Học sinh với văn hóa đọc

Ngày nay, khi các phương tiện thông tin nghe, nhìn ngày càng phong phú, mạng internet có mặt mọi lúc, mọi nơi, thì việc đọc sách hay văn hóa đọc của học sinh cũng đang thay đổi.

(NTO) Khi các phương tiện thông tin nghe, nhìn ngày càng phát triển, học sinh có nhiều sự lựa chọn cho việc đọc và cập nhật thông tin cho mình hơn. Nào máy tính với mạng internet, điện thoại di động, ti-vi, đài… Tuy nhiên, dù thông tin qua các phương tiện đó có đa dạng và phong phú đến mấy thì cũng không thể thay thế được việc đọc sách. Đọc sách không chỉ giúp học sinh tăng vốn kiến thức, khả năng hiểu biết sâu rộng mà còn giúp các em lắng đọng tâm hồn, bồi đắp tình cảm, rèn luyện khả năng tư duy, ghi nhớ. Người đọc sách nhiều, ngôn ngữ phong phú thì cách nói chuyện, giao tiếp cũng lịch sự, thanh lịch hơn. Để phục vụ nhu cầu đọc sách của học sinh, thư viện chính là nơi gần gũi và cần thiết nhất.

Học sinh Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn tham quan phòng đọc sách
– Thư viện tỉnh nhân tuần lễ “Học tập suốt đời”.

Thế nhưng, khi được hỏi, rất nhiều học sinh đều trả lời rằng: Chưa bao giờ hoặc rất ít khi lên thư viện mượn sách, bởi các em cũng không có nhu cầu đọc sách. Nếu có lên thư viện thì hầu hết cũng chỉ để mượn các loại sách tham khảo phục vụ cho môn học, các tập đề thi… Một số em khác cũng có thói quen đọc giải trí nhưng cái mà các em tìm đến chỉ là báo hoặc truyện tranh. Thực tế này cũng phần nào giải thích cho những cách nói chuyện cộc lốc, những câu từ được rút gọn và biến dạng đến khó hiểu mà các em lấy ra từ các tập truyện tranh để sử dụng trong giao tiếp hàng ngày.

Sách không còn hấp dẫn

“Đọc sách vừa mất thời gian, vừa đau đầu và ít có khả năng giải trí” – đó là câu trả lời của rất nhiều học sinh khi được hỏi vì sao các em không có thói quen đọc sách. Không còn như thời học sinh của cha mẹ các em, coi trọng sách như vật báu quý giá, các tác phẩm văn học mang đậm tính nhân văn được “gối đầu giường”. Ngày nay, internet phủ rộng, học sinh có nhiều lựa chọn hơn cho việc đọc của mình nhưng cái thu hút các em trên internet cũng không phải là những tác phẩm văn học, những câu chuyện lắng đọng đậm chất nhân văn… mà đó là những trò chơi điện tử, những tin giật gân, nóng hổi hay những truyện ngắn tình yêu sướt mướt, ủy mị. Em Phan Thị Ngọc, học sinh Trường THPT Ninh Hải chia sẻ: “Em rất ít đọc sách, nếu đọc cũng chỉ đọc truyện tranh. Lên mạng thì chỉ để nói chuyện với bạn bè hoặc tìm đọc các tin “hot”, các truyện ngắn tình yêu kịch tính, đọc là hiểu ngay không cần phải tư duy, suy nghĩ”.

Lười đọc, lười tư duy đang trở thành một “bệnh” khá phổ biến của học sinh hiện nay. Chính vì vậy, mà các thư viện dường như cũng đang ngày càng trở nên vắng vẻ hơn. Dù có đến thư viện để mượn sách đi nữa, thì sự lựa chọn số một của học sinh cũng chỉ là truyện tranh. Các loại sách tìm hiểu văn hóa, lịch sử, danh nhân đang ngày càng ít được “sờ” đến ngay cả với nhiều học sinh học chuyên văn hoặc theo ban xã hội. Theo số liệu thống kê của Thư viện tỉnh, vào thời điểm nhiều nhất một tháng có khoảng 5 ngàn lượt đọc giả đến mượn sách, trong đó đối tượng đông nhất là học sinh tiểu học và THCS. Tuy nhiên, loại sách được đa số các em chọn lại chủ yếu là truyện tranh.

Bên cạnh thái độ thờ ơ, quay lưng lại với việc đọc sách thì không ít học sinh cũng chia sẻ rằng các em không có nhiều thời gian để đọc. Nào học trên lớp, học thêm, bài tập về nhà, bài kiểm tra, bài thu hoạch… áp lực về bài vở đã khiến không ít học sinh phải “sợ sách” nhất là những cuốn sách dày, những tác phẩm kinh điển. Để giải trí sau những giây phút căng thẳng học bài, học sinh thường tìm đến các loại truyện tranh, truyện cười hiện đại. Cũng biết là việc đọc sách hết sức quan trọng, nhưng với thời gian eo hẹp và áp lực bài vở như vậy, thật khó để học sinh có thể kiên nhẫn đọc hết một cuốn sách hay một tác phẩm văn học nổi tiếng nào đó.

Từ thực tế về thói quen đọc sách của học sinh như vậy đã phần nào giải thích cho những lỗ hổng về kiến thức lịch sử, văn hóa dân tộc, sự chắp nối đầy “sáng tạo” khi phân tích các tác phẩm văn học trong các bài thi. Không chỉ ở khía cạnh thi cử, nhiều học sinh hôm nay còn đem cả những lời nói thô tục với hàng loạt từ “lóng” của “thế giới gameonline”, hay những câu xưng hô cộc lốc để nói chuyện, giao tiếp hàng ngày với cả thầy cô, người lớn trong gia đình.

Một cuốn sách hay có thể góp phần hình thành nên một nhân cách đẹp. Đọc sách cũng chính là con đường đến với tri thức, văn hóa nhân loại mà mỗi người đặc biệt là học sinh cần rèn cho mình một thói quen ngay từ nhỏ. Những cuộc phát động xây dựng thư viện hay tìm hiểu về lịch sử dân tộc, các danh nhân, sưu tầm những mẩu chuyện về Bác Hồ… đó cũng là những cách để thu hút học sinh, tạo niềm hứng khởi cho các em trở lại với sách.