(NTO) Như các phương tiện thông tin đại chúng đã đưa tin, ngày 10-12, tỉnh ta đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2020 và Xúc tiến đầu tư vào Ninh Thuận năm 2011, với chủ đề “Quy hoạch mới-kịch bản phát triển mới-cơ hội đầu tư mới”, với sự tham gia của gần 600 đại biểu là lãnh đạo các bộ, ngành trung ương; các đoàn ngoại giao; lãnh đạo các tỉnh, thành phố; các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp, chuyên gia, các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã về dự và có bài phát biểu quan trọng, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Chính phủ đối với Ninh Thuận trên bước đường phát triển mới.
Đồng chí Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh và các chuyên gia tham gia tọa đàm tại hội nghị.
Ảnh: Sơn Ngọc
Theo đánh giá của các đại biểu tham dự hội nghị, Ninh Thuận tuy là một trong những tỉnh nghèo của cả nước nhưng lại là tỉnh đầu tiên đã thuê các nhà tư vấn nước ngoài có uy tín trên thế giới là Tập đoàn Monitor (Mỹ) và Arup (Anh) lập chiến lược, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030 và đã được Chính phủ phê duyệt vào tháng 7-2011. Có thể nói, đây là cách làm thể hiện rõ sự táo bạo trong đổi mới tư duy của lãnh đạo tỉnh về tầm nhìn chiến lược phát triển trong tương lai để đưa Ninh Thuận không chỉ thoát ra khỏi danh sách các tỉnh nghèo của cả nước, mà còn là điểm đến của Việt Nam trong tương lai.
Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh ta được nghiên cứu theo phương thức tiếp cận mới, tiếp cận từ việc thu hẹp khoảng cách chênh lệch GDP để đề xuất các luận chứng về tăng trưởng, trong đó nâng cao năng lực cạnh tranh là động lực quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Đối với từng nhóm ngành kinh tế của tỉnh được luận chứng phát triển theo “mô hình kim cương”, phát triển gia tốc. Kịch bản mới trong Quy hoạch phát triển của tỉnh là lựa chọn phát triển nhanh và bền vững, theo mô hình kinh tế “xanh và sạch”. Mục tiêu là phấn đấu xây dựng Ninh Thuận trở thành nơi có môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, có tính cạnh tranh cao, là “Điểm đến đầu tư an toàn, kinh doanh thuận lợi và cạnh tranh cao”, xây dựng một môi trường sống tốt, thân thiện, có tiện ích dịch vụ công cộng với chất lượng tốt nhất, để thu hút các nhà đầu tư, các du khách, các chuyên gia trong và ngoài nước đến sinh sống, nghỉ ngơi và làm việc.
Chế biến tôm xuất khẩu tại Công ty TNHH Thông Thuận. Ảnh: Thanh Long
Định hướng mới phát triển tỉnh Ninh Thuận trong tương lai là dựa trên 6 nhóm ngành kinh tế trụ cột có lợi thế cạnh tranh của tỉnh, gồm 4 nhóm ngành cơ bản: năng lượng sạch; du lịch; nông -lâm-thủy sản; sản xuất chế biến và 2 nhóm ngành phụ trợ là giáo dục-đào tạo; xây dựng và kinh doanh bất động sản. Đến năm 2020, sẽ đóng góp 91% GDP của tỉnh và giải quyết 85% lao động xã hội. Riêng với mục tiêu xây dựng Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng sạch của cả nước, trọng tâm là đầu tư xây dựng 2 nhà máy điện hạt nhân với công suất mỗi nhà máy 4.000 MW; phát triển các nhà máy điện gió ở 14 vùng tiềm năng gió theo quy hoạch, quy mô từ 1.500 – 2.000 MW; phát triển loại hình thủy điện tích năng với quy mô 1.200 MW. Đến năm 2020, Ninh Thuận sẽ giải quyết 5-8% nhu cầu năng lượng quốc gia.
Tại hội nghị, một vấn đề được rất nhiều đại biểu quan tâm đó là “Tác động, hiệu ứng lan tỏa quy hoạch mới của Ninh Thuận và các giải pháp hiện thực hóa quy hoạch Ninh Thuận”. Theo GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên TW Đảng, Chủ tịch Viện Khoa học Xã hội Việt Nam thì Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2020 của Ninh Thuận rất ấn tượng, thể hiện tư duy mới, cách làm mới của tỉnh. Ninh Thuận là tỉnh có mức phát triển thấp nhưng để phát triển đi lên không đi theo hướng cổ điển, mà bứt phá bằng lợi thế cạnh tranh, đó là năng lượng sạch (điện hạt nhân) và năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời). Vấn đề đặt ra là phải tuân thủ thực hiện đúng, không được phá vỡ quy hoạch. Ông Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng: Ý đồ lan tỏa của quy hoạch xuất phát chính ở chỗ GDP đem lại cho chính con người Ninh Thuận. Cái gì cũng có giá nhưng phải biết quảng bá như thế nào để đạt được cái giá cao nhất. Để nhiều nhà đầu tư biết đến Ninh Thuận phải tạo được sự thu hút thông qua các hội nghị xúc tiến đầu tư có quy mô như hôm nay; cần lưu ý xúc tiến “mềm” bằng việc đẩy mạnh cải cách hành chính, quảng bá Ninh Thuận, hình ảnh Ninh Thuận.
Nhiều ý kiến nhất trí với nhận định cần phải có chiến lược quảng bá hình ảnh Ninh Thuận nhưng phải xác định được thương hiệu của Ninh Thuận là gì. Kinh nghiệm cho thấy các tỉnh trong nước có nền kinh tế phát triển đều bắt đầu từ việc quảng bá thương hiệu để thu hút đầu tư. Ông Chris Malone, Tập đoàn Monitor cho hay: Thế mạnh của Ninh Thuận là năng lượng sạch, đây chính là thương hiệu của Ninh Thuận và là hướng đi mà nhiều quốc gia trên thế giới đang hướng đến. Nhà máy điện hạt nhân được xây dựng là tiền đề để phát triển thế mạnh của ngành công nghiệp, kích thích ngành du lịch phát triển. Theo ông Phạm Gia Túc, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, thương hiệu của Ninh Thuận chính là đã xây dựng được Văn phòng Phát triển Kinh tế (EDO), áp dụng theo mô hình của Singapore. Tại đây đã giải quyết mọi thủ tục hành chính về đầu tư, từng bước tạo dựng uy tín cho doanh nghiệp. Chúng tôi sẽ nỗ lực hết mình hỗ trợ cho Ninh Thuận phát triển bằng việc phối hợp với các tổ chức trong và ngoài nước giới thiệu các tiềm năng để các nhà đầu tư biết và đến với Ninh Thuận.
Ninh Thuận là điểm đến trong tương lai được khẳng định bằng chính những cam kết của lãnh đạo tỉnh ta với các nhà đầu tư trong hội nghị lần này. Sự cam kết đó thể hiện ngay bằng lời phát biểu kết thúc hội nghị của đồng chí Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh: “…Với truyền thống hiếu khách và khát vọng vươn lên của con người Ninh Thuận, chúng tôi sẵn sàng chào đón và đồng hành cùng các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tại đây, các nhà đầu tư sẽ được tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để thực hiện thành công dự án của mình. Hãy đến với Ninh Thuận, đến với một quyết định đầu tư đúng đắn “Thủ tục nhanh gọn – kinh doanh an toàn – đầu tư hiệu quả- phát triển bền vững”. Các nhà đầu tư sẽ sớm nhận ra Ninh Thuận thực sự là điểm đến tin cậy, an toàn, thuận lợi và những cơ hội phát triển mới”.
Tác động, hiệu ứng, lan tỏa quy hoạch mới của tỉnh ta chính là ngay trong hội nghị lần này, tỉnh đã trao giấy chứng nhận cho 5 dự án về phát triển du lịch, điện gió, giáo dục, thủy sản; chấp thuận chủ trương đầu tư và ký thỏa thuận ghi nhớ 7 dự án khác. Với quy hoạch mới có tầm nhìn chiến lược, sự nỗ lực, quyết tâm chính trị cao nhất sớm hiện thực hóa quy hoạch của mình, xây dựng Ninh Thuận trở thành “Điểm đến của Việt Nam trong tương lai”.
Thu Thủy