Bốn phương án cải tạo đường sắt
30 chuyên gia giàu kinh nghiệm về ĐS của Nhật Bản đã sang VN từ giữa năm 2011 để nghiên cứu, khảo sát thực địa tuyến Hà Nội – Vinh, TP. Hồ Chí Minh – Nha Trang và đưa ra những nhận định ban đầu về thực trạng cùng các phương án có thể áp dụng nhằm phát triển tuyến ĐS Bắc – Nam. Theo đánh giá của đoàn nghiên cứu, tuyến ĐS Bắc – Nam có hạ tầng cũ, đầu máy toa xe cũ; hướng tuyến không phù hợp; chất lượng dịch vụ thấp. Đặc biệt, JICA nhận định trong các yếu tố quyết định tốc độ chạy tàu, khổ đường 1m hay 1,435m không phải yếu tố quan trọng.
Đường sắt Việt Nam đã lạc hậu và đòi hỏi được nâng cấp, phát triển. Ảnh: Giang Huy
Từ đó, đoàn nghiên cứu JICA đã đưa ra 4 phương án cải tạo ĐS hiện có với chi phí tăng cao theo từng phương án. Hai phương án đường đơn khổ đường 1m với ước tính đầu tư sơ bộ là 1,5 và 1,8 tỉ USD. Còn với hai phương án đường đôi có khổ đường lần lượt là 1m và 1,435m hiệu quả khai thác tăng gấp hơn 2 lần có chi phí ước tính 14,5 tỉ và 27,7 tỉ USD.
TS Iwata Shizuo - Trưởng đoàn nghiên cứu JICA - cho biết: “Chúng tôi đưa ra tất cả các phương án có thể, tuy nhiên chưa có nghiên cứu cụ thể. Trên cơ sở nghiên cứu lần này sẽ đánh giá ĐS mới có tác động như thế nào”. Ông Ngô Thịnh Đức – Thứ trưởng Bộ GTVT - cũng khẳng định: “Cần nghiên cứu kỹ tất cả các phương án có thể phát triển ĐS VN. Ở thời điểm này, chúng ta chưa thể khẳng định sẽ làm ngay đường đôi khổ 1,435m”.
Cần phân tích dựa trên nhu cầu
Các đại biểu VN dự hội thảo đều ủng hộ quan điểm, phương pháp tiếp cận của đoàn nghiên cứu. Đặc biệt là việc đưa ra nhiều phương án để lựa chọn. Ông Đỗ Văn Hạt – Tổng GĐ Cty CP tư vấn đầu tư và xây dựng GTVT (TRICC) - cho biết: “Tôi ủng hộ phương án xây dựng tuyến mới có tốc độ cao, đường đôi khổ 1,435m. Hai tuyến đầu Hà Nội – Vinh, TPHCM – Nha Trang đã quá tải nên cần xây dựng đường song song. Tuy nhiên, ở tương lai gần sẽ khó thực hiện được việc chuyển đổi”. Lý do ông Hạt đưa ra là tuyến ĐS từ Vinh – Nha Trang đang thực hiện nhiều dự án để nâng tốc độ chạy tàu 100km/h. Vì thế, không có lý gì khi vừa làm xong lại dỡ đi để xây dựng ĐS có tốc độ 120km/h.
Còn ông Lê Anh Tuấn – Vụ phó Vụ KHĐT, Bộ GTVT - băn khoăn về ước tính chi phí sơ bộ: “Với hai phương án A1, A2 cần tương ứng 1,5 tỉ và 1,8 tỉ USD, tôi cho rằng cần nghiên cứu lại. Theo chúng tôi, chi phí sẽ lớn gấp nhiều lần. Chỉ tính riêng tiền giải phóng mặt bằng cũng đã lớn hơn ước tính sơ bộ cho cả phương án”. Đồng tình với quan điểm trên, đại diện của VNR cho rằng số liệu đánh giá cơ sở hạ tầng trong nghiên cứu lần này chưa có tính thuyết phục cao. Ví dụ con số 1.047 đường ngang chỉ là số đường ngang chính thức. Thực tế có rất nhiều đường ngang dân sinh trái phép, chỉ tính riêng chi phí giải phóng các đường ngang này trả lại hành lang an toàn giao thông ĐS cũng đã vượt quá chi phí ước tính của JICA. Các đại biểu đề nghị nghiên cứu cần phân tích dựa trên nhu cầu chứ không chỉ dựa vào kỹ thuật để đạt được hiệu quả cao.
Theo TS Iwata, khoảng tháng 2-2012, đoàn sẽ có báo cáo giữa kỳ và dự kiến tiếp tục đưa ra hội thảo lấy ý kiến vào tháng 4.2012.
Nguồn Báo Lao động