(NTO) Trong điều kiện còn phải khắc phục hậu quả lũ lụt, nhưng chỉ sau năm đầu triển khai thực hiện Nghị quyết (NQ) Đại hội Đảng bộ tỉnh, huyện và xã, nhờ chuyển dịch cơ cấu kinh tế hiệu quả, nông nghiệp và nông thôn ở Phước Thuận đã mang diện mạo mới. Đi trên con đường rãi bê-tông nối quốc lộ 1A với tỉnh lộ 703 băng qua các thôn Thuận Lợi, Thuận Hòa, Hiệp Hòa, đều dễ nhận ra sự hồi sinh kỳ diệu của các vườn táo, vườn nho đang đậu trái.
Nhiều hộ nông dân thôn Thuận Lợi, xã Phước Thuận phát triển trồng táo.
Đã có nhiều dịp đến với vùng đất ven sông Dinh này, biết rõ điều kiện thực tế về tự nhiên và xã hội, nên chúng tôi hiểu rõ vì sao Đại hội Đảng bộ xã Phước Thuận nhiệm kỳ 2011-2015 tiếp tục xác định cơ cấu kinh tế của địa phương là nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương mại, dịch vụ. Lấy nông nghiệp làm ngành sản xuất chính, toàn Đảng bộ đã đặt trọng tâm lãnh đạo, vận động nhân dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi và khai thác tiềm năng lợi thế của địa phương, đặc biệt là đẩy mạnh thực hiện cơ giới hóa, khuyến nông và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật. Anh Nguyễn Văn Bảy, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Thuận giới thiệu: “Từ phong trào thi đua yêu nước ở địa phương, đã xuất hiện nhiều nông dân sản xuất giỏi, với nhiều cung cách làm ăn mới”. Trong các tấm gương nông dân điển hình, có thể kể tới ông Nguyễn Văn Trọng ở thôn Thuận Lợi và ông Nguyễn Văn Cư ở thôn Phước Khánh, bằng mô hình sản xuất khép kín, các ông đã nuôi dê, cừu, trồng táo, nho và cỏ chăn nuôi, nâng cao thu nhập và giàu có lên. Tính trong năm 2011, nông dân Phước Thuận đã gieo trồng tổng diện tích 2.283,2 ha, đạt 102,7% kế hoạch, ngoài cây lúa nước gieo trồng đạt 1.326,5 ha, các loại cây chủ lực khác như nho đã trồng mới 3 ha (nâng diện tích lên 88 ha), táo trồng mới gần 26 ha (nâng diện tích lên 190 ha). Đáng chú ý trong diện tích trên 606 ha rau màu các loại (vượt 23,7% kế hoạch), đã có thêm cây trồng mới là sú lơ, được nhiều nông dân ở thôn Hiệp Hòa đầu tư trồng thành công, bước đầu mang lại lợi nhuận cao.
Thực tế cho thấy kinh tế nông nghiệp đã góp phần tạo động lực thúc đẩy nông thôn phát triển. Đi dạo trên địa bàn xã, chúng tôi nhận ra nhiều công trình như trường học, trụ sở thôn, đường ống nước sinh hoạt được xây dựng; trong đó có 400 m đường nội thôn thôn Hiệp Hòa, 1,2 km đường giao thông nông thôn thôn Phước Lợi đã được bê-tông và 1.000 m tuyến mương Chai được làm mới. Đồng chí Lê Ngọc Dũng, Bí thư Đảng ủy-Chủ tịch UBND xã cho biết: “Vận dụng sáng tạo NQ của Đảng các cấp, Phước Thuận không chỉ đơn thuần làm ra nông sản để bán mà điều quan trọng là phải biết chuyển từ bán sản phẩm thô sang sản phẩm chế biến, có nghĩa là tăng dần tỷ trọng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương mại, dịch vụ”. Điều này có thể thấy rõ qua các sản phẩm như rượu vang nho, táo sạch của Phước Thuận bày bán ở siêu thị. Tại thôn Hiệp Hòa, chúng tôi được biết có ông Phạm Bê đầu tư nuôi gà mái đẻ, thay vì lấy trứng bán, bằng phương pháp thủ công ông cho ấp nở bán gà con, sản phẩm này đã giúp ông thu nhập mỗi ngày bình quân 300 ngàn đồng. Tính đến nay, Phước Thuận đã có 85 cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp chế biến nông sản và 500 cơ sở kinh doanh thương mại-dịch vụ, chủ yếu là dịch vụ phục vụ nông nghiệp. Đặc biệt các ngành nghề truyền thống địa phương đang được nhân dân khôi phục và phát triển như làng nghề bánh hỏi 2 thôn Phước Khánh, Phước Lợi; làng nghề trồng trầu cau Thuận Hòa. Căn cứ vào tính phổ biến cây trồng, Phước Thuận còn hình thành các làng nghề (thực chất là vùng chuyên canh) như làng nghề trồng táo thôn Thuận Lợi và làng nghề trồng nho, làm rượu vang nho Hiệp Hòa. Anh Trần Minh, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn Thuận Lợi hướng dân chúng tôi đi thăm làng nghề và khẳng định nghề trồng táo trong thôn đã chuyên nghiệp hóa. Cùng chia sẻ, bà Võ Thị Thả, một nông dân ở đây có 2 sào táo đang cho trái, nói: “Từ vườn táo này gia đình tôi đã trả xong nợ vay ngân hàng và thực sự coi trồng táo là nghề chính để mưu sinh”. Mỗi làng, mỗi nghề là nét đặc trưng đang mở ra triển vọng mới về sự bứt phá trong phát triển kinh tế ở Phước Thuận.
Đồng chí Lê Ngọc Dũng nhấn mạnh: “Trong phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2011-2015, chủ trương đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế đã xác định, nhưng để NQ của Đảng đi vào cuộc sống, không chỉ là việc thực hiện các chỉ tiêu đề ra mà đòi hỏi phải có sự năng động, dám nghĩ, dám làm”. Theo hướng đó, Phước Thuận đang tìm cách khôi phục lại diện tích nho, trước mắt trong năm 2012 sẽ tăng diện tích nho lên 124 ha. Trong kinh tế nông thôn, Phước Thuận đặt trọng tâm phát triển làng nghề theo chủ trương của tỉnh nhằm mục tiêu góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp trong GDP địa phương. Với kết quả đạt được trong năm qua, Phước Thuận đã có tiền đề để thực hiện thành công các mục tiêu NQ đề ra.
Bạch Thương