Brian Tracy đã có hơn 30 năm nghiên cứu và đào tạo về tư duy thành công, huấn luyện hàng trăm hàng ngàn người trên toàn thế giới, bao gồm các giám đốc điều hành cấp cao của IBM, FedEx, Hewlet-Packard, Wal-Mart, Ford cùng nhiều công ty hàng đầu thế giới khác.
Brian Tracy ký tặng sách cho người tham dư hội thảo tại TP.HCM ngày 15-12-2011
Trong hơn 8 giờ hội thảo trong ngày 15-12-2011, vị diễn giả nổi danh là bậc thầy về kiến tạo động lực thành công này đã giúp người tham dự nhận diện những yếu tố gây mất tập trung và lãng phí thời gian; xác lập mục tiêu rõ ràng và thực tế; từ đó sẽ có động lực để kiên trì theo đuổi mục tiêu đến cùng. Bằng phong cách dẫn chuyện dí dỏm, lôi cuốn, ông đưa ra nhiều gợi ý và dẫn chứng về tầm ảnh hưởng của tư duy tích cực, sự chủ động học tập đối với thành công của mỗi cá nhân và doanh nghiệp.
Tư duy tích cực
Brian Tracy chia sẻ, cuộc sống cũng như công việc của mỗi người, mỗi doanh nghiệp có thể xem như một biểu đồ lượn sóng, trong đó, những đợt sóng nhỏ khá đều đặn hàng ngày chính là những vấn đề cần giải quyết và cứ mỗi 2-3 tháng sẽ có một đợt sóng lớn, tương ứng với một kiểu khủng hoảng. Mỗi ngày sẽ có những vấn đề mới, khác nhau xảy ra và người ta không có cách nào tốt hơn là chủ động đón nhận và tìm giải pháp cho chúng.
Dẫn dắt bằng câu chuyện “Tái ông thất mã” vốn rất quen thuộc với người Việt Nam, Brian Tracy nhấn mạnh rằng mọi vấn đề đều có mặt tốt và mặt xấu; và rằng chúng ta không thể thay đổi bản chất của vấn đề nhưng hoàn toàn có thể thay đổi cách nhìn của mình đối với vấn đề đó. Ông chia sẻ: “Người thành công, khác người không thành công ở chỗ họ nhìn vấn đề từ góc độ tích cực, chủ động đón nhận sự thay đổi và luôn tìm cơ hội trong những thay đổi đó”. Và có một điều kỳ diệu là khi nhìn mọi việc bằng thái độ tích cực, suy nghĩ tích cực, người ta sẽ nhận được những điều tích cực và có thêm nhiều mối quan hệ tích cực.
Học tập không ngừng
Mượn hình ảnh xây dựng một tòa nhà, xây càng cao thì móng phải càng sâu và chắc, Brian Tracy nhắc đi nhắc lại rằng mỗi người cần không ngừng đầu tư cho chính bản thân mình về kiến thức và kỹ năng. Học để phát triển và càng phát triển càng phải học để tự làm mới và nâng cao khả năng cạnh tranh của bản thân. Cụ thể hơn, ông gợi ý mỗi người nên dành 3% thu nhập để đầu tư cho sự học của bản thân.
Ông cũng khẳng định mọi kỹ năng trong công việc và cuộc sống đều có thể học được; quan trọng là mỗi người phải chủ động và tích cực học tập, trau dồi kiến thức, bổ sung kỹ năng mới và nâng cao những kỹ năng đã có. Có thể đến lớp học, tham dự hội thảo, học từ những người thành công… nhưng cách đơn giản nhất, theo ông là dành ra khoảng 2 giờ/ngày để đọc sách, báo, tạp chí… về một vấn đề/lĩnh vực nhất định. “Đọc là một cách học hiệu quả, nhưng phải đọc một cách chủ động, có định hướng, tránh lan man” – Brian Tracy bổ sung thêm.
Nhân đôi hiệu năng công việc
Theo Brian Tracy, người đi làm trên thế giới đang lãng phí khoảng 50% thời gian làm việc mỗi ngày vào những việc như tán gẫu trực tiếp hoặc trực tuyến, lang thang đọc những nội dung vô bổ trên internet, suy nghĩ những chuyện đã qua mà không thay đổi được gì… Ông cho rằng không có khái niệm “tiết kiệm thời gian”, mỗi người đều có một số vốn chung đó là thời gian và chúng ta đều phải sử dụng số vốn đó. Điểm đáng chú ý là mỗi người có biết cách sử dụng “vốn” hợp lý hay không mà thôi.
Thay vì “Ném thời gian qua cửa sổ”, mỗi người cần tập thói quen chọn ra 3 nhiệm vụ quan trọng nhất mỗi ngày, tập trung giải quyết lần lượt từ những việc quan trọng nhất cho rốt ráo, nhanh chóng, rồi tiếp tục chuyển qua xử lý những công việc kém quan trọng hơn… Một khi đã có được thói quen này, mỗi người sẽ có thể giải quyết được nhiều việc hơn, thậm chí là gấp đôi hiệu quả công việc, nhờ vậy sẽ thành công hơn. Và hơn hết, càng thành công họ càng tự tin, nhận được nhiều phản hồi tích cực hơn và càng sáng tạo hơn, càng có động lực phấn đấu nên thành công sẽ nối tiếp thành công.
Đúc kết lại, Brian Tracy gửi gắm rằng tất cả những nguyên tắc thành công thực sự rất đơn giản, nhưng vì thiếu kỷ luật, thiếu cam kết với chính bản thân mà nhiều người chưa nắm bắt được cơ hội thành công cho mình. Thông điệp duy nhất của ông chính là “Hãy làm ngay!” bởi nếu không mạnh dạn đặt bước chân đầu tiên, người ta sẽ khó có thể đi những bước tiếp theo.
Được biết, hành trình thuyết giảng tại châu Á chính là mục tiêu cuối cùng của năm 2011 mà Brian Tracy đã đặt ra. Ông lên đường đến Bangkok (Thái Lan) ngay trong đêm 15-12, sau khi kết thúc hội thảo tại TP.Hồ Chí Minh (Việt Nam). Trước đó ông đã có một ngày thuyết giảng cũng về chủ đề Nhân đôi hiệu năng công việc – Trở thành cá nhân và lãnh đạo kiệt xuất tại Kuala Lumpur (Malaysia) ngày 14/12/2011.
Nguồn Báo Hànộimới