(NTO) Diện tích trồng táo toàn tỉnh hiện có trên 790 ha, trong đó diện tích cho sản phẩm gần 580 ha, sản lượng đạt gần 15.700 tấn. Ở nhiều nơi trong tỉnh, cây táo đã được chọn là đối tượng cho chuyển dịch cơ cấu cây trồng, thậm chí đã thay thế hẳn cây nho tại một số vùng trồng nho truyền thống.
Mô hình bẫy bả sinh học tại vườn táo gia đình ông Lê Xuân Hoan (Phước Sơn, Ninh Phước).
Tuy hiệu quả kinh tế là vậy, song canh tác táo còn nhiều rủi ro, năng suất và chất lượng táo chưa đạt như mong muốn bởi lẽ so với tiềm năng (táo có thể cho năng suất trong khoảng 25-35 tấn/ha) thì năng suất táo ở tỉnh ta còn thấp, chỉ đạt bình quân 19,8 tấn/ha. Nguyên nhân do đa số các hộ nông dân trồng táo quản lý sâu bệnh chưa hiệu quả và còn phải phun nhiều thuốc trừ sâu bệnh. Trong các loài sâu bệnh gây hại có ruồi hại trái táo là đối tượng nguy hiểm nhất và là đối tượng kiểm dịch của nhiều nước, thường xuất hiện trong mùa mưa tại tỉnh ta. Trái táo bị hại sẽ có tỷ lệ thối rụng không thể ăn được lên đến 25-30%. Lâu nay, nông dân trồng táo chủ yếu dựa vào thuốc hóa học để phun định kỳ phòng trừ là chính, nhưng chỉ diệt được con ruồi đực mà lại không diệt hoàn toàn nên ruồi cái vẫn thụ tinh, tiếp tục châm và đẻ trứng vào trái, gây nên thối rụng. Đã thế, vết ruồi châm sần sùi làm trái táo xấu ảnh hưởng tới giá bán.
Nhằm giảm bớt những thiệt hại do ruồi đục trái gây ra, giảm chi phí do sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, công phun thuốc, bảo vệ được môi trường sinh thái, sức khỏe của người sản xuất và tiêu dùng, Ban quản lý Dự án Cạnh tranh Nông nghiệp tỉnh đã chuyển giao kỹ thuật sử dụng bẫy bả sinh học phòng trừ ruồi táo (thuộc tiểu hợp phần A1: Nghiên cứu và phát triển công nghệ nâng cao khả năng cạnh tranh). Mục đích nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế của táo trồng, đồng thời nâng cao hiểu biết về ruồi hại trái và biện pháp phòng trừ hiệu quả cho cán bộ kỹ thuật và nông dân trồng táo. Theo anh Nguyễn Văn Luận, cán bộ Ban quản lý Dự án, bả sinh học là chất dẫn dụ ruồi dạng sinh học được hình thành từ Ento-Pro, thức ăn ưa thích cho ruồi đực, ruồi cái và một số côn trùng khác ở giai đoạn trưởng thành. Ento-Pro được sản xuất tại Việt Nam theo công nghệ Úc, không gây độc cho nông sản, không ảnh hưởng tới môi trường và sức khoẻ con người. Khi sử dụng cần kết hợp với thuốc trừ sâu Rigell vì ruồi ăn bả sau 2-3 ngày mới chết, trong thời gian này ruồi đi giao phối sẽ gây nhiễm chết những con khác (bả Ento-Pro tiêu diệt cả ruồi đực và ruồi cái) nên tác dụng diệt ruồi cao trên 90%; được mệnh danh là “thần diệt ruồi hại trái”.
Nông dân Võ Trung Kiên ở Ninh Phước áp dụng hiệu quả
chế phẩm phòng trừ ruồi vàng. Ảnh: SN
Việc sử dụng bẫy bả sinh học phòng trừ ruồi táo là một tiến bộ kỹ thuật mới nên nông dân chưa quen áp dụng. Để giúp nông dân tiếp cận, từ đầu tháng 11-2011, Ban quản lý Dự án Cạnh tranh Nông nghiệp tỉnh đã triển khai chuyển giao 6 mô hình trình diễn sử dụng bả Ento-Pro phòng trừ ruồi đục trái táo ở các xã Phước Sơn, Phước Hậu (Ninh Phước), mỗi xã có 3 mô hình, mỗi mô hình có diện tích khoảng 10 ha với 10 hộ tham gia. Dự kiến thời gian thực hiện là 10 tháng, kết thúc vào đầu tháng 9 năm 2012. Vùng được chọn là vùng có điều kiện tự nhiên, môi trường đáp ứng những nhu cầu thực hiện mô hình trình diễn, có diện tích trồng táo tập trung hoặc có táo trồng trong giai đoạn kinh doanh, có đường giao thông thuận tiên cho việc tham quan, học tập chuyển giao. Các hộ trồng táo được chọn tham gia mô hình có diện tích trồng ít nhất từ 1 ha trở lên, có ý thức áp dụng tiến bộ khoa học- kỹ thuật mới và kỹ năng truyền đạt cho bà con nông dân. Qua thực hiện mô hình, thời gian tuy còn ngắn nhưng tại vườn táo của ông Lê Xuân Hoan (Phước Sơn) được đánh giá có khả năng giảm tỷ lệ ruồi hại trái táo 50%, nâng cao năng suất táo lên 15-20% và nâng cao hiệu quả kinh tế sản xuất táo lên 20% so với hiện tại.
Dùng bả ruồi chữa bệnh sâu đục trái là một phương pháp khoa học đầy sáng tạo, lần đầu tiên thử nghiệm trên các vườn trồng táo ở nông thôn tỉnh ta. Điều dễ nhận ra là sử dụng bả Ento-Pro có chi phi rẻ, hiệu quả lại cao hơn so với dùng các loại bẫy bả khác vốn chỉ diệt được con ruồi đực. Qua các mô hình đang thực hiện, Ban quản lý Dự án Cạnh tranh Nông nghiệp tỉnh có cơ sở để tiến hành đào tạo cán bộ kỹ thuật, tổ chức các hội nghị tham quan đầu bờ, các lớp tập huấn trực quan để chuyển giao nhanh kết quả nghiên cứu vào thực tế sản xuất. Mục đích không gì khác hơn nhằm nâng cao năng suất, giảm bớt thiệt hại do ruồi đục trái táo, đồng thời bảo đảm cho sản xuất táo tại tỉnh ta an toàn, bền vững, nâng tính cạnh tranh trên thị trường.
Bạch Thương