Làm thế nào để phát huy lợi thế nuôi trồng thủy sản?

Là một tỉnh ven biển, có nhiều vùng nuôi trồng thủy sản tương đối thuận lợi, ngành Thủy sản đã cùng các địa phương không ngừng phát huy lợi thế, nâng cao năng lực sản xuất. Kết quả là sản lượng thu được từ nuôi trồng thủy sản năm sau cao hơn năm trước. Tuy nhiên để lợi thế thực sự được phát huy mang tính bền vững, vẫn cần những giải pháp đồng bộ và mạnh mẽ.

(NTO) Phát huy lợi thế…

Một trong những thế mạnh đang được tỉnh ta phát huy hiệu quả đó là bước đầu xây dựng và hình thành vùng sản xuất tôm giống của cả nước, đảm bảo nguồn giống chất lượng cao, cung cấp cho nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh. Theo thống kê của ngành Thủy sản, hiện toàn tỉnh có khoảng 1.000 trại nuôi với 370 cơ sở sản xuất tôm giống đang hoạt động. Sản lượng trong năm 2011 ước đạt 12,7 tỷ tôm Post, trong đó có 5,5 tỷ tôm Post sú và 7,2 tỷ tôm Post thẻ chân trắng, đạt 115% kế hoạch và tăng trên 23% so với năm 2010. Để phát huy tối đa thế mạnh này, các cơ sở đang có xu hướng liên kết, mở rộng sản xuất, thành lập các doanh nghiệp. Một số cơ sở cung cấp như Công ty TNHH Vina Nam Mỹ, cơ sở Thành Đông hay các cơ sở sản xuất giống tôm thẻ chân trắng như Công ty CP, Uni-President, Việt Úc, Minh Phú... của tỉnh ta đã cung cấp nguồn giống đi khắp các vùng nuôi trong cả nước, trong đó tập trung chủ yếu là các tỉnh phía Nam như: Cà Mau, Bến Tre, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang..., từng bước khẳng định được thương hiệu tôm giống Ninh Thuận.

Năm 2011, sản lượng tôm Post trong tỉnh ước đạt 12,7 tỷ con, trong đó có 5,5 tỷ tôm Post sú
và 7,2 tỷ tôm Post thẻ chân trắng. Trong ảnh: Sản xuất tôm Post thẻ chân trắng. Ảnh: Văn Miên

Bên cạnh con tôm giống thì tôm thương phẩm của tỉnh ta, sau thời kỳ “suy thoái” nay đang dần phục hồi, khẳng định giá trị và hướng đi đúng đắn đó là nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát vùng ven biển và nuôi tôm sú vùng đầm Nại. Mặc dù năm nay không thuận lợi do môi trường nuôi và điều kiện thời tiết xấu, nhưng với sự hỗ trợ kịp thời của ngành chức năng, đã tạo nên động lực để người nuôi cố gắng khắc phục những khó khăn, duy trì sản xuất. Do đó trong số trên 1.000 ha thả nuôi tôm thương phẩm đã có 693,2 ha cho thu hoạch, với sản lượng khoảng 7.690 tấn. Với giá bán được duy trì ở mức cao (từ 100.000 đ đến 160.000 đồng/kg, tùy kích cỡ) thì hầu hết người nuôi tôm đều có lãi.

Ông Phạm Đình Thịnh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng Thủy sản cho biết: “Đối với tôm thẻ chân trắng, nhiều hộ nuôi đang có hướng kéo dài thời gian nuôi từ 70 ngày trước đây lên 100 ngày để tôm thương phẩm đạt kích cỡ lớn 60 – 80 con/kg, vì trong thời gian này tôm nhanh lớn và bán giá cao hơn”.

Không chỉ dừng lại ở những giống nuôi truyền thống mà nhiều địa phương đã mạnh dạn chuyển đổi sang các loại hải- đặc sản cho giá trị kinh tế cao như ốc hương, tôm hùm, cua, ghẹ, hàu và cá nước lợ. Với quy mô và sản lượng không ngừng được nâng lên. Cụ thể trong năm nay đã thu trên 25 tấn ốc hương, 17,2 tấn tôm hùm, 10 tấn cá nước lợ, 20 tấn cua, ghẹ và 26 tấn hàu thương phẩm. Nhìn chung do giá cả ổn định nên hầu hết các hộ nuôi đều có lãi, theo đó nhiều mô hình nuôi hiệu quả như nuôi cá nước lợ (cá mú, cá chẽm, cá hồng...) đang được các địa phương triển khai nhân rộng.

…Nhưng chưa bền vững !

