Trong 5 năm tới, nhu cầu đầu tư, các vấn đề bức thiết cần giải quyết của ngành giao thông cho thấy một khoảng cách quá lớn so với điều kiện kinh tế- xã hội hiện nay. Mục tiêu kế hoạch toàn giai đoạn sẽ khó đạt được nếu không có những thay đổi trong phương thức quản lý cũng như những giải pháp đột phá.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải phát biểu tại cuộc họp - Ảnh: Chinhphu.vn
Nan giải bài toán vốn
Không đề cập nhiều tới những kết quả, thành tích, các ý kiến tại cuộc họp tập trung nhìn thẳng vào những vấn đề chính yếu, nổi cộm trong công tác quản lý giao thông vận tải hiện nay, những tồn tại, thách thức lớn mà ngành phải đối mặt trong thời gian tới.
Có thể nói, từ 2005-2010 là giai đoạn mà ngành giao thông thực hiện khối lượng xây dựng cơ bản lớn nhất từ trước tới nay. Nhu cầu phát triển, yêu cầu hạ tầng đi trước một bước đưa tới kết quả thực hiện, giải ngân rất lớn. Nguồn ngân sách Nhà nước giải ngân gần 39.000 tỷ đồng so với hơn 37.000 tỷ đồng kế hoạch giao, hàng trăm công trình lớn hoàn thành với hơn 20.000 km đường lớn cùng 20.000 km đường nông thôn được xây mới hoặc cải tạo. Các phương thức vận tải người, hàng hóa tăng với tốc độ 11-14%/năm.
Được Nhà nước quan tâm, ưu tiên nhưng giao thông trong thời gian qua tiếp tục gặp vấn đề muôn thuở là đầu tư chưa đáp ứng nhu cầu. Năm 2011, nguồn vốn huy động dự tính chỉ đạt hơn một nửa so với yêu cầu đề ra. Đến tháng 8, tháng 9, nhiều chủ đầu tư đã tiêu hết kế hoạch vốn. Cả năm 2011, vốn ngân sách thực hiện vượt 65% so kế hoạch, đạt 11.900/7.190 tỷ đồng được giao, giải ngân hơn 12.300 tỷ đồng. Vốn nước ngoài thực hiện đạt 8.653/3.500 tỷ đồng, vượt 147% kế hoạch. Ngay nguồn vốn ứng trước kế hoạch 2012 cũng vượt 7%, đạt 1.498/1.400 tỷ đồng.
Phản ánh từ các Ban quản lý, Tổng công ty xây dựng cơ bản trong ngành cho thấy, dù đều vượt kế hoạch vốn, nhưng vẫn còn nhiều dự án quan trọng, cấp bách, kể cả các dự án có khả năng hoàn thành năm 2011 không đủ vốn để thi công. Việc giãn tiến độ, tạm dừng thi công số dự án đang làm kéo dài thời gian hoàn thành, phát sinh khối lượng dẫn đến hiệu quả đầu tư giảm đang là bài toán khó nhất của ngành giao thông hiện nay.
Bộ trưởng Giao thông vận tải Đinh La Thăng cho biết, xuất phát từ thực tế phân bổ kế hoạch năm 2011-2012 cũng như những năm trước đây cho thấy, sẽ rất nan giải cho kế hoạch vốn 5 năm tới. Xét nhu cầu thấp thì vốn ngân sách trong 5 năm cần hơn 150.000 tỷ đồng, trong khi vốn huy động nước ngoài 88.000 tỷ đồng có thể cân đối được, còn lại khoảng 62.000 tỷ đồng trong nước cần bố trí sẽ chỉ có thể đáp ứng khoảng 20.000 tỷ đồng, còn 75% nhu cầu vốn đối ứng chưa có nguồn cho các dự án trong nước, vốn góp dự án BOT…
Để thực hiện mục tiêu đột phá về hạ tầng như mong muốn, cần thêm khoảng 84.000 tỷ đồng chưa xác định được nguồn huy động.
Các ý kiến đều quan ngại khả năng hoàn thành mục tiêu xây dựng hạ tầng giao thông đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế- xã hội sẽ khó đảm bảo nếu như không có những đột phá mới trong cơ chế cũng như quản lý đầu tư.
