(NTO) Nơi đầu tàu kinh tế
Năm 2011, mặc dù chịu ảnh hưởng rất lớn của tình hình khủng hoảng kinh tế toàn cầu nhưng Tp. Phan Rang-Tháp Chàm vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế ở mức hai con số, đời sống nhân dân được nâng lên. Điều này được minh chứng bằng việc số nhà đầu tư đến thành phố để tìm cơ hội đầu tư ngày càng nhiều, các doanh nghiệp đóng chân trên địa bàn mở rộng quy mô kinh doanh, sản xuất, nhiều dự án công trình lớn đang được triển khai xây dựng.
Trung tâm Tp. Phan Rang-Tháp Chàm. Ảnh: Văn Miên
Trong năm, nguồn vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế là 1.785 tỷ đồng, chiếm trên 71% tổng mức đầu tư toàn xã hội trên địa bàn thành phố; đó là chưa kể có 9 dự án được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư tại Phan Rang-Tháp Chàm, với tổng nguồn vốn là 385,7 tỷ đồng. Đồng chí Dương Ái Quân, Phó Bí thư Thường trực thành ủy cho biết: “Sức “hút” của Phan Rang-Tháp Chàm chính là được tỉnh chú trọng đầu tư phát triển mạnh về kết cấu tầng kỹ thuật đô thị, từng bước hoàn thiện theo hướng hiện đại. Từ một thị xã với điểm xuất phát thấp, sau 20 năm, Phan Rang-Tháp Chàm đã có một “cơ ngơi” khang trang, phát huy vai trò là đầu tàu kinh tế của cả tỉnh ”. Với chủ trương kết nối không gian tạo sự liên hoàn trong phát triển, thành phố đang thực hiện chủ trương mở rộng mạng lưới giao thông cho vùng ven đô. Chủ trương này được thể hiện rất rõ trong nhiệm vụ đầu tư xây dựng các công trình trong năm 2011. Hàng loạt các tuyến đường được khởi công nâng cấp, xây dựng mới, hiện đại, với kinh phí hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng như: Cầu An Đông, đường Yên Ninh, đường tránh quốc lộ 27, đường đôi phía Bắc, đường Nguyễn Văn Cừ - Nguyễn Thị Minh Khai, đường Hải Thượng Lãn Ông, đường vào vùng sản xuất của phường Văn Hải…. đi qua các xã, phường ven đô. Hệ thống giao thông chính phát triển, các tuyến đường trong các khu dân cư cũng được bê-tông hóa khang trang, tạo thuận lợi trong giao thương hàng hóa, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Các chỉ tiêu phấn đấu của Tp.Phan Rang-Tháp Chàm đến năm 2015: Tốc độ tăng trưởng kinh tế 19-20%; thu nhập bình quân đầu người 2.000 USD; thu ngân sách nhà nước 1.200 tỷ đồng; tỷ lệ lao động phi nông nghiệp 83,5%; tỷ lệ hộ nghèo 5%; 85% dân số cấp nước sạch; diện tích đất giao thông 19,83 m2/người; đất cây xanh đô thị 7 m2/người; tỷ lệ thu gom và xử lý rác thải 100%; có 10 tuyến phố văn minh đô thị.
Với định hướng quy hoạch phát triển thành phố cả về 3 hướng: Đông-Đông Bắc, phía Tây và vùng ven biển, thành phố đang hình thành nhiều khu đô thị mới, rõ nhất là khu đô thị phía Đông. Khu vực ven biển Bình Sơn-Ninh Chữ là trung tâm du lịch của cả tỉnh, với lợi thế này, thành phố đang đầu tư phát triển để hình thành khu đô thị biển. Tại đây nhiều khu du lịch được đầu tư lớn đã đưa vào sử dụng như: Hoàn Cầu, Đen Giòn, Sơn Long Thuận…; nhiều công trình mới như nhà chung cư, khu biệt thự cao cấp, nhà hàng, khu vui chơi giải trí đang được khởi công xây dựng như: Khu đô thị K1, khu Đô thị Biển Bình Sơn, Công viên Biển Bình Sơn; đặc biệt cuối năm 2011, Tập đoàn Truyền thông Thanh Niên đã khởi công xây dựng Nhà hát San Hô, với tổng mức đầu tư 10 triệu USD.
Đi đôi với phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị, thành phố thực hiện chủ trương xã hội hóa, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển mạng lưới chợ, khu thương mại, vì vậy đã kích thích các ngành kinh tế phát triển, nhất là ngành thương mại-dịch vụ. Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 815 doanh nghiệp và 6.231 hộ được cấp giấy phép kinh doanh, với tổng nguồn vốn kinh doanh hàng nghìn tỷ đồng. Theo đó, trong năm 2011, tổng giá trị các ngành kinh tế của thành phố đạt gần 3.700 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 15,1%; thu nhập bình quân đầu người là 1.000 USD/năm. Trong đó, thương mại-dịch vụ phát huy vai trò đột phá chiếm 59,3% cơ cấu nền kinh tế, công nghiệp- xây dựng chiếm 28,6%, nông nghiệp-thủy sản chiếm 12,1%. Tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt gần 639 tỷ đồng, chiếm trên 55% nguồn thu ngân sách của cả tỉnh, tỷ lệ hộ nghèo còn 6,87%. Nhìn vào bức tranh tổng thể phát triển kinh tế -xã hội trong năm 2011, Tp. Phan Rang-Tháp Chàm vẫn giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của cả tỉnh, tạo tiền đề cho các địa phương khác cùng phát triển.
