rượu, du canh du cư như ngày xưa. Gia đình tôi đã xây được nhà, mua xe, nuôi con ăn học và còn có vốn liếng là đàn bò, ruộng lúa, bắp. Chúng tôi không để đất hoang như ngày xưa nữa…”
Trong 5 năm qua, Ninh Thuận đã có 225.000 hộ đăng ký thi đua danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi. Qua bình xét, đã có trên 120.000 hộ đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp.Vùng đất khô cằn sỏi đá đã và đang được phủ lên màu xanh của sự sống, một sự sống mãnh liệt.
Nguồn Báo điện tử Công Thương