Nhớ màu áo xanh

Diễn tập PT-11 Ninh Thuận đã qua hơn 4 tháng, vậy mà tôi vẫn ấn tượng hoài với màu áo xanh.

(NTO) Ninh Thuận không phải là tỉnh duy nhất trong quân khu trang bị quân phục cho cán bộ dự diễn tập, nhưng màu áo xanh gắn bó suốt những ngày “ra trận” thì chắc chỉ có nơi đây. Khi được hỏi ai nấy đều tỏ vẻ rất hạnh phúc khi khoác lên người bộ quân phục, nó là một kỷ niệm đẹp, nhắc họ không xao nhãng nhiệm vụ quốc phòng. Với đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Chí Dũng thì “Đó là màu thân thương của 14 năm quân ngũ”. Đó cũng là ý anh nói trước Hội nghị rút kinh nghiệm PT-11: “Tuy đã biết ít nhiều về quân sự, nhưng bây giờ bước vào vận hành cơ chế Đảng lãnh đạo, chính quyền điều hành, các cơ quan chức năng làm tham mưu ở cấp tỉnh mới thấy không hề đơn giản như suy nghĩ ban đầu. Diễn tập không nhất thiết 5 năm một lần mà có thể 3 năm bởi vì càng vào sâu càng thấy hay, càng thấy hấp dẫn và cần thiết”. Lại nhớ tại buổi lễ giao nhiệm vụ cho Tiểu đoàn BB 612 lên đường nhận nhiệm vụ thực binh, hừng hực không khí thời chiến, 541 quân dự bị của huyện Ninh Phước, quân phục xanh màu lá, chỉnh tề trong đội hình sẵn sàng lên đường, gương mặt rạng rỡ, tự hào khi trở lại làm người lính, dù có người đã “giã từ vũ khí” hàng chục năm.

 
 
Lãnh đạo tỉnh và các ngành trao đổi, xử lý tình huống trong diễn tập PT-11.

Các đồng chí ở cơ quan Quân khu 5 về giúp đạo diễn PT-11 của tỉnh đã đánh giá: “Ở Ninh Thuận chất lính thể hiện rõ hơn bất cứ đâu, đặc biệt là ở cấp uỷ, chính quyền và các ngành, đoàn thể. Nghiêm túc trong chuẩn bị kế hoạch, văn kiện; tuân thủ giờ giấc, tác phong, kỷ luật đúng quy định đề ra. Chính điều này đã làm nên thành công của diễn tập, xứng đáng được Ban chỉ đạo xếp loại giỏi”. Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Thanh rất có lý khi cho rằng, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh được triển khai bằng sức mạnh và nội lực của toàn dân. Tỉnh còn nghèo nhưng hàng năm luôn đầu tư từ 4 đến 5 tỉ đồng cho quốc phòng, mỗi huyện đầu tư từ 300-400 triệu đồng, trong đó ưu tiên cho các công trình phòng thủ. Phương châm của tỉnh là đầu tư trọng điểm, đã làm là “ra tấm, ra miếng”.

Lực lượng DQTV huấn luyện sẵn sàng chiến đấu. Ảnh: V.M

Trung tá Phạm Thanh Lao, Trung Đoàn trưởng Trung đoàn 896 đã rất phấn khởi khi chúng tôi so sánh cơ ngơi của Trung đoàn không thua kém bất cứ đơn vị nào trong quân khu. Anh cho biết, những con số gửi gắm cả tình cảm mà UBND tỉnh đã dành cho Trung đoàn: 7 tỉ đồng xây dựng sở chỉ huy, 1 tỉ cho nhà làm việc các tiểu đoàn, đại đội, nhà ăn. Thao trường, bãi tập, phục vụ huấn luyện…, đều khang trang, chính quy. Còn nhớ năm 2005, Trường Quân sự địa phương tỉnh với kiến trúc liên hoàn, khép kín trị giá hơn 7,5 tỉ đồng cũng làm những ai đến tham quan phải “ngước nhìn”. Cách đây gần 10 năm, Ninh Thuận tiên phong mở lớp dạy nghề cho chiến sĩ tại ngũ vào hai ngày cuối tuần. 100 chiến sĩ được đào tạo mỗi năm tại Trường Trung cấp Nghề tỉnh, được cấp chứng chỉ sơ cấp nghề để dễ dàng có công ăn việc làm. Tỉnh đã làm được cái điều mà các địa phương tiềm năng hơn vẫn không làm được. Ninh Thuận nhiều năm nay luôn nổi lên là đơn vị điển hình trong giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, đa dạng hoá các đối tượng tham gia học tập. Việc bồi dưỡng kiến thức quốc phòng cho giám đốc các doanh nghiệp, thi tìm hiểu ngày truyền thống LLVT tỉnh, tìm hiểu kiến thức quốc phòng trong dân quân tự vệ, dự bị động viên, tổ dân phố, cán bộ, công chức, học sinh, sinh viên có tường thuật trực tiếp trên sóng truyền hình đã thực sự chứng minh sinh động về nền quốc phòng toàn dân vững chắc.