Vấn đề lớn nhất là nguồn lực
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải trao đổi, tán thành với lãnh đạo các ngành về các vấn đề nổi cộm của kế hoạch, nhiệm vụ trong ngành giao thông vận tải thời gian tới.
Về vấn đề lớn nhất là nguồn lực để phát triển giao thông, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, trong 5 năm tới, những tính toán về nhu cầu đầu tư, các vấn đề bức thiết cần giải quyết của ngành giao thông cho thấy một khoảng cách quá lớn so với điều kiện kinh tế, xã hội hiện nay. Mục tiêu kế hoạch toàn giai đoạn sẽ khó đạt được nếu không có những thay đổi trong phương thức quản lý cũng như những giải pháp đột phá.
“Đã đến lúc cần phải nhìn thẳng vào thực tế là ngành giao thông không thể chủ yếu trông chờ vào mấy ngàn tỷ đồng từ ngân sách như những năm trước đây. Với mấy ngàn tỷ đồng này, đầu tư xong đoạn đường này thì đã hỏng đoạn khác, chưa nói đầu tư mới, hiện đại bộ mặt giao thông”, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nói.
Vì vậy, ngành cần tập trung vào việc đổi mới, tạo đột phá trong cơ chế, trong quản lý, và cả quản trị doanh nghiệp để tạo nguồn lực đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Theo Phó Thủ tướng, đây mới là thách thức lớn nhất của ngành giao thông trong giai đoạn 5 năm tới.
Trước hết là việc xây dựng thể chế, chính sách, nhất là những chính sách cho đầu tư tư nhân, thu hút các nguồn lực xã hội như xây dựng dự thảo Nghị định riêng về đầu tư theo hình thức hợp đồng BT, tích cực phối hợp, xây dựng sớm các cơ chế về chính sách hợp tác công – tư PPP, hoàn thiện, gỡ vướng chính sách đầu tư BOT…. Coi đây là nguồn lực quan trọng để đảm bảo mục tiêu lớn trong xây dựng cơ bản đã đề ra.
Bên cạnh đó, nghiên cứu sớm tạo ra và hoàn thiện những kênh tạo nguồn vốn hiệu quả như Quỹ bảo trì đường bộ, Quỹ phát triển kết cấu hạ tầng, đề xuất các ý kiến phù hợp bổ sung, sửa đổi thủ tục đầu tư, đấu thầu theo hướng tạo thuận lợi cho dự án, nhà đầu tư.
Trong lĩnh vực quản lý, coi trọng và phát triển nguồn nhân lực, trình độ quản lý đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành giao thông là yêu cầu thiết yếu. Trong bối cảnh khó về vốn, phải hạn chế tối đa những yếu kém dẫn tới hệ quả là kéo dài tiến độ dự án, làm tăng vốn đầu tư, lãng phí làm kém hiệu quả của công trình.
Phó Thủ tướng cũng cho ý kiến chỉ đạo đối với những vấn đề bức thiết khác của ngành giao thông hiện nay, đó là việc đổi mới doanh nghiệp, tái cơ cấu và tập đoàn, Tổng công ty cũng như các ngành, vấn đề giao thông đô thị, an toàn giao thông,…
Tình hình thực hiện kế hoạch 2006-2010:
+ Vận tải hàng hóa đạt 3.281 triệu tấn, vận tải hành khách đạt 9 tỷ lượt khách.
+ Hàng thông qua cảng biển đạt 1,03 tỷ tấn, tăng 14%/năm.
+ XDCB đạt 104% kế hoạch giải ngân vốn NSNN, đạt 38.958/37.348 tỷ kế hoạch giao.
+ GTSX công nghiệp GTVT đạt 112.903 tỷ đồng.
Kế hoạch 5 năm 2011-2015:
+ Vận tải hàng hóa tăng bình quân 10-12%, vận tải hành khách tăng 13-15%.
+ Hàng thông qua cảng biển đạt 2,5 tỷ tấn, tăng 13,6%/năm.
+ Nhu cầu kế hoạch vốn XDCB: 438.000 tỷ đồng, trong đó vốn NSNN 150.528 tỷ, vốn TPCP 73.000 tỷ, huy động BOT, PPP, BT 175.000 tỷ…
Nguồn www.chinhphu.vn