Thành phố Phan Rang - Tháp Chàm trên đường đổi mới. Ảnh: Duy Anh
Thành phố công viên trong tương lai
Căn cứ quy hoạch tổng thể phát triển thành phố đến năm 2020, Phan Rang-Tháp Chàm sẽ mở rộng không gian đô thị kết nối với thị trấn Khánh Hải và Đầm Nại (Ninh Hải) để xây dựng khu đô thị ven biển, mở rộng hướng Nam phát triển, 2 bên bờ sông Dinh. Như vậy, Phan Rang-Tháp Chàm trong tương lai sẽ là thành phố có 3 mặt tiền: mặt tiền khu đô thị -nông thôn, mặt tiền sông và mặt tiền biển. Hướng phát triển không gian thành phố theo 3 hành lang: Hướng phát triển dọc 2 bờ sông Dinh, gắn với các trục giao thông chính về hướng Tây, xây dựng các khu đô thị, khu dân cư kết nối với các khu vực quốc lộ 27 và tỉnh lộ 703; hướng phát triển phía Đông, đây là khu du lịch chất lượng cao, khu đô thị mới quy mô lớn, chung cư biệt thự cao cấp, cao ốc cho thuê văn phòng, nhà nghỉ dưỡng kết hợp du lịch; hướng phát triển phía Bắc, hình thành khu du lịch Đầm Nại, với khu đô thị vườn, đô thị công viên.
Đồng chí Dương Ái Quân cho biết thêm: “Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ X, từ nay đến năm 2015, địa phương sẽ tập trung đầu tư các công trình trọng điểm, gắn với đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, đẩy nhanh chỉnh trang đô thị để cơ bản đạt chuẩn đô thị loại II.” Nhiệm vụ trọng tâm hiện nay của thành phố ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông theo 2 hướng chính là Đông và Tây tạo sự kết nối với các trục giao thông quốc lộ và tỉnh lộ để mở rộng không gian đô thị. Cùng với đó là hoàn thành bê tông hóa các tuyến đường nội phường; xây dựng các tuyến phố văn minh đô thị. Tiếp tục đầu tư lĩnh vực cấp, thoát nước, thông tin, điện chiếu sáng đô thị…để có một hạ tầng đô thị hoàn thiện. Thành phố chú trọng đến việc nâng cao trách nhiệm của cộng đồng cùng tham gia bảo vệ môi trường, thu gom rác thải; tăng cường kiểm tra giám sát việc xử lý chất thải trước khi thải ra môi trường. Triển khai các dự án trồng cây xanh trong các công viên lớn, các công viên phường, các khu dân cư, khu đô thị, các tuyến đường phố chính, các trường học, cơ quan….Thực hiện phương án chuyển diện tích đất nông nghiệp sang thành lập vườn trồng cây ăn trái, góp phần xây dựng thành phố thêm xanh. Xây dựng thành phố đạt chuẩn đô thị loại II vào năm 2015, thành phố cần tổng nguồn vốn đầu tư giai đoạn này là 11.000-12.000 tỷ đồng, trong đó vốn các thành phần kinh tế là 7.000-8.000 tỷ đồng.
Để đạt được yêu cầu trên, thành phố thực hiện chủ trương huy động tối đa các nguồn lực, tranh thủ nguồn lực bên ngoài để khai thác tiềm năng là lợi thế của thành phố, đầu tư hạ tầng trọng điểm để mở rộng không gian đô thị, xây dựng mô hình thành phố xanh-sạch, tiến tới là “thành phố công viên”.
Một góc Tp. Phan Rang-Tháp Chàm. Ảnh: Tuấn Dũng
Thành phố tập trung khai thác hiệu quả lợi thế so sánh và chọn khâu đột phá là ngành thương mại- dịch vụ, hình thành các sản phẩm mũi nhọn, phát huy lợi thế kinh tế biển, công nghiệp chế biến, xây dựng các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng lớn, có hàm lượng khoa học-công nghệ cao. Gắn tăng trưởng kinh tế với giải quyết tốt các vấn đề xã hội, cải thiện môi trường sinh thái. Trong năm 2012, Tp. Phan Rang-Tháp Chàm, phấn đấu đạt tăng trưởng nền kinh tế từ 17-18%; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 823 tỷ đồng; tổng giá trị xuất khẩu 85 triệu USD; tỷ lệ hộ nghèo giảm 1%.
Một tin vui đến với thành phố, ngày 8-12-2011, Tỉnh ủy đã có Nghị Quyết 06 về “Xây dựng Tp. Phan Rang-Tháp Chàm đạt chuẩn đô thị loại II vào năm 2015, định hướng phát triển đến năm 2020 và những năm tiếp theo”. Đây chính là luồng sinh khí mới, động lực mới để Đảng bộ và nhân dân Tp. Phan Rang-Tháp Chàm nỗ lực hơn trong nhiệm vụ xây dựng, phát triển để đưa thành phố trở thành đô thị hiện đại, thân thiện trong khu vực.
Thu Thủy