Nghệ sĩ và thời đại - Hòa nhập, không hòa tan

Cuộc tọa đàm kỷ niệm Ngày Truyền thống mỹ thuật Việt Nam (10-12-1951) và kỷ niệm 30 thành lập Hội Mỹ thuật TPHCM (28-11-1981), tổ chức vừa qua, chứa chan bao tâm huyết của giới mỹ thuật khi ôn lại lời Bác Hồ dạy: Văn học nghệ thuật là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy.

Những nghệ sĩ - chiến sĩ

Nhắc lại dấu ấn của cuộc triển lãm hội họa năm 1951 tại Chiêm Hóa, Tuyên Quang với lá thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi các họa sĩ và cũng là lời gửi chung cho những người làm văn hóa - nghệ thuật của nước Việt Nam độc lập, nhiều ý kiến họa sĩ đã phân tích sâu sắc ý nghĩa lý luận lẫn thực tiễn. Các thế hệ văn nghệ sĩ trưởng thành từ cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ với tay bút, tay súng đã sáng tạo bao tác phẩm ca ngợi chủ nghĩa anh hùng cách mạng của nhân dân Việt Nam.

Cảm hứng yêu nước, cảm hứng anh hùng được các họa sĩ Huỳnh Phương Đông, Nguyễn Đức Thọ, Phạm Đỗ Đồng… bộc bạch bằng những trải nghiệm chiến tranh của lớp họa sĩ trong chiến khu Việt Bắc, lớp họa sĩ vượt Trường Sơn cùng lớp họa sĩ từ các chiến khu ở Nam bộ sau này. Ôn lại những trang đời và những bức vẽ trong chiến tranh ở Củ Chi, Long An, Tiền Giang, Bến Tre…, họa sĩ Huỳnh Phương Đông tâm sự, đó cũng điều tâm huyết của một chiến sĩ - nghệ sĩ, nhớ lời Bác Hồ dạy là làm nghệ thuật phải đem lại niềm vui, hạnh phúc cho chiến sĩ đồng bào.

Ông kể lại: Phòng Hội họa giải phóng trong những năm chống Mỹ từ 1962-1975 đã làm được việc đem tranh triển lãm trong căn cứ kháng chiến, trong ấp chiến lược, đặc biệt là triển lãm trên chiến hào cho bộ đội xem trước giờ nổ súng…

Tác phẩm Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ của họa sĩ Nguyễn Sáng.

Nâng cao trách nhiệm

Không ít ý kiến nghệ sĩ phân tích, thực trạng xã hội, kinh tế, văn hóa, nghệ thuật trong thời đại mới là mở cửa, giao lưu, hội nhập thế giới. Sự phát triển của đời sống kinh tế thị trường đã tác động mạnh mẽ đến đời sống văn hóa, nghệ thuật. Họa sĩ Ca Lê Thắng nhấn mạnh nhận thức vai trò chiến sĩ - nghệ sĩ trong thời bình. Nếu đánh mất sự sáng tạo, xa lánh cuộc sống, vay mượn đời sống của kẻ khác, sao chép, cóp nhặt ý tưởng của người khác, không dám phê phán cái tiêu cực… liệu có chăng cánh chim báo bão, dự báo, định hướng cho các giá trị mới hình thành? Cần có bản lĩnh của nghệ sĩ và cả người quản lý nghệ thuật. Chủ một phòng trưng bày, bà Trần Thị Huỳnh Nga cho rằng, các nhà quản lý nghệ thuật cần tiếp cận nghệ sĩ để thấu hiểu sự nhạy cảm của tâm hồn nghệ sĩ. Từ đó, đánh giá, thẩm định xác đáng giá trị, ý nghĩa tích cực, đầy tính nhân văn qua tác phẩm của họ. Tương tự, các nghệ sĩ cũng cần xích lại gần với các nhà quản lý nghệ thuật, trên tinh thần trao đổi, cởi mở, cầu thị.

Lớp họa sĩ trẻ như Mai Anh Dũng, Cung Dương Hằng, Limkhim Katy… bày tỏ quan niệm khá rõ ràng trong việc tiếp thu vốn quý văn hóa dân tộc và gạn đục, khơi trong văn hóa, nghệ thuật du nhập từ nước ngoài trong thời kỳ bùng nổ thông tin hiện nay của thế giới. Họa sĩ Mai Anh Dũng nhận định: “Chúng tôi tiếp nhận khuynh hướng, thể loại nghệ thuật, trào lưu mới một cách chọn lọc, hòa nhập chứ không hòa tan. Mặt trận văn hóa vô cùng nhạy cảm và không ngừng vận động, phát triển. Vì vậy, nghệ sĩ phải luôn luôn đấu tranh, tìm tòi, sáng tạo để tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao nhằm phục vụ cho công chúng, cho xã hội”.

Ghi nhận ý kiến các nghệ sĩ mỹ thuật qua tọa đàm, họa sĩ Uyên Huy, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TPHCM cho rằng, nghệ sĩ trong thời đại mới vẫn là chiến sĩ. Điều đó được thể hiện qua nhận thức, bản lĩnh, thể hiện trách nhiệm của nghệ sĩ đối với Tổ quốc, đồng bào bằng những tác phẩm mang tính thời đại, tính thẩm mỹ và tính chiến đấu cao.

Nguồn Báo SGGP Online