Việt Nam luôn theo đuổi chính sách toàn diện về năng lượng hạt nhân

Đây là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Đình Tiến trong diễn đàn “Hướng tới Hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân Seoul 2012” do Cục An toàn Bức xạ Hạt nhân (Bộ Khoa học và Công nghệ) phối hợp với Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam tổ chức ngày 27/12 tại Hà Nội.

Công tác bảo đảm an ninh nguồn phóng xạ và an ninh hạt nhân là nhiệm vụ mới được quan tâm đối với nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt từ sau sự kiện khủng bố tại Hoa Kỳ ngày 11/9/2001. Trước nguy cơ các chất phóng xạ, vật liệu hạt nhân bị các tổ chức, cá nhân khủng bố chiếm đoạt, phá hoại hoặc chuyển hướng sử dụng để làm bom bẩn gây phát tán phóng xạ và chế tạo bom hạt nhân, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đã đề nghị các nước thành viên trên tinh thần tự nguyện thực hiện Bộ quy tắc ứng xử đảm bảo an toàn và an ninh nguồn phóng xạ.

 Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam, Ha Chan - ho, phát biểu tại diễn đàn. (Ảnh: ATP)

Tại diễn đàn này, các diễn giả Hàn Quốc đến từ Trung tâm an ninh hạt nhân (Viện kiểm soát và chống phổ biến vũ khí hạt nhân Hàn Quốc - KINAC), Viện an toàn hạt nhân Hàn Quốc – KINS đã giới thiệu những nét chính về Hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân các hoạt động chuẩn bị của nước chủ nhà cũng như cơ sở hạ tầng, khung pháp lý của Hàn Quốc về an ninh hạt nhân và chống phổ biến vũ khí hạt nhân, hệ thống quản lý ứng phó hạt nhân quốc gia Hàn Quốc.

“Việt Nam luôn theo đuổi chính sách toàn diện về năng lượng hạt nhân. Đồng thời với việc ủng hộ giải trừ và không phổ biến vũ khí hạt nhân cũng như các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt khác, Chính phủ Việt Nam đặt ưu tiên cao nhất đối với đảm bảo an toàn và an ninh trong việc sử dụng công nghệ hạt nhân vì mục đích hòa bình. Việt Nam đã tham gia công ước quốc tế về an toàn hạt nhân và đang xem xét tham gia công ước bảo vệ thực thể hạt nhân trong thời gian tới”, Thứ trưởng Lê Đình Tiến nhấn mạnh.

Theo Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam, Ha Chan – ho, diễn đàn này là cơ hội tốt cho hai nước chia sẻ mối quan ngại về nguy cơ khủng bố hạt nhân phạm vi toàn cầu, thể hiện cam kết triển khai các hoạt động bảo đảm an ninh hạt nhân trên cơ sở các cơ chế hiện có bao gồm cả việc tham gia và thực thi các công ước, điều ước quốc tế trong lĩnh vực an ninh hạt nhân.

Hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân lần thứ nhất diễn ra tại thủ đô Washington (Hoa Kỳ) tháng 4/2010 đã bước đầu thu được những kết quả tốt trong lĩnh vực an ninh hạt nhân trên thế giới. Tại đây, các quốc gia tham dự đã nhất trí Hội nghị sẽ diễn ra 2 năm một lần và năm 2012 Hàn Quốc sẽ đăng cai từ ngày 26-27/3 với chủ đề xuyên suốt “Đi xa hơn an ninh để hướng tới hòa bình”.

Ở Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1208 ngày 21/7/2011 về việc phê duyệt quy hoạch phát triển điện quốc gia giai đoạn 2011 – 2030, theo đó định hướng phát triển điện hạt nhân, tới năm 2020 sẽ đưa vào hoạt động tổ máy đầu tiên với công suất 1.000 MW và năm 2030 sẽ đưa tổng công suất các nhà máy điện hạt nhân đạt 10.700 MW (chiếm 10,1% tổng công suất nguồn điện).

Để đạt được mục tiêu trên, sau nhiều hội thảo, hội nghị với sự tham gia của các đối tác quốc tế nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực điện hạt nhân, Việt Nam đã lựa chọn Ninh Thuận là địa điểm xây dựng 2 nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của mình (do Tập đoàn Điện lực Việt Nam là chủ đầu tư).

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam