Các hãng sữa ngoại đã đăng ký điều chỉnh tăng giá với Bộ Tài chính. Trong đó, hãng sữa Mead Johnson tăng giá mạnh nhất (từ 18% - 19%) kể từ ngày 1- 12 (áp dụng cho 3/37 mặt hàng); hãng sữa Abbott có 30/33 mặt hàng tăng giá 9%, áp dụng từ ngày 5-12; hãng sữa Nestlé có 5/20 mặt hàng tăng giá từ 2% - 10%, áp dụng từ ngày 20-12...
Tại thị trường TPHCM, giá nhiều loại sữa đang tăng mạnh. Ảnh: Xuân Thảo
Lại đua nhau tăng
Cũng giống như những lần tăng giá trước, chỉ cần một hãng sữa tăng thì ngay lập tức các hãng sữa khác cũng ùn ùn tăng theo. Lần này, dù chỉ mới có một số hãng thông báo chính thức tăng giá nhưng giá sữa trên thị trường gần như đã đồng loạt tăng. Mặt hàng sữa Abbott loại 900 g, giá cũ khoảng 400.000 đồng/hộp, nay đã tăng lên thêm 40.000 đồng - 50.000 đồng/hộp. Riêng hộp loại 1,7 kg, giá bán trước đây 819.000 đồng/hộp, nay tăng thêm khoảng 90.000 đồng/hộp. Sữa Mead Johnson loại hộp 900 g hiện đã tăng thêm khoảng 70.000 đồng/hộp...
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính, cho biết theo quy định, muốn tăng giá sữa, doanh nghiệp (DN) chỉ cần thông báo đăng ký giá mới với cơ quan chức năng và đưa ra được lý do tăng giá hợp lý do các yếu tố đầu vào tăng. Chỉ trường hợp mức tăng giá bất thường, cơ quan chức năng mới can thiệp.
Cũng theo ông Tuấn, lần tăng giá này, các DN sữa cũng đã đưa ra được các yếu tố đầu vào tăng như biến động tỉ giá, nguyên liệu cũng như mã số nhập khẩu một số mặt hàng nguyên liệu sữa sắp xếp lại đã làm cho mức thuế nhập khẩu tăng lên... Tuy nhiên, theo ông Tuấn, đó chỉ là giải thích của các hãng sữa, còn về phần mình, Cục Quản lý giá vẫn đang tiến hành rà soát, kiểm tra lại các yếu tố giá đầu vào. Nếu phát hiện mức tăng giá không hợp lý, cơ quan chức năng sẽ bắt buộc DN sữa phải điều chỉnh lại giá bán và xử phạt theo Nghị định 84 của Chính phủ…
Theo Sở Tài chính TPHCM, Công ty CP Sữa Việt Nam - Vinamilk cũng vừa gửi văn bản đăng ký tăng giá nhiều sản phẩm sữa áp dụng cho đầu năm 2012 sắp tới. Ông Nguyễn Quốc Chiến, Trưởng Ban Vật giá, Sở Tài chính TPHCM, cho biết cơ quan này đang rà soát, kiểm tra, xem xét các yếu tố đầu vào có thật gây biến động đến giá sữa của các hãng hay không để báo cáo lên cấp trên có biện pháp xử lý.
Cao gấp 3 lần giá thành
Theo ông Vũ Quốc Tuấn, Trưởng Phòng Đối ngoại Công ty Nestlé Việt Nam, sở dĩ giá sữa của công ty tăng là do chi phí đầu vào như lương công nhân, chi phí điện nước, tỉ giá… tăng lên. Ngoài ra, Nestlé còn có nhà máy sản xuất ở Thái Lan bị ngập sâu trong đợt lũ lụt vừa qua ảnh hưởng chung đến nguồn cung khiến một số mặt hàng bị thiếu hụt. Còn theo ông Vũ Gia Khuyến, Giám đốc điều hành Công ty 3A (đơn vị phân phối sữa Abbott tại Việt Nam), giá nguyên liệu tăng khiến giá sữa nhập khẩu tăng từ 7% - 8% nên buộc lòng phải tăng giá sữa trên thị trường. Trước đó, vào thời điểm tháng 9, nhiều mặt hàng sữa của Nestlé, Friso, Dutch Lady… cũng đã tăng giá từ 3% - 15%.
Tuy nhiên, theo ông Phạm Ngọc Châu, Phó Tổng Giám đốc Công CP Thực phẩm Hanco: Chi phí đầu vào trong sản xuất sữa tuy có tăng nhưng mức tăng không đáng kể, chưa đủ yếu tố để điều chỉnh tăng giá, nhất là tăng mạnh như thông báo của một số hãng sữa.
Còn theo giới kinh doanh, việc tăng giá sữa lần này không có gì bất ngờ. Hằng năm, vào thời điểm cuối năm như hiện nay, sức tiêu thụ sữa giảm mạnh do các điểm bán lẻ chỉ tập trung mua vào các mặt hàng bán Tết (rượu bia, bánh kẹo…). Trong bối cảnh đó, để bán được hàng, các hãng sữa thường dùng “chiêu” tăng giá để “kích” các đại lý mua trữ hàng đón giá mới. Giá nguyên liệu sữa bột gần đây có tăng nhẹ do nhu cầu tiêu thụ ở Trung Quốc tăng khá cao. Tuy nhiên, các loại nguyên liệu khác như bơ, chất béo, phô mai lại giảm mạnh, chỉ còn 3.600 USD/tấn (giảm 300 USD/tấn).
Theo tính toán của giới chuyên môn, với giá sữa bột nguyên kem hiện nay ở mức khoảng 3.450 USD/tấn, sữa bột không kem (sữa gầy) 3.200 USD/tấn, cộng với các khoản thuế, chi phí vận chuyển, nhân công, lợi nhuận DN thì giá thành sản xuất tại nhà máy chỉ khoảng 80.000 đồng/kg. Nếu cho thêm các chất bổ sung từ 20.000 đồng - 30.000 đồng và giá bao bì hộp thiếc 20.000 đồng/hộp…, tính ra một hộp sữa có trọng lượng 1 kg chỉ có mức giá khoảng 130.000 đồng, trong khi một số hãng sữa ngoại đang bán với giá khoảng 450.000 đồng/hộp, cao gấp 3 lần giá thành.
Tác động xấu đến thị trường cuối năm
TS. Nguyễn Minh Phong, Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế Xã hội Hà Nội, cho rằng: Sữa là mặt hàng thiết yếu cho trẻ em và người bệnh, người già nên dù giá cao, nhiều người vẫn phải mua. Giá sữa tăng sẽ nhanh chóng tác động đến nhiều mặt hàng khác, nhất là thời điểm cuối năm như hiện nay, rất dễ đẩy giá nhiều mặt hàng tăng theo. Do đó, cơ quan chức năng cần phải kiểm tra gắt gao các mặt hàng thiết yếu, trong đó có mặt hàng sữa, không để tăng giá bất hợp lý làm ảnh hưởng đến đời sống người dân, tác động xấu đến chỉ số giá tiêu dùng.
Nguồn www.nld.com.vn