Mất sinh viên giỏi, sinh viên giàu?
Năm nay, theo báo cáo Open Doors 2011, số lượng sinh viên VN hiện đang theo học đại học của Hoa Kỳ năm học 2010-2011 đã tăng 14%, từ 13.112 lên 14.888 người.
Việt Nam hiện xếp thứ 8 trong số các nước có nhiều SV du học nhất ở Hoa Kỳ, so với vị trí thứ 20 cách đây 5 năm.
Xác định giáo dục là một "ngành kinh tế không khói", nước Mỹ đã đưa giáo dục trở thành một niềm mơ ước của hàng triệu học sinh ở khắp các quốc gia. Năm nay, lượng du học sinh đến Mỹ cũng tăng lên 5%.
Theo Bộ thương mại Mỹ, các sinh viên quốc tế đến Mỹ du học đã đóng góp cho nước này 21 tỉ đô la thông qua học phí và chi phí sinh hoạt. Giáo dục đại học được coi là khu vực xuất khẩu dịch vụ hàng đầu của nước Mỹ.
Trong khi đó, đất nước láng giềng của chúng ta là Singapore cũng đang tích cực đi "săn lùng" sinh viên Việt Nam sang học đại học của họ.
Ông Đỗ Quốc Anh, Vụ trưởng, giám đốc Văn phòng đại diện phía Nam Bộ GD-ĐT trong một hội thảo khoa học gần đây đã đưa ra một thông báo đáng lo ngại: "Hiện chúng ta có gần 10.000 sinh viên đang du học ở Singapore, trong đó 80% là du học đại học. Hiện nay, mỗi năm trường ĐH Quốc gia Singapore thu hút của chúng ta 300- 400 HS ở các trường chuyên, các em được giải toán, lý, hoá, tin học quốc tế và trong nước".
Theo ông Võ Anh Dũng, hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM), mỗi năm trường cũng có khoảng 300 học sinh đi du học ở nước ngoài.
Không thay đổi, ĐH Việt Nam sẽ thiệt hại?
Tại Hoa Kỳ, Singapore cũng như nhiều nước xuất khẩu giáo dục khác, giáo dục đại học được coi là một khu vực kinh tế quan trọng. Con số 21 tỉ đô la mang lại từ xuất khẩu tại chỗ giáo dục của Mỹ đã nói lên điều đó.
Trong khi đó, dường khu vực đại học Việt Nam đang thờ ơ với thị trường này, coi "thị trường giáo dục" là một vấn đề nhạy cảm và người học cần mình chứ mình không cần người học. Cũng chính vì vậy, "khách hàng sinh viên" của ta đã tìm đường đến với những thị trường khác.
Ông Đỗ Quốc Anh cho biết: "Đào tạo trường chuyên của ta rất tốn kém nhưng họ (các trường đại học Singapore) đến các trường chuyên tuyển sinh với điều kiện dễ dàng là các em học giỏi và đạt được được một giải gì đó thì họ mời về học ở Singapore từ 4-6 năm bằng học bổng toàn phần, với điều kiện sau khi ra trường ở lại làm việc cho Singapore hoặc các công ty của nước này ở nước ngoài trong 3 năm".
"Theo thống kê của chúng tôi sau 4 năm hầu như không có một sinh viên nào trở về VN (học đã tuyển sinh 10 năm nay), trừ những em có hoàn cảnh đặc biệt. Nói về bề dày lịch sử thì họ không bằng chúng ta nhưng bao bì giáo dục đại học thì hơn chúng ta", ông Đỗ Quốc Anh cho biết.
Bà Judy Wong, giám đốc kinh doanh của Học viện quản lý Singapore (SIM) chia sẻ với VietNamNet: Trong tổng số 2.500 sinh viên quốc tế đang học tại trường, có 300 sinh viên Việt Nam. Sở dĩ sinh viên Việt Nam chọn SIM vì họ có thể lấy được bằng cấp của 13 trường đại học nổi tiếng thế giới của Anh, Úc, Mỹ, Thuỵ Sĩ nhưng với chi phí rẻ hơn nhiều so với sang học các đại học này tại các nước bản xứ. Đồng thời, gia đình ở Việt Nam sang thăm con thuận lợi hơn và chi phí cũng rẻ hơn rất nhiều.
Bà Judy Wong cũng chia sẻ thẳng thắn: Singapore là một đất nước nhỏ, không có tài nguyên, lo sợ chảy máu chất xám nên luôn cố gắng thu hút nhân tài trong khu vực. Chính phủ cũng đang đẩy mạnh nghiên cứu cấp cao để thu hút nhân tài nhiều hơn nữa.
Phụ huynh Trần Ngọc Sơn (Biên Hoà- Đồng Nai) đã chi 1 tỉ đồng cho con đi du học cho biết: Ở trong nước, cháu không đỗ đại học nên gia đình cho cháu đi du học. Cháu vẫn học tốt và chuẩn bị tốt nghiệp, có việc làm. Vậy hoá ra, cách tuyển sinh của ĐH Việt Nam hiện nay là "không cần tiền" để xây dựng và phát triển ư?
Một chuyên gia giáo dục đại học cho biết: Đã tới lúc chúng ta phải coi sinh viên là những "khách hàng" đặc biệt. Sẽ phải có những trường đại học đủ mạnh, đủ tốt để thu hút sinh viên giàu, sinh viên giỏi. Muốn vậy, phải có những thay đổi về chủ trương tuyển sinh sao cho những ai có nhu cầu là được học, đồng thời có cơ quan kiểm định chất lượng đáng tin cậy để quản lý các trường đại học đào tạo theo nhu cầu của thị trường.
Nguồn VietNamNet