Đại tá Lê Văn Chín, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh khẳng định: Năm nay cùng với huấn luyện, diễn tập, xây dựng đơn vị, LLVT tỉnh gặt hái nhiều thành công trong “dân vận khéo”. CB- CS tham gia thực binh bắn đạn thật tại PT-11 đã kết hợp làm công tác dân vận giúp dân thu hoạch mùa màng, xây dựng công trình công cộng, sửa chữa nhà ở…, được cấp ủy, chính quyền và nhân dân xã Vĩnh Hải, Ninh Hải đánh giá cao. Bộ CHQS xây 1 nhà cho nữ quân nhân Sư đoàn 3 Sao Vàng, tặng 4 nhà đồng đội, 3 nhà tình nghĩa cho đối tượng chính sách, hộ nghèo huyện Bác Ái. CB-CS cũng đã quyên góp tặng 170 suất quà và 500 bộ quần áo cho đồng bào nghèo ở xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải. Bếp ăn của các đơn vị đã tiết kiệm được 1,4 tấn gạo từ “Hũ gạo vì người nghèo” giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Hưởng ứng chủ trương của quân khu về “Xóa một hộ đói, giảm một hộ nghèo’’ ở địa bàn, các cơ quan phòng ban của Bộ CHQS tỉnh, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Ninh Sơn, Bác Ái, Thuận Nam đã giúp đỡ 4 gia đình ở địa phương kết nghĩa gần 50 triệu đồng và hàng trăm công lao động; phối hợp với chính quyền tạo điều kiện hỗ trợ vốn để các hộ mua sắm trang bị đánh bắt gần bờ, chăn nuôi bò sinh sản, nuôi bò vỗ béo, làm ruộng, đem lại niềm vui lớn lao cho các gia đình còn nhiều vất vả với cuộc sống.

Một cán bộ Tuyên huấn của Bộ CHQS tỉnh bộc bạch: “Mỗi lần có hội thi, hội thao, hội diễn của quân khu, các nơi lo một thì Ninh Thuận lo mười”. Có đến đây mới thấy, ở tận cực Nam Trung Bộ, việc cọ xát, học hỏi, đầu tư phong trào để có thành tích cao không hề dễ dàng. Vậy mà, Trung tá Lưu Xuân Phương, Chính uỷ Trung đoàn 896 (nay là Phó Chủ nhiệm Bộ CHQS tỉnh) đã vượt qua hàng chục đối thủ, xuất sắc đoạt giải nhì tại Hội thi chỉ huy trưởng, chính uỷ Lữ đoàn, trung đoàn Quân khu năm 2011. Điều này chứng tỏ một khi đã quyết tâm thì không điều gì là không thể làm được.

Đại tá Nguyễn Đình Tiến, Phó Tham mưu trưởng Quân khu trong một lần về kiểm tra Ninh Thuận đã nói rằng, đi nhiều nơi từ biên giới về hải đảo nhưng cứ nhìn dân quân Ninh Phước tuần tra bảo vệ địa bàn trên mênh mông cát cháy, giữ vững bình yên cho địa bàn, anh lại thấy xúc động lạ. Có lẽ thiên nhiên khắc nghiệt thấm vào tính cách của người Ninh Thuận, đó là ít bộc lộ mình mà lặng lẽ toả sáng trong công việc hàng ngày và trong những thử thách gian nan nhất.

Có lẽ thế mà màu áo xanh tại PT-11 cứ tươi thắm hoài trong tôi…