Mặc dù nguồn thu từ nuôi trồng thủy sản đang dần khẳng định được thế mạnh, tuy nhiên xét về khách quan và tổng thể thì hướng phát triển hiện nay chưa xứng tầm với lợi thế của tỉnh và trên một số lĩnh vực sự phát triển chưa thực sự bền vững. Một trong những mối lo lớn nhất mà người nuôi trồng thủy sản chưa có biện pháp khắc phục, đó là môi trường nuôi bị ô nhiễm. Do nhiều cơ sở và hộ nuôi không có ao chứa lắng để xử lý nước và chứa chất thải nên tình trạng xả thải bừa bãi xảy ra khá phổ biến đã tạo áp lực lên môi trường dẫn đến dịch bệnh thường xuyên xảy ra. Bên cạnh cơ sở hạ tầng ở các vùng nuôi chưa đảm bảo, tình trạng thả nuôi không đúng mùa vụ là những nguyên nhân làm tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp trong thời gian qua. Ảnh hưởng thấy rõ nhất đó là giảm tính hiệu quả kinh tế đối với hai loại vật nuôi rất nhạy cảm với môi trường đó là ốc hương và tôm thương phẩm. Riêng tôm thương phẩm trong năm, tổng diện tích tôm nuôi bị bệnh lên đến 278,7 ha, chiếm ¼ diện tích tôm thả nuôi. Loại bệnh thường gặp là hội chứng hoại tử gan và thân đỏ đốm trắng, xảy ra ở hầu hết các giai đoạn trong quá trình nuôi. Hay tình hình bệnh trên ốc hương làm ốc giống bị hao hụt nhiều, trong quá trình nuôi ốc hương xuất hiện dấu hiệu của bệnh sưng vòi, bỏ ăn và chết.. Hiện chỉ còn 28 lồng nuôi và 0,3 ha ao nuôi còn duy trì giống. Sản lượng ốc hương thương phẩm theo đó giảm chỉ còn 71% so với cùng kỳ năm 2010.

Một số mô hình mới như nuôi cua, ghẹ, hàu, tôm hùm thương phẩm, hiện đang cho hiệu quả kinh tế tương đối cao. Tuy nhiên, do các giống nuôi này, chủ yếu được khai thác từ tự nhiên, quy mô sản xuất còn nuôi nhỏ lẻ, quảng canh, sản lượng thấp, nên về lâu dài cũng sẽ gặp khó khăn, nhất là về nguồn giống. Ngay cả nguồn tôm sú bố mẹ hiện nay cũng phải phụ thuộc vào đánh bắt tự nhiên nên không chủ động, chất lượng không ổn định phần nào cũng ảnh hưởng đến chất lượng giống.

Đâu là giải pháp?

Để phát triển thế mạnh nuôi trồng thủy sản, một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu mà ngành Thủy sản đang nỗ lực, đó là tăng cường công tác quản lý như: quản lý vùng nuôi, chất lượng giống và các hoạt động nuôi trồng thủy sản... Trong đó, chú trọng theo dõi, giám sát nguồn gốc giống bố mẹ, đánh giá tình hình xả thải của các vùng nuôi; tăng cường công tác tuyên truyền các quy định trong nuôi trồng thủy sản; kết hợp quan trắc cảnh báo về môi trường nuôi trồng thủy sản và thanh tra chuyên ngành nhằm phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm sử dụng kháng sinh, lạm dụng chế phẩm sinh học, không tuân thủ quy định của ngành về lịch thả nuôi, nhất là ở các vùng trọng điểm có dịch... Mặt khác, tăng cường sự phối hợp với các cấp chính quyền quản lý việc nuôi trồng theo đúng quy hoạch; phối hợp với các ngành liên quan hướng dẫn phương pháp phòng dịch tại các vùng nuôi.

Tuy nhiên để phát huy hơn nữa lợi thế vùng, khắc phục những khó khăn hiện nay, ngành cần có chiến lược phát triển, hướng đến nuôi trồng thủy sản an toàn, xây dựng các vùng nuôi bền vững; tăng cường phổ biến các tiến bộ khoa học-kỹ thuật mới, mô hình mới, trong đó tập trung các mô hình nuôi an toàn bền vững (GAqP, CoC) cho cơ sở. Mặt khác, các cơ sở sản xuất, hộ nuôi cũng cần nâng cao ý thức trong việc xây dựng cơ sở nuôi trồng thủy sản an toàn gắn với mô hình cộng đồng; đảm bảo các điều kiện sản xuất, kinh doanh theo quy định. Trên cơ sở phát huy thế mạnh trong phát triển tôm giống, bên cạnh việc nâng cao chất lượng sản phẩm cần tăng cường công tác quảng bá mở rộng thị trường cho tôm giống Ninh Thuận.