Ðã có nhiều ý kiến cho rằng, đây là một mức tăng khá lớn, chưa thể hiện vai trò tích cực của chính sách tài khóa trong việc kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Rõ ràng là để kiềm chế mức tăng chi này, ngành Tài chính phải có nhiều biện pháp thiết thực hơn để kiểm soát chặt chẽ hoạt động chi NSNN.
Ðể phù hợp yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và khả năng trả nợ trong năm tới, Quốc hội đã quyết định mức bội chi NSNN năm 2011 là 120.600 tỷ đồng, bằng 5,3% GDP. Tổng dự toán chi NSNN năm 2011 vào khoảng 725.600 tỷ đồng, trong đó, dự toán chi cho hoạt động đầu tư phát triển vào khoảng 152 nghìn tỷ đồng (tăng 21,1% so dự toán năm 2010, chiếm 20,9% tổng chi NSNN) để thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội và phát triển kinh tế. Dự toán chi cho hoạt động trả nợ, viện trợ khoảng 86 nghìn tỷ đồng (tăng 22,4% so dự toán năm 2010, chiếm 11,9% tổng chi NSNN) để bảo đảm chi trả các khoản nợ trong và ngoài nước đến hạn. Dự toán chi thường xuyên là 442.100 tỷ đồng (tăng 18,1% so với dự toán năm 2010) và đã tính đủ tiền lương 12 tháng (theo mức tiền lương tối thiểu 730.000 đồng/tháng thì chiếm 60,9% tổng chi NSNN, nhưng nếu tính cả chi điều chỉnh tiền lương trong năm 2011 thì chiếm 64,6% tổng chi NSNN). Dự toán chi thực hiện cải cách tiền lương là 27 nghìn tỷ đồng, chiếm 3,7% tổng chi NSNN để thực hiện điều chỉnh tiền lương tối thiểu từ 730 nghìn đồng/tháng lên mức 830 nghìn đồng/tháng (tăng 13,7%), lương hưu và trợ cấp ưu đãi người có công tăng bằng tốc độ tăng lương tối thiểu; thực hiện chế độ phụ cấp công vụ với mức 10%; thực hiện phụ cấp thâm niên ngành giáo dục theo Nghị quyết của Quốc hội. Dự toán chi bổ sung quỹ dự trữ tài chính địa phương vào khoảng 100 tỷ đồng và mức dự phòng NSNN vào khoảng 18.400 tỷ đồng (bằng 2,6% tổng chi NSNN).
Tuy được giao mức tăng chi là 5,3% GDP nhưng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ điều hành NSNN, để góp phần đưa Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ vào thực tiễn đời sống một cách có hiệu quả, Bộ Tài chính đã chủ động chỉ đạo toàn ngành tập trung thực hiện kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, cắt giảm chi tiêu công, tạm dừng khởi công các công trình, dự án mới và tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên, từ đó góp phần giảm bội chi NSNN xuống mức 4,9% GDP (giảm 0,4% so với kế hoạch Quốc hội giao đầu năm).
Tuy nhiên, do hoạt động thu NSNN năm 2011 đạt khá (trong đó thu ngân sách T.Ư tăng khoảng 54 nghìn tỷ đồng) nên theo quy định của Luật NSNN (nguồn thu tăng là điều kiện để các địa phương sử dụng để phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, và Hội đồng nhân dân các cấp được giao dự toán chi cao hơn so với dự toán Quốc hội giao) nên tổng chi NSNN năm 2011 vẫn vượt dự toán 9,7%. Ðiều đáng chú ý là trong tốc độ tăng chi này, nguồn vốn tăng chi của NSNN dành cho khu vực nông nghiệp, nông thôn luôn cao hơn mức tăng chi bình quân chung, và xu hướng này đều duy trì mức tăng qua từng năm.
Theo lãnh đạo Bộ Tài chính, năm 2009, mức chi cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn (NN-ND-NT), kể cả trái phiếu Chính phủ (TPCP) đã đạt 35,9% tổng chi NSNN; năm 2010 thì con số này là 39,3%, còn dự toán năm 2011 là 39,8%. Sang năm 2012, theo dự toán vừa được Quốc hội thông qua thì tổng số chi cho NN-ND-NT (kể cả TPCP) sẽ bằng khoảng 40,9% tổng chi NSNN, trong đó, trực tiếp chi qua kênh NSNN là 343.108 tỷ đồng; bố trí trực tiếp cho NN-ND-NT là 119.480 tỷ đồng; bố trí qua các bộ, ngành T.Ư là 9.138 tỷ đồng; bổ sung có mục tiêu từ ngân sách Trung ương cho ngân sách địa phương là 87.633 tỷ đồng và các khoản chi liên quan trực tiếp đến địa bàn NN-ND-NT là 166.863 tỷ đồng; vốn TPCP bố trí là 24.800 tỷ đồng. Với những số lượng và mục tiêu chi như vậy, có thể khẳng định năm 2011, Bộ Tài chính đã thực hiện kiên quyết chính sách tài khóa chặt chẽ để ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát theo đúng Nghị quyết của Chính phủ, đồng thời đã sử dụng tốt đồng vốn nhà nước cho các mục tiêu ưu tiên phát triển như đầu tư cho khu vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân.
Bước sang năm 2012, lãnh đạo ngành tài chính cũng khẳng định, toàn ngành sẽ vẫn tiếp tục thực hiện mục tiêu trọng tâm của Chính phủ là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ. Bộ sẽ tăng cường chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ hoạt động chi NSNN, thực hiện mục tiêu phấn đấu giảm bội chi NSNN xuống dưới 4,8% GDP, trong đó chú trọng thực hiện tái cơ cấu đầu tư công theo kết luận của Hội nghị T.Ư 3 và Chỉ thị số 1792/CT-TTg ngày 15-10-2011 của Thủ tướng Chính phủ; rà soát, hạn chế tối đa khởi công mới các công trình, dự án sử dụng vốn NSNN và TPCP; rà soát, cắt giảm, sắp xếp các dự án đầu tư để tập trung vốn cho các công trình quan trọng, cấp bách, hoàn thành trong năm 2012, kiên quyết cắt giảm những công trình dự án đầu tư kém hiệu quả hoặc sử dụng vốn không đúng mục đích; thực hiện tiết kiệm trong chi thường xuyên; kiểm soát chặt chẽ các khoản chi NSNN qua KBNN... kiên định thực hiện đúng mục tiêu của chính sách tài khóa nhưng không ảnh hưởng đến việc thực hiện các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách và các mục tiêu an sinh xã hội.
Nguồn Báo Nhân Dân Online