Xác định rõ tầm quan trọng của hoạt động thu ngân sách nhà nước (NSNN), năm 2011 Bộ Tài chính đã tập trung chỉ đạo tăng cường công tác quản lý thu, phấn đấu thu vượt so với dự toán Quốc hội quyết định.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh: Tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, hiệu quả. Ảnh Chinhphu.vn
Thu vượt dự toán, chi chặt chẽ, tiết kiệm
Theo báo cáo tại Hội nghị do Bộ Tài chính tổ chức, tổng thu cân đối ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2011 ước đạt 674.500 tỷ đồng, vượt 13,4% so dự toán, tăng 20,6% so thực hiện năm 2010, tỷ lệ động viên từ thuế và phí đạt 20,3% GDP.
Thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ, công tác điều hành chi NSNN năm 2011 ở các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã thực hiện theo hướng thắt chặt, vừa bám sát dự toán, vừa thực hành tiết kiệm và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ngân sách.
Tiết kiệm 10% chi thường xuyên đạt 3.857,7 tỷ đồng, trong đó các Bộ, cơ quan trung ương khoảng 900 tỷ đồng, các địa phương hơn 2.957 tỷ đồng; tạm dừng mua sắm tài sản khoảng 1.081 tỷ đồng; sắp xếp lại vốn đầu tư với tổng vốn đã thực hiện cắt giảm để điều chuyển cho các dự án khác cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện thuộc nguồn vốn NSNN khoảng 5.556 tỷ đồng, nguồn vốn trái phiếu Chính phủ là 2.777 tỷ đồng.
Các tập đoàn kinh tế và Tổng công ty nhà nước thực hiện cắt giảm khoảng 39.210 tỷ đồng vốn đầu tư.
Trong điều kiện ngân sách hạn hẹp nhưng chi NSNN cho công tác an sinh xã hội đã tăng gần 20% so năm 2010 với mức ước đạt 84 nghìn tỷ đồng.
Ưu tiên kiềm chế lạm phát
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ đã khẳng định mục tiêu của toàn ngành trong năm 2012 là tập trung thực hiện các chính sách tài chính nhằm ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng hợp lý gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế; nâng cao chất lượng, hiệu quả; đảm bảo phúc lợi và an sinh xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và an ninh tài chính quốc gia trong tình hình mới, phấn đấu thực hiện đạt và vượt dự toán NSNN.
Ðể tăng cường quản lý thu ngân sách, ngành tài chính sẽ tập trung tổ chức triển khai thực hiện tốt các luật thuế, nhất là các luật thuế mới, thực hiện quyết liệt các biện pháp chống thất thu (đặc biệt là các khoản thu liên quan đến đất đai, chống gian lận thuế và chuyển giá, trốn thuế trong tất cả các loại hình DN) đi đôi với tiết kiệm chi; tăng cường kỷ luật tài chính, bảo đảm dư nợ Chính phủ, nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia trong giới hạn an toàn.
Ảnh Chinhphu.vn
Bộ trưởng Vương Đình Huệ cũng một lần nữa khẳng định phương châm điều hành chi NSNN cũng bảo đảm chặt chẽ, hiệu quả và tiết kiệm.
Ngoài ra, ngành Tài chính cũng sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp về quản lý giá cả và kiềm chế lạm phát; thực hiện nhất quán cơ chế giá thị trường có sự điều tiết của Nhà nước, lộ trình điều chỉnh giá theo cơ chế thị trường; xóa bao cấp qua giá đối với các loại hàng hóa, dịch vụ còn bao cấp qua giá vào thời điểm thích hợp, với liều lượng hợp lý phù hợp với mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh biểu dương những đóng góp to lớn của ngành Tài chính thời gian qua.
Nhắc lại một số chỉ tiêu cơ bản cũng như mục tiêu tổng quát trong chỉ đạo điều hành của Chính phủ trong năm 2012, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu “chặt chẽ, hiệu quả” đối với chính sách tài khóa trong năm 2012.
“Quản lý chi tiêu chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả; quản lý các khoản vay về cho vay lại, các khoản bảo lãnh cho các doanh nghiệp nói chung; quản lý nợ công, nợ Chính phủ an toàn, trên tinh thần đó giảm bội chi ngân sách xuống dưới 4,8%”, Phó Thủ tướng giao nhiệm vụ.
Phó Thủ tướng lưu ý ngành Tài chính chú trọng thực hiện nhóm giải pháp nhằm khuyến khích xuất khẩu, hạn chế nhập siêu, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, bảo đảm an sinh xã hội.
“Rà soát lại các khoản thuế, phí khuyến khích xuất khẩu; hạn chế nhập khẩu những mặt hàng trong nước sản xuất được; có chính sách thuế, tín dụng khuyến khích sản xuất các mặt hàng phụ trợ, công nghiệp hỗ trợ để tăng sản xuất trong nước, qua đó hạn chế nhập siêu”, Phó Thủ tướng đề nghị.
Phó Thủ tướng yêu cầu cần sớm hoàn thiện chiến lược phát triển Tài chính đến năm 2020, nghiên cứu hoàn thiện cơ chế tài chính, ngân sách, trong đó thực hiện các nhóm giải pháp về động viên nguồn lực, bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện hệ thống thuế, theo tinh thần giảm tỉ lệ động viên, nuôi dưỡng nguồn thu, khuyến khích đầu tư, mở rộng sản xuất, tăng cường thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước phục vụ phát triển kinh tế.
Đối với nhóm chính sách phục vụ tái cấu trúc đầu tư công, ngành Tài chính thực hiện các chính sách nhằm giảm tỉ trọng đầu tư công, nâng cao hiệu quả đầu tư. Cần sớm có các cơ chế để huy động thêm các nguồn lực khác, Phó Thủ tướng nói.
Bên cạnh đó, cần có các cơ chế để sử dụng vốn đầu tư, kể cả đầu tư công và đầu tư từ các khu vực khác một cách hiệu quả, theo trật tự ưu tiên, đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng chung.
Đối với các chính sách tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước mà trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty, Bộ Tài chính cần sớm hoàn thiện chính sách, chế độ quản lý tài chính, sử dụng vốn, tài sản nhà nước ở doanh nghiệp một cách hiệu quả nhất; đưa ra tiêu chí, cơ chế để giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp; xây dựng phương án tái cơ cấu từng tập đoàn, tổng công ty; cơ chế đẩy mạnh đổi mới, sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, trên tinh thần rút vốn ở những doanh nghiệp, những lĩnh vực mà nhà nước không cần nắm giữ để tăng cường đầu tư vào những lĩnh vực then chốt, nhà nước cần nắm quyền chi phối.
Đối với nhóm chính sách nhằm tái cơ cấu thị trường chứng khoán, Phó Thủ tướng đặt ra yêu cầu cần có các giải pháp phát triển thị trường, để thị trường chứng khoán trở thành kênh huy động vốn chủ yếu của nền kinh tế.
“Hiện nay kênh huy động vốn từ thị trường chứng khoán chưa hiệu quả, còn đóng vai trò rất nhỏ. Hơn 90% vốn cho nền kinh tế vẫn chủ yếu huy động qua kênh tín dụng”, Phó Thủ tướng cho biết.
Nguồn www.chinhphu.vn