Tình quân - dân nơi tuyến biển

Cuối năm, xuôi theo đường ven biển về thăm các đồn biên phòng, đến đâu, chúng tôi cũng được những chiến sỹ mang quân hàm xanh đón tiếp niềm nở. Dẫu vẫn biết tình quân-dân luôn khắng khít như “cá với nước”, nhưng khi tận mắt chứng kiến những việc làm “vì dân” của các anh, khiến ai cũng cảm động.

(NTO) Đồn Biên phòng 420, đóng trên địa bàn xã Cà Ná (Thuận Nam), điểm đến đầu tiên của chúng tôi. Đón khách là thượng úy Phan Hồng Thanh, Đồn phó còn rất trẻ. Đúng là tác phong quân đội, sau vài câu thăm hỏi, anh nhanh nhẹn đưa chúng tôi dạo một vòng quanh các làng chài Lạc Nghiệp 1, Lạc Nghiệp 2, Lạc Tân 3… Đường vào các làng biển quanh co, nhưng ngõ ngách nào anh cũng thuộc nằm lòng. Tính ghé thăm hộ chị Nguyễn Thị Lan ở thôn Lạc Tân 3 (Phước Diêm) vừa được đồn giúp đỡ xây nhà, nhưng trên đường đi gặp bộ đội, ngư dân nào cũng tay bắt mặt mừng mời vào nhà uống nước, nên không thể chối từ. Thượng úy Thanh, thổ lộ: “Đơn vị làm tốt công tác dân vận, giúp dân, nên được bà con quý mến. Năm 2011, ngoài việc hoàn thành nhiệm vụ tuần tra bảo vệ tuyến biển dài 14 km từ mũi Sừng Trâu (Phước Diêm) đến khu vực giáp ranh với xã Vĩnh Tân , huyện Tuy Phong (Bình Thuận) đơn vị còn tham gia xây dựng 14 căn nhà cho hộ nghèo, vận động hàng trăm chủ tàu vào các tổ đánh bắt hải sản…”.

Ngư dân xã Cà Ná, huyện Thuận Nam ra khơi đánh bắt hải sản.

Những việc làm trên, muốn đạt kết quả cao đòi hỏi bộ đội phải gần dân, nắm được tâm tư, nguyện vọng của dân. Thượng úy Thanh, kể: "Có lần anh em trong đơn vị phối hợp với chính quyền địa phương đi vận động các chủ tàu vào tổ đánh bắt hải sản, lúc đầu ai cũng đăng ký, nhưng sau đó làm lơ. Qua tìm hiểu biết được bà con không muốn vào tổ đánh bắt vì sợ phiền hà, nhất là còn tư tưởng “đèn nhà ai nấy tỏ”. Trước thực tế như vậy, đơn vị đã cử người trực tiếp xuống tàu giúp ngư dân rũ lưới, neo đậu tàu đúng nơi quy định, vừa kết hợp tuyên truyền, vận động. Với cách làm “mưa dầm thấm lâu”, dần dần bà con tự nguyện tham gia vào tổ đánh bắt hải sản

 
Chiến sỹ Đồn Biên phòng 420, giúp ngư dân neo đậu tàu thuyền đúng vị trí.

Trung úy Trần Minh Tiến, quê ở Hà Giang, được tăng cường vào Đồn Biên phòng 420 hơn 2 năm nay, tâm sự: “Em sinh ra và lớn lên trên vùng núi đá tai mèo, từng công tác ở Đồn Lũng Cú. Ngày mới đặt chân đến biển Cà Ná rất lạ lẫm. Nhưng qua các lần đi giúp dân làm nhà, cứu hộ tàu, thuyền trong các đợt mưa bão thấy ngư dân ở đây chân thật, gần gũi, nên rất an tâm”. Xa quê, anh cũng như một số chiến sỹ tăng cường khác không tránh khỏi cảm giác nôn nao nhớ nhà, nhớ vợ con vào mỗi độ tết đến, xuân về. Nhưng đã là lính biên phòng, các anh luôn xem suốt chiều dài biên cương của đất nước ở đâu cũng là quê hương. Dù tuần tra trong giá lạnh trên rẻo cao núi đá Hà Giang hay giữa biển khơi gió lộng Cà Ná, các anh cũng có cảm giác như ở nhà, vì bên cạnh luôn có bà con thân yêu.

Chia tay Đồn 420, chúng tôi đến thăm Đồn 412, đóng trên địa bàn thôn Ninh Chữ, Khánh Hải (Ninh Hải) khi đơn vị vừa tổ chức thành công Đại hội Thi đua quyết thắng. thành tích nổi bật, đó là từ năm 2008 đến nay, đơn vị mở 3 lớp học tình thương, dạy chữ cho 55 em học sinh nghèo. Trung tá Nguyễn Thái Đức, Chính trị viên Đồn 420, cho biết: “Bà con ngư dân do phải bám biển mưu sinh, nên ít chăm lo việc học cho con cái. Nhiều em nhỏ đã phải nghỉ học giữa chừng để phụ giúp gia đình. Thương các em không biết chữ, lãnh đạo đồn đã chủ trương mở lớp học vào ban đêm”. Không những chiến sỹ ở đồn tình nguyện làm “thầy giáo”, mà các anh còn tích cực tham gia cuộc vận động “Mái ấm tình thương cho người nghèo nơi biên giới, hải đảo”. Thời gian qua, đơn vị đã vận động cán bộ, chiến sỹ, các nhà hảo tâm trên địa bàn hỗ trợ số tiền hơn 200 triệu đồng, thêm vào xây nhà cho 20 hộ nghèo.

Không ít câu chuyện cảm động thể hiện tình quân-dân thắm thiết như chuyện xây nhà cho chị Nguyễn Thị Dễ ở phường Văn Hải (Phan Rang-Tháp Chàm). Hoàn cảnh chị rất khó khăn, cả gia đình 6 người ở trong ngôi nhà tạm bợ. Khi các chiến sỹ đến khảo sát xây nhà, đúng lúc chồng chị qua đời vì căn bệnh hiểm nghèo. Cảm thông trước hoàn cảnh của chị, lãnh đạo đồn quyết định trích tiền đã vận động được lo đám tang cho chồng chị và tặng một sổ tiết kiệm trị giá 3 triệu đồng. Sau đó, đồn tiếp tục vận động xây cho chị một ngôi nhà khang trang. Gặp chúng tôi, chị Dễ cảm động, nói: “Niềm vui lớn nhất trong đời tôi là có nhà mới. Tấm lòng của các anh bộ đội biên phòng không lấy gì so sánh được”.

Đến với Đồn Biên phòng 404 đóng ở thôn Vĩnh Hy, xã Vĩnh Hải (Ninh Hải), địa bàn thuộc vùng sâu, vùng xa, nơi có nhiều đồng bào dân tộc Raglai sinh sống. Câu chuyện giúp dân của bộ đội nơi đây mà Trung tá Trịnh Văn Nam, Đồn trưởng kể cho chúng tôi nghe chủ yếu tập trung vào lĩnh vực sản xuất và chữa bệnh cho bà con ở hai thôn Đá Hang và Cầu Gãy.

Để giúp bà con ở hai thôn thoát nghèo, lãnh đạo đồn cử chiến sỹ phụ trách địa bàn về tận nhà dân khám bệnh, hướng dẫn trồng lúa nước, bắp lai, chăn nuôi… Qua hoạt động giúp dân đã xuất hiện các gương điển hình tiên tiến như thiếu úy Nguyễn Hữu Tâm, y sỹ của đồn, hằng ngày không quản khó khăn vượt núi khám bệnh cho dân. Anh tâm sự: “Bà con đồng bào dân tộc thiểu số trình độ dân trí thấp. Nhiều khi bị bệnh không chịu uống thuốc mà mời thầy về cúng bái. Tôi đã đến nhà từng người bệnh vận động bỏ tập tục lạc hậu, chữa trị cho họ”. Những việc làm của trung úy Tâm đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng mọi người. Mỗi lần anh về các thôn được bà con tiếp đón niềm nở như người con của dân làng đi xa trở về. Mẹ Cao Thị Trung, người có 50 tuổi Đảng ở thôn Cầu Gãy, bộc bạch: “Bộ đội Tâm tốt lắm, tuần nào cũng về khám bệnh cho bà con”.

Điều làm chúng tôi bất ngờ nhất là mặc dù ở lưng chừng núi, nhưng tại thôn vẫn có những đám ruộng lúa xanh tốt. Thiếu úy Hồ Văn Thuận, cho biết: “Khu vực trên trước đây trồng lúa rẫy, hưởng nước trời, sản xuất trầy trật năm được, năm không. Cách đây 2 năm, anh em ở đồn về hướng dẫn bà con lấy nước từ suối Lồ Ồ lên trồng lúa nước, sản xuất mỗi năm ba vụ, năng suất đạt 5 tấn/ha.”

Vào xuân, cây cối trên các ngã đường về thôn Cầu Gãy, Đá Hang đã bắt đầu đâm chồi, nảy lộc. Lác đác một vài cành mai ra nụ vàng. Tết đã cận kề, thế mà những người lính mang quân hàm xanh vẫn mãi miết đắp bờ, dẫn nước, giúp dân sản xuất...