Thắm tình quân y nơi đảo xa

Ở nơi đầu sóng ngọn gió, khó khăn, thiếu thốn là thế nhưng sức khỏe của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ở Trường Sa vẫn luôn được đảm bảo. Kết quả đó ghi dấu sự đóng góp thầm lặng bằng cả tâm huyết và tinh thần trách nhiệm của những người lính khoác áo blouse trắng đang làm nhiệm vụ trên quần đảo Trường Sa.

(NTO) Đại tá Nguyễn Đức Vượng, Phó Chủ nhiệm chính trị Bộ Tư lệnh Vùng IV Hải quân cho biết: “Hiện nay, 100% các xã, thị trấn của huyện đảo Trường Sa có bệnh xá được trang bị tương đối đầy đủ các phương tiện, trang thiết bị phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh. Không chỉ đảm bảo quân số khỏe hàng năm trên 99%, các bệnh xá đóng chân trên các đảo thuộc huyện đảo Trường Sa còn làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân và cấp cứu cho ngư dân đánh bắt hải sản trên vùng biển thuộc quần đảo. Nhờ đó, mối quan hệ khắng khít giữa cán bộ, chiến sĩ, quân y trên đảo với ngư dân ngày càng thắt chặt”.

Điều trị cho ngư dân gặp nạn trên biển.

Đúng như lời của đồng chí Phó Chính ủy Vùng IV Hải quân, những năm gần đây, điều kiện sống, công tác trên đảo đã được cải thiện rõ rệt. Lãnh đạo, chỉ huy các đảo luôn quan tâm sâu sát đến đời sống và sức khỏe của bộ đội. Nhưng không vì thế mà công việc của các y bác sĩ “nhàn” đi, bởi ngoài nhiệm vụ chăm sóc sức khoẻ cho bộ đội thì tất cả cán bộ quân y của bệnh xá đều tham gia công tác cứu hộ, cứu nạn đối với các ngư dân đánh cá trên biển gặp nạn. Không kể đêm ngày, mưa nắng và các trường hợp cấp cứu khẩn cấp với tình trạng phức tạp, các kíp trực của các bệnh xá ở Trường Sa luôn “sáng đèn”. Các anh dốc hết tâm lực, tất cả vì mục tiêu cứu sống người bệnh.

Để tạo điều kiện cho công tác chăm sóc sức khỏe bộ đội và nhân dân Trường Sa, Bộ Tư lệnh vùng IV Hải quân đã đầu tư nhiều trang thiết bị hiện đại cho bệnh xá đảo Nam Yết – đơn vị đảo trung tâm của quần đảo. Thiếu tá Nguyễn Huy Thông, Bệnh xá trưởng cho biết: “Niềm động viên giúp các anh em quân y thêm tự tin trong công việc là trang thiết bị y tế ở bệnh xá được trang bị khá hiện đại, đảm bảo cho công tác điều trị và cấp cứu ban đầu. Đó là máy siêu âm, máy điện tim, máy thở, máy theo dõi bệnh nhân, cơ số thuốc theo qui định của Cục Quân y. Bên cạnh đó, trước khi ra nhận nhiệm vụ ở đảo, các kíp y, bác sĩ được huấn luyện chuyên ngành có liên quan như gây mê, hồi sức, nội chung, ngoại chung để sẵn sàng “tác chiến độc lập” nơi đảo xa, song trong nhiều ca cấp cứu, bệnh xá vẫn liên lạc với các giáo sư, bác sĩ trong đất liền để cùng trao đổi chuyên môn. Nhờ vậy, chúng tôi đã thực hiện thành công nhiều ca phẫu thuật và điều trị cho các trường hợp bệnh nhân đã được sơ cứu ở các bệnh xá của đơn vị đảo khác chuyển tới”.

Những ngày ở đảo Song Tử Tây, chúng tôi chứng kiến ca cấp cứu “thần tốc” của các y, bác sĩ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đang làm nhiệm vụ tại bệnh xá của đảo. Đó là trường hợp ngư dân Trần Minh Hổ, trú ở xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn (Bình Định), đi tàu cá số hiệu BĐ96452TS bị vết cắt nặng ở lòng bàn chân do sóng đánh va vào cối xay trên tàu. Đôi mắt chưa giấu hết nỗi bàng hoàng sau tai nạn, anh Hổ tâm sự: “ Được cứu chữa kịp thời của các bác sỹ ở bệnh xá, không những giành lại sự sống cho những ngư dân gặp nạn như tôi mà còn giúp chúng tôi thấy yên tâm khi đánh bắt xa bờ”.

Trên đây chỉ là một trong số hàng trăm trường hợp ngư dân bị tai nạn trên biển được các bác sỹ đang làm nhiệm vụ trên đảo cứu chữa. Trong số đó có nhiều người có dịp trở lại đảo đều đến thăm, cảm ơn và gửi tặng kíp quân y những món quà nhỏ từ biển làm kỷ niệm. Còn với những người lính khoác áo blouse trắng ở Trường Sa, niềm hạnh phúc của họ cũng bình dị không kém. “Niềm hạnh phúc ấy đến từ cái thở phào nhẹ nhõm khi chúng tôi biết mình đã cùng bệnh nhân giành giật lại sự sống” – Thượng úy Lê Hanh, Bệnh xá trưởng Bệnh xá Song Tử Tây từng tâm